Hằng năm cứ vào dịp thu tế, lễ hội làng An Hải Đà Nẵng lại tất bật diễn ra trong niềm háo hức của tất cả người dân và du khách. Ngay từ lúc được khôi phục, lễ hội này đã trở thành một sự kiện mang ý nghĩa tinh thần to lớn và cũng là một nỗ lực bảo tồn những nét đẹp văn hoá đối với người dân An Hải của vùng đất Đà Nẵng.
Tổng quan về làng An Hải Đà Nẵng
1.1 Lịch sử 400 năm hình thành làng An Hải Đà Nẵng
Làng An Hải là một điểm tham quan Đà Nẵng ngày trước thuộc xã An Phúc, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. An Hải là một trong những ngôi làng cổ ở Đà Nẵng vẫn còn giữ gìn được những nét đẹp truyền thống văn hóa và những lễ hội dân tộc đặc sắc qua nhiều thế hệ.
Theo dân gian truyền miệng, người đầu tiên có công khai phá và lập nên làng An Hải Đà Nẵng là một phụ nữ thường được gọi là Bà Thân – một lưu dân từ phía Bắc vào lập làng từ thời vua Lê Thánh Tông lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam (năm 1471). Địa điểm ban đầu họ dựng lều trại, vỡ đất là mảnh đất An Trung (cũng thuộc phường An Hải Tây hiện nay). Ban đầu, làng An Hải chưa hề có xã hiệu, đến thời vua Gia Long mới bắt đầu có tên trong địa bộ xã An Hải thuộc tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam
Thuở ban đầu lập ấp, làng An Hải chỉ có 6 tộc, sau dần phát triển lên nhiều phái nhánh, gọi là 36 chư phái tộc. Trong lịch sử 400 năm tuổi của mình, An Hải đã dần hình thành nên nhiều phong tục tập quán đa dạng và các lễ hội truyền thống Đà Nẵng độc đáo. Thành công lớn nhất của những dân làng An Hải đầu tiên chính là thành công trong việc đắp đê ngăn mặn, biến vùng đất nhiễm mặn bên bờ đông sông Hàn thành những cánh đồng lúa nước màu mỡ, trở thành trung tâm của 7 xã hữu ngạn sông Hàn và được các vua nhà Nguyễn cho xây dựng thành trì – gọi là thành An Hải, cùng với thành Điện Hải ở phía tây giữ nhiệm vụ bảo vệ cảng biển Đà Nẵng.
Có thể bạn chưa biết, làng An Hải cũng là mảnh đất đã sinh ra một nhân vật lịch sử lừng danh là khai quốc công thần của triều Nguyễn, chính là Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại (1761 – 1829). Ông cũng chính là người có công trong việc kiến thiết các cơ sở tín ngưỡng của ngôi làng.
1.2 Đình làng An Hải – nơi tổ chức lễ hội làng An Hải Đà Nẵng
Tương truyền, đình An Hải đã được dựng lên từ rất sớm, trước cả thời điểm nhà Nguyễn lên ngôi (1802). Cấu trúc đình theo dạng 3 gian 2 chái, kết cấu vì kèo, mái lợp tranh, vách gỗ, sàn nhà cách mặt đất khoảng hơn 2m với mục đích phòng chống triều cường lũ lụt nhưng dần xuống cấp theo thời gian. Đến năm 1827, nhân Thoại Ngọc Hầu về thăm quê hương, ông đã tôn tạo lại các cơ sở tính ngưỡng và trong đó có đình làng và nhân dân làng An Hải đã tôn vinh ông là hậu hiền của làng.
Năm Tự Đức thứ 30 (1877), làng An Hải được trùng tu một lần. Sau bao năm binh lửa chiến tranh và đổ nát hoàn toàn vào năm 1956, dân làng đã xây mới lại hoàn toàn ngôi đình và bảo trì đầy đủ qua các năm.
Trong lịch sử tồn tại của mình, đình An Hải là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và là cơ sở cách mạng của địa phương trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Cụ thể là:
– Phong trào Cần Vương: làng An Hải là một trong những địa bàn hoạt động của Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887), đình An Hải trở thành trung tâm chỉ huy của nghĩa quân các xã bờ đông sông Hàn.
– Cách mạng tháng Tám 1945: đình An Hải là nơi quy tụ các lực lượng yêu nước, các tổ chức Đảng, Đoàn hội họp và huấn luyện chiến đấu, là điểm tập trung xuất phát tiến hành đấu tranh giành chính quyền.
– Kháng chiến chống Mỹ: đình An Hải là nơi hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng, là điểm xuất phát để thực hiện treo băng, cắm cờ đỏ sao vàng trong những ngày lễ lớn, thành lập các bộ phận thông tin tuyên truyền.
Hiện nay, đình An Hải còn lưu được bốn sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng gồm: 1 Sắc năm Tự Đức thứ 30 (1877), 2 Sắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1886) và 1 Sắc năm Duy Tân nguyên niên (1907).
Đình làng An Hải cổ kính sau nhiều năm trùng tu với lối kiến trúc mang đậm quốc hồn Việt Nam
Xem thêm: Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng – Nơi lưu giữ di sản Chăm Pa
Sự ra đời và phát triển của lễ hội làng An Hải Đà Nẵng
Rạng sáng ngày 1/09/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng, thành An Hải và Điện Hải đã bị hư hại nặng. Ngày nay, mặc dù dấu vết cũ của thành An Hải hầu như không còn nữa nhưng những dấu ấn lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc vẫn còn lưu truyền mãi trong dân gian.
Đến năm 2000, lễ hội đình làng An Hải được khôi phục, nhắc nhở mọi ngườì quay về một thời hào hùng ấy và dần trở thành một nét văn hóa đáng quý, được gìn giữ suốt hơn 20 năm qua.
Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội làng An Hải Đà Nẵng
Thời gian tổ chức: Lễ hội đình làng An Hải được tổ chức vào ngày thu tế cầu an, tưởng nhớ các vị anh hùng liệt sĩ hàng năm – từ mồng 10 đến 11 tháng 08 âm lịch.
Địa điểm tổ chức: Đình làng An Hải, phường An Hải Tây – một ngôi đình có niên đại hơn 400 năm.
Không gian đình làng tràn ngập sắc cờ trong lễ hội làng An Hải Đà Nẵng
Những hoạt động đặc sắc của lễ hội làng An Hải Đà Nẵng
Hàng năm, lễ hội làng An Hải Đà Nẵng đều được tổ chức ở đình làng trong không khí linh thiêng, hào hùng để tưởng nhớ về lịch sử những vị anh hùng dựng nước và giữ nước, nhưng cũng không thiếu sự náo nhiệt, tấp nập với nhiều trò chơi, diễn xướng dân gian đậm đà bản sắc địa phương, thu hút được rất nhiều người dân bản địa và cả khách du lịch thập phương đến tìm hiểu và tham gia.
4.1 Phần lễ
Đầu tiên, người dân trong làng tiến hành dâng lễ tế theo đúng với nghi thức cổ truyền để cùng nhau ôn lại các truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bắt đầu phần lễ là chương trình thỉnh văn khai mạc diễn ra long trọng tại đình làng với đông đảo người tham dự đều đứng hoặc ngồi ngay ngắn, nghiêm trang.
Sau khi kết thúc bài diễn văn này, mọi người sẽ cùng nhau tập trung ra sông để xem và cổ vũ cho cuộc thi lắc thúng – một bộ môn thể thao đặc biệt chỉ có ở cộng đồng cư dân miền biển.
Nghi thức thỉnh văn khai mạc trang trọng trong phần lễ của lễ hội làng An Hải Đà Nẵng
Người dân tham gia đều phục trang chỉnh tề và thái độ rất nghiêm trang
Các lễ vật cũng được dân lên khi làm lễ
4.2 Phần hội
Sau phần lễ là phần hội, đều mà khách tham quan mong chờ nhất nên thường sẽ kéo dài đến tận khuya. Không khí hội tại làng An Hải trong suốt hai ngày vô cùng sôi nổi, khó quên. Tất cả mọi người dân trong và ngoài làng đều tập trung về đình để cùng tham gia, góp phần gắn kết hơn các mối quan hệ giữa mọi người dân làng.
-Buổi trưa: thu hút được sự tham gia của rất đông cư dân và du khách ở các trò chơi truyền thống như thi cờ tướng, thi kéo co, bên cạnh đó còn có các môn thể thao hiện đại như cầu lông, điền kinh,…
– Xế chiều: diễn ra hội thi múa lân đặc sắc
– Buổi tối: sau buổi xây chầu hát lễ diễn ra đầy sắc màu dân tộc, mọi người lại tề tựu về sân khấu trước đình xem hát tuồng rất hấp dẫn, sôi nổi mà rất nhiều người mong chờ khi đến tham gian lễ hội.
Các vận động viên tham gia kéo co ai nấy đều sẵn sàng chiến đấu hết mình
Hát tuồng là một trong các hoạt động được đông đảo người dân yêu thích nhất
Xem thêm: Thiên đường ẩm thực Đà Nẵng cuốn hút du khách bốn phương
Lễ hội làng An Hải Đà Nẵng vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm nhằm nhắc nhở người dân luôn tự hào về một quá khứ oanh liệt, dù trải qua bao năm tháng vẫn còn vang vọng những hào quang của cả dân tộc Việt Nam. Nếu có lịch trình khám phá Đà Nẵng đúng dịp diễn ra lễ hội, bạn hãy cùng tham gia để cảm nhận được những nét đẹp tinh thần rất giản dị và chân chất của cư dân tại đây nhé. Đây chắc chắn sẽ là một trong những ký ức đẹp về thành phố Đà Nẵng – dải dất miền trung thân yêu.