Lễ hội Bình Dương thu hút đông đảo du khách bởi không khí sôi nổi cùng nét văn hóa, tâm linh độc đáo. Nếu bạn có dịp đi du lịch Bình Dương nhưng lại chưa trải nghiệm các lễ hội đặc trưng nơi đây thì quả là điều đáng tiếc. Hãy cùng 3vi.vn điểm qua một vài lễ hội đặc sắc nhất của vùng đất này nhé!
Lễ hội Bình Dương có gì hấp dẫn?
Bên cạnh các điểm tham quan nổi tiếng như thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng… hay những món ăn đặc sản địa phương thì các lễ hội Bình Dương cũng là điểm nhấn độc đáo níu chân du khách trong cẩm nang du lịch nơi đây. Hầu hết các lễ hội truyền thống ở Bình Dương đều thể hiện những đặc trưng văn hóa của cư dân gốc nông nghiệp với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Ngoài phần nghi lễ linh thiêng thì phần hội sôi nổi, náo nhiệt chính là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch đến hưởng ứng. Tham gia trải nghiệm lễ hội Bình Dương sẽ giúp bạn hiểu thêm về lối sống, không gian sinh hoạt văn hóa cũng như bản sắc con người vùng Nam Bộ.
Điểm danh các lễ hội Bình Dương đặc sắc nhất
2.1 Khám phá lễ hội Bình Dương truyền thống lâu đời – Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu
Địa điểm: Miếu Bà phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Thời gian tổ chức: 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Nhắc đến các lễ hội Bình Dương truyền thống thì không thể thiếu lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu. Chùa Bà Thiên Hậu (hay còn được gọi là chùa Bà Bình Dương hoặc miếu Bà Thiên Hậu) là ngôi chùa do cộng đồng người Việt gốc Hoa xây dựng nên để thờ cúng vị nữ thần tối cao của họ là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Vì là một trong những ngôi chùa lớn nhất tỉnh Bình Dương nên lượng khách về hành hương, dâng lễ rất đông. Chính vì vậy, lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm luôn luôn thu hút đến hàng trăm nghìn lượt khách, dâng lễ vật lên Bà Thiên Hậu để cầu bình an, tài lộc, sức khỏe, may mắn…
Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu được tổ chức với nhiều lễ nghi và tục lệ độc đáo theo tín ngưỡng của người Hoa. Tuy nhiên, phần ấn tượng nhất của lễ hội phải kể đến nghi thức rước kiệu Bà đi qua các tuyến phố chính của thành phố Thủ Dầu Một. Theo phong tục của người Hoa, đi đầu đoàn rước sẽ là 4 con Hẩu mang tạo hình sư tử rồng vàng, theo sau là 60 thanh niên cầm cờ hiệu mở đường với kiếm và long đao. Tiếp đến là các đội múa lân và hàng trăm cô thiếu nữ tóc thắt bím gánh vô số giỏ hoa vải nhiều màu sắc. Với lịch sử lâu đời cùng những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội Chùa bà Thiên Hậu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân tỉnh Bình Dương mỗi dịp Tết đến xuân về.
Lễ hội chùa Bà Thiên hậu – một trong những lễ hội Bình Dương thu hút đông đảo du khách tham gia
Các hoạt động văn nghệ sôi nổi và náo nhiệt tại lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
2.2 Lễ hội Miếu Ông Bổn – Nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam
Địa điểm: Khu phố 7, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Thời gian tổ chức: Mùa xuân (mùng 2 tháng Giêng âm lịch) và mùa thu (mùng 4 tháng 7 âm lịch).
Lễ hội Bình Dương đặc sắc tiếp theo phải kể đến lễ hội Miếu Ông Bổn hay còn gọi là Phước An Miếu của dân tộc người Hoa. Lễ hội được tổ chức định kỳ 2 lần mỗi năm và luân phiên ở các miếu thờ khác nhau. Theo văn hóa của người Hoa, Ông Bổn được xem là Phước Đức Chánh Thần, là Ông tổ của dòng họ. So với những lễ hội khác thì các nghi thức của lễ hội Miếu Ông Bổn khá đơn giản, bao gồm cúng tế theo Đạo giá và rước kiệu các vị thần. Phần văn nghệ sẽ có các tiết mục hát Hồ Quảng, múa cù, múa lân sư rồng và đặc biệt là phần múa hẩu đặc trưng của người Hoa.
Đây là một trong những lễ hội Bình Dương có sức ảnh hưởng và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng không chỉ đối với cộng đồng người Hoa mà còn cả người Việt. Chính vì vậy, đến nay Lễ hội Miếu Ông Bổn đã trở thành một phần trong sinh hoạt văn hóa của người dân Bình Dương, là hoạt động tín ngưỡng mang những giá trị bản sắc dân gian độc đáo. Lễ hội không chỉ góp phần làm đặc sắc thêm văn hóa tâm linh của Việt Nam mà còn thúc đẩy du lịch Bình Dương phát triển, thu hút đông đảo du khách thập phương ghé đến.
Hòa cùng không khí tưng bừng tại lễ hội Miếu Ông Bổn
Không gian kiến trúc linh thiêng và tráng lệ bên trong Miếu Ông Bổn
2.3 Khám phá sự trù phú của miền Nam Bộ với lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín
Địa điểm: Cầu Ngang, phường Hưng Định, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Thời gian tổ chức: Từ 8/6 – 12/6 hằng năm.
Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín được tổ chức bởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương phối hợp cùng UBND thị xã Thuận An. Lễ hội sẽ diễn ra trong 5 ngày với các loại cây trái nổi tiếng như măng cụt Lái Thiêu , bưởi Biên Hòa, mãng cầu Bà Đen, nhãn xuồng cơm vàng Vũng Tàu… Lễ hội này đã trở thành truyền thống của người dân Bình Dương nói riêng và Nam Bộ nói chung, mang trên mình nét văn hóa đồng quê miệt vườn. Lễ hội đã tạo ra sân chơi để các nhà vườn có cơ hội cùng giao lưu, học hỏi và giúp quảng bá thương hiệu trái cây Lái Thiêu, mở rộng thị trường và phát triển kinh tế vườn.
Tham gia lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm hội chợ trái cây và giống cây trồng với khoảng 50 gian hàng cùng các chủ đề khác nhau mỗi năm. Điểm thu hút nhất của lễ hội này là hoạt động trưng bày các tác phẩm nghệ thuật từ trái cây. Đây là những tác phẩm hoàn toàn thủ công, được thực hiện rất tinh xảo, tỉ mỉ với những tạo hình độc đáo. Bên cạnh đó, lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín còn là dịp để các nhà vườn tại Nam Bộ có cơ hội giới thiệu hình ảnh những loại trái cây chất lượng đến với du khách gần xa.
Xem thêm: Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín và sự trù phú của miền đất Nam Bộ
Các gian hàng hội chợ gồm trái cây và giống cây trồng được bày bán tại lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín
Tác phẩm nghệ thuật làm từ trái cây – điểm nhấn độc đáo của lễ hội
2.4 Trải nghiệm tín ngưỡng độc đáo của người dân Nam Bộ tại lễ hội Kỳ yên đình Tân An
Địa điểm: Đình Tân An, khu phố 1, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Thời gian tổ chức: Ngày 12 – 13 hoặc ngày 15 – 16 tháng 11 âm lịch.
Cái tên cuối cùng trong chuỗi lễ hội Bình Dương là lễ hội Kỳ yên đình Tân An hay còn gọi là lễ cầu an với những hoạt động tín ngưỡng văn hóa dân gian đặc sắc. Đây được xem như ngày hội quan trọng bậc nhất trong năm.Lễ hội Kỳ yên sở hữu một bầu không khí thiêng liêng mang đậm nét văn hóa tâm linh với rất nhiều nghi lễ truyền thống bao gồm: Thỉnh sắc, Cúng an vị, Rước tổ hát Bội, Thỉnh sanh, Túc yết, Xây chầu, tế Hậu bối – Chiến sĩ, Đàn cả và Tôn vương.
Lễ hội Kỳ yên đình Tân An không chỉ nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Lễ hội phản ánh tính cách của người dân Nam Bộ, thể hiện tính kết nối và tự chủ của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, lễ hội Kỳ yên đình Tân An còn là dịp để người dân nơi đây bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị Thần đã bảo vệ, phù hộ cho xóm làng đồng thời tri ân các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền và các anh hùng liệt sĩ có công bảo vệ quê hương, đất nước.
Lễ hội Kỳ yên được tổ chức tại đình Tân An – ngôi đình cổ gắn liền với quá trình mở cõi về phương Nam của người Việt xưa
Lễ hội Kỳ yên đình Tân An có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Trên đây 3vi.vn đã bật mí cho bạn những lễ hội Bình Dương đặc sắc nhất. Tham gia trải nghiệm các lễ hội nơi đây sẽ giúp bạn mở mang thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, lối sống và con người vùng Nam Bộ thân thương. Còn chần chừ gì nữa, lên lịch và đến khám phá ngay cùng hội bạn thân nào! 3vi.vn chúc bạn một chuyến du lịch vui vẻ và có thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ.