Hội Gióng Sóc Sơn bên cạnh Hội Gióng Phù Đổng là 2 hội Gióng đặc biệt tiêu biểu ở thủ đô Hà Nội. Cả hai Hội Gióng này đều tự hào được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Dù nằm ngay thủ đô hiện đại, Hội Gióng vẫn được lưu truyền trọn vẹn qua các thế hệ, không bị nhà nước hóa, thương mại hóa. Hôm nay hãy cùng 3vi.vn tìm hiểu thêm về lễ hội Hà Nội đặc biệt này nhé!
Hội Gióng Sóc Sơn – Nét văn hóa đặc biệt vẫn còn lưu giữ qua bao thế hệ
1.1 Ý nghĩa của Hội Gióng Sóc Sơn
Hội Gióng là một lễ hội Hà Nội với văn hóa cổ truyền ở phía Bắc nhằm mô phỏng chân thật, sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu giữa thánh Gióng cùng nhân dân Văn Lang với giặc Ân xâm lược. Thông qua đó lễ hội mong muốn sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng về các cách tổ chức cũng như hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa. Từ đó liên tưởng đến bản chất tất thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa, chiến tranh toàn dân, toàn quốc, toàn diện nhằm giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc và người dân.
Lễ Khai mạc buổi Hội Gióng – Mội người thường mặc áo dài màu đỏ hoặc vàng, đầu đội khăn đóng
Vào ngày 16 tháng 11 năm 2010 tại thành phố Nairobi – Thủ đô của Kenya, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm và đền Sóc thuộc huyện Sóc Sơn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và là một trong những tưởng niệm đặc sắc và sinh động về Thánh Gióng. Điều đó càng nhấn mạnh thêm tinh thần “giữ lửa” lễ hội, văn hóa nghệ thuật cổ xưa nước nhà của thủ đô Hà Nội.
Các lễ vật được chuẩn bị công phu và đầy đủ để dâng lên cho Thánh Gióng
1.2 Hội Gióng Sóc Sơn được diễn ra như thế nào?
Theo truyền thuyết chúng ta thường được nghe kể thì xã Phù Linh thuộc huyện Sóc Sơn, thủ đô Hà Nội là nơi Thánh Gióng ghé qua trước khi ông bay về trời. Cũng chính vì thế nên vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, mọi người dân ở xã Phù Linh sẽ mở hội linh đình kéo dài 3 ngày tại Khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương. Lễ hội Gióng Sóc Sơn sẽ được tổ chức long trọng với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương và cuối cùng là dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Các hoạt động vui nhộn đặc sắc của Hội Gióng Sóc Sơn
Bảy thôn làng, đại diện cho bảy xã sẽ chuẩn bị lễ vật cho ngày mở đầu hội chính. Các phần nghi lễ đặc biệt cũng sẽ được làm vào đêm mùng 5 có thể kể đến như lễ Dục Vọng mời ông Gióng về với các cống phẩm, lễ vật đã được 7 xã chuẩn bị chu đáo và vẹn toàn. Họ mong đức Thánh Gióng sẽ phù hộ cho dân làng huyện Sóc Sơn sẽ có được một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Ngoài ra, nhiều trò chơi dân gian sôi động như cờ tướng, hát ca trù, chọi gà, hát chèo… sẽ được tổ chức sôi nổi.
Cả làng sẽ cùng nhau ‘góp vốn’ để tổ chức ra được buổi lễ hội hoành tráng như thế này – Nhìn con heo quay to tướng thế là bạn cũng hiểu rồi nhỉ
Các lễ vật sẽ được dâng lên vào ngày mùng 5 Âm Lịch, chuẩn bị cho ngay lễ chính vào mùng 6
Ngày chính hội sẽ diễn ra vào ngày mùng 6 – Ngày Gióng hóa thánh cưỡi ngựa bay về trời theo truyền thuyết. Vào ngày khai hội diễn ra, dân làng và khách thập phương sẽ đến dâng hương. Vào đúng nửa đêm sẽ khai màn lễ khai quang – Tắm cho tượng Thánh Gióng. Các nghi lễ chủ yếu trong ngày Mùng 6 chính hội này là dâng hoa tre ở đền Sóc và chém tướng giặc. Sau lễ dâng hoa được tổ chức, tre sẽ được tung ra trước sân đền để người dự hội lấy cầu may, cầu lộc. Phần hoạt động chém tướng giặc sẽ được tổ chức bằng cách chém một pho tượng nhằm tái hiện lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết Thạch Linh – Tướng cầm đầu giặc Ân.
Xem thêm: Lễ Hội Làng Lệ Mật có gì mà lại khiến du khách khiếp sợ đến thế?!
Hoạt động tái hiện lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết Thạch Linh – Tướng cầm đầu giặc Ân
1.3 Tục lệ “giang hồ” – Đánh nhau cướp lộc
Trong Hội Gióng có vô vàn tục lệ khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và có vẻ tục lệ “giang hồ” nhất là tục đánh nhau cướp lộc. Mọi người có thể cướp lộc thánh, cướp chiếu, cướp giò hoa tre, cướp trầu cau bằng cách dùng sức mạnh. Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cũng đã nhấn mạnh rằng đây là cướp có văn hóa, cướp trong tục lệ, phải nỗ lực, cố gắng đạt được lộc Thánh, chứ không phải đánh nhau gây ẩu đả, thương tích để tranh giành. Tuy nhiên, điều này khó mà có thể kiểm soát được. Vì thế, nếu có đến tham quan Hội Gióng thì bạn cũng không nên tham gia vào tục “cướp lộc” này để giữ an toàn cho bản thân nhé!
Khung cảnh hỗn độn và náo loạn khi mọi người giành nhau để chạm được vào lễ vật lấy lộc
Một số Hội Gióng khác ở thủ đô Hà Nội
2.1 Hội Gióng Chi Nam
Hội Gióng Chi Nam diễn ra tại làng Sen Hồ, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, thủ đô Hà Nội. Ngày lễ này diễn ra trước 1 ngày so với hội Gióng Phù Đổng nên còn được gọi là hội Phù Gióng. Hội Phù Gióng được tổ chức nhằm tưởng niệm và ghi nhớ chiến công của ông Hiển Công. Trong lúc đất nước Văn Lang bị giặc Ân xâm lược, ông Hiển Công đã nói với sứ giả vua Hùng đưa cho mình một cây chùy sắt và một con thuyền sắt. Nhanh chóng sau đó, trên sông Đuống, đoàn quân ông Hiển Công đã tiêu diệt được giặc Ân. Ông trở về quê làng Sen Hồ mừng công rồi hoá thánh. Cứ vào sáng mùng 8 tháng Tư hàng năm, mọi người dân sẽ tụ họp lại để tái hiện chiến thắng của ông Hiển Công. Thanh niên trai tráng trong làng sẽ được chia làm hai bên, số lượng đều bằng nhau, đóng vai quân của ông Hiển Công và giặc Ân. Quân ông Công thì mang khố đỏ, bao vàng còn quân giặc Ân thì mang khố xanh và bao trắng. Bên cạnh đó còn có cả trò chơi “cướp dừa”. Luật chơi rất đơn giản – Người cướp được quả dừa sẽ gặp may mắn. Sau đó thì đập dừa thành nhiều mảnh và cùng chia cho mọi người.
Hoạt động múa kiếm đặc sắc trong Hội Gióng Chi Nam của làng Sen Hồ
2.2 Hội Gióng Xuân Đỉnh
Hội Gióng Xuân Đỉnh được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại làng Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thủ đô Hà Nội. Hội Gióng này phần lớn được tổ chức nhằm cho Thánh Gióng chứng kiến những vật chứng lịch sử khác nhau mà dân làng vẫn gìn giữ đến ngày nay. Lễ hội gắn với truyền thuyết kể rằng trên đường hóa thánh về trời thì Gióng có dừng chân ở làng Cáo – làng Xuân Tảo hiện giờ để tắm mát và nghỉ ngơi. Lúc tiếp tục hành trình thì lại bỏ quên thanh roi sắt của mình tại đây. Đến nay, phiến đá mà Thánh Gióng nghỉ ngơi vẫn còn ở nằm cạnh giếng nước của làng Xuân Tảo.
Các Hội Gióng thường có những trang phục đặc biệt rực rỡ, nhiều màu sắc
2.3 Hội Gióng Bộ Đầu
Hội Gióng Bộ Đầu được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng ở làng Bộ Đầu, xã Bộ Đầu, huyện Thường Tín thủ đô Hà Nội. Ở làng cũng có cả pho tượng gỗ điêu khắc hình Gióng cao 5m. Trong lễ hội sẽ tổ chức cuộc thi gậy nhằm tái hiện cảnh Gióng dùng tre ngà đánh tan quân giặc. Truyền thuyết của làng Bộ Đầu kể rằng trên đường về trời, Thánh Gióng nghe thấy tiếng kêu của một người dân đang bị đôi thuồng luồng ở sông Hồng cuốn đi. Ông nhanh chóng lao xuống triệt tiêu đôi thủy quái gây họa và cứu sống được người dân đó. Hóa ra, người được cứu sống cũng chính là mẹ của Thánh Gióng!
Nguyên cả một con ngựa để tái hiện lúc Thánh Gióng cưỡi ngựa bay trên trời
Hy vọng qua bài viết này, 3vi.vn đã giới thiệu rõ ràng hơn đến bạn một màu sắc văn hóa vô cùng đặc sắc tại thủ đô Hà Nội – Hội Gióng Sóc Sơn. Dù đã qua hàng trăm năm nhưng lễ hội này vẫn được người dân tiếp nối và tham gia vô cùng nhiệt tình, gìn giữ giá trị văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, bạn có thể xem thêm về lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh hay Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh cũng vô cùng đặc sắc.