Lễ Cúng Cơm Mới được tổ chức hàng năm sau vụ mùa thu hoạch để các dân tộc thiểu số như Xơ Đăng, Ê Đê, Thái… tạ ơn trời đất vì đã cho một vụ mùa bội thu. Tại Tây Nguyên, đây là một trong những lễ hội đặc trưng, phổ biến ở nhiều địa phương trong đó có Lâm Đồng.
Lịch sử hình thành Lễ Cúng Cơm Mới
Từ xa xưa, sau mỗi vụ mùa, các dân tộc sinh sống tại khu vực Tây Nguyên đều tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới về nhà, nấu những bữa cơm đầu tiên bằng hạt thóc vừa thu hoạch. Lễ hội này có ý nghĩa tôn vinh lúa gạo mà thần linh đã ban cho con người, thể hiện lòng thành kính với trời đất, thần sông thần suối, thần gió thần mưa, thần sấm, thần đất đã cho người dân mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi.
Lễ Cúng Cơm Mới là phong tục của rất nhiều dân tộc tại Tây Nguyên
Với mỗi dân tộc, mỗi địa phương lại có những cách tổ chức cúng mừng vụ mùa thu hoạch khác nhau. Cho đến hiện nay, khi văn hóa ngày càng có sự giao thoa thì lễ hội này đã có tên gọi chung là Lễ Cúng Cơm Mới, được biết đến là lễ hội đặc trưng của nhiều dân tộc, vừa có nét giống vừa có nét khác biệt. Đối với du khách muốn tìm hiểu về văn hóa và lễ hội của người dân địa phương tại Tây Nguyên thì đây chắc chắn là lễ hội bạn tuyệt đối không nên bỏ lỡ.
Xem thêm: Khám phá lễ Cúng Thần Bơmung – Lễ hội truyền thống của người đồng bào Churu
Đôi nét về Lễ Cúng Cơm Mới truyền thống
2.1 Cách tổ chức Lễ Cúng Cơm Mới
Khác với các lễ hội khác, khi người dân trong thôn bản sẽ tập trung để tổ chức cùng nhau thì Lễ Cúng Cơm Mới lại tổ chức tuần tự từ nhà này sang nhà khác. Những gia đình trong buôn đã sắp xếp và thỏa thuận từ trước, vì thế sẽ cùng hợp tác để lễ hội diễn ra suôn sẻ nhất.
Lễ Cúng Cơm Mới là dịp để người dân các đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện lòng thành kính trước các đấng thần linh đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Quy mô Lễ Cúng Cơm Mới tại mỗi nhà cũng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện gia đình cũng như lượng lúa gạo thu hoạch được của vụ mùa năm ấy. Các gia đình bội thu sẽ tổ chức rất lớn, mời hàng xóm bà con cùng đến chung vui, cùng ăn uống nhảy múa, có thể kéo dài trong một ngày hoặc thậm chí vài ngày. Đối với những gia đình khó khăn hơn, Lễ Cúng Cơm Mới sẽ được diễn ra đơn giản, tiết kiệm, giản lược để phù hợp với điều kiện kinh tế. Quy mô tổ chức lễ hội này cũng được coi là một trong những biểu hiện để phân biệt tầng lớp giàu nghèo của các dân tộc thiểu số.
2.2 Ý nghĩa Lễ Cúng Cơm Mới
Như đã đề cập, Lễ Cúng Cơm Mới trước hết là để ăn mừng vụ mùa, ăn mừng lúa thóc về nhà. Bên cạnh đó đây cũng là dịp để người dân cúng thần, cúng hồn lúa, cúng tổ tiên, gửi gắm những mong cầu về sức khỏe cho gia đình, mong cầu những vụ mùa sau tiếp tục được bội thu, được lúa thóc đầy bồ.
Bên cạnh đó Lễ Cúng Cơm Mới còn là dịp để người dân trong bản quây quần lại để vui chơi, tiếng cồng chiêng nổi lên, nhảy múa ca hát suốt ngày đêm. Đặc biệt với những năm thời tiết thuận lợi, cả bản đều bội thu thì lễ hội này như kéo dài vô tận, từ nhà này qua nhà khác, tụ họp vui chơi không ngừng nghỉ.
Xem thêm: Lễ Cúng Thần Suối – Lễ hội truyền thống của người dân tộc Mạ
Lễ Cúng Cơm Mới ngày nay có gì khác biệt
Do sự thay đổi của thời đại, cùng sự phát triển của nền kinh tế, hiện nay khoảng cách giữa các cộng đồng người, các dân tộc đã ngày càng thu hẹp lại. Chinh điều này đã làm bước đệm cho những lễ hội truyền thống như Lễ Cúng Cơm Mới thay đổi về tập tục.
3.1 Lễ Cúng Cơm Mới của người Xơ Đăng
Xơ Đăng là một trong những dân tộc có lịch sử lâu đời nhất về Lễ Cúng Cơm Mới. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, được cộng đồng người này háo hức mong chờ. Lễ hội này đối với người Xơ Đăng mang rất nhiều màu sắc tâm linh, thường được tổ chức trong vòng ba ngày với không khí rộn ràng khắp đầu làng cuối ngõ.
Trước đây lễ mừng lúa mới của người Xơ Đăng chỉ diễn ra theo dạng gia đình, từ gia đình này đến gia đình khác. Tuy nhiên ngày nay đây đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Trước khi lễ hội diễn ra già làng sẽ tập trung cả bản lại tại Nhà Rông để thông báo thời gian tổ chức, phân công công việc cho mỗi người, mỗi nhà trong bản. Đàn ông thì lo việc mổ trâu mổ bò, đốn củi, mài dao, phụ nữ thì nội trợ, chuẩn bị các món ăn, chuẩn bị những tiết mục múa hát…
Lễ Hội Cúng Cơm Mới của người Xơ Đăng ngày càng được tổ chức quy mô hơn, thu hút đông đảo khách du lịch cùng tham gia
Trong khi Lễ Cúng Cơm Mới diễn ra, già làng sẽ là người chủ trì, điều hành tất cả các hoạt động, thay mặt buôn làng cúng bái thành kính thể hiện sự biết ơn đến thần linh. Trong những năm mùa màng thất bát, già làng cũng sẽ đại diện xin thần linh ban phước lành, mùa vụ sau sẽ may mắn hơn, thời tiết thuận lợi để lúa thóc bội thu.
Lễ Cúng Cơm Mới đối với người Xơ Đăng chính là dịp để các gia đình cùng nhau chuẩn bị những ché rượu cần ngon nhất, những miếng thịt nướng thơm phức, những thanh cơm lam nóng hổi, cùng nhau làm nên nét đẹp của văn hóa cộng đồng. Mâm cúng cũng không thể thiếu được đầu heo, cơm nấu từ lúa mới để dâng lên thần linh. Đặc biệt người đồng bào Xơ Đăng còn có tục lệ ăn thịt chuột đồng, ngụ ý chính là ám chỉ tiêu diệt loài động vật phá hoại mùa màng này.
Sau khi nghi lễ hoàn thành, già làng sẽ đi từng nhà để chúc mùa lúa mới bội thu, cơm được vung vãi quanh nhà ngụ ý cho năm sau lúa thóc càng ngập tràn, dư dả hơn. Tất cả dân bản lại tề tựu về Nhà Rông để cùng nhau hưởng lộc, đánh cồng chiêng, múa hát quanh bếp lửa và chơi các trò chơi dân gian.
3.2 Lễ Cúng Cơm Mới của người J’rai và Bahnar
Khác với Xơ Đăng, lễ mừng lúa mới của dân tộc J’rai và Bahnar lại kéo dài hơn rất nhiều, thường từ tháng 11 dương lịch cho đến tháng giêng năm sau. Vì sau vụ mùa bà con đều rảnh rỗi, thời tiết chưa thuận lợi để gieo cấy vụ mới nên sẽ dành thời gian cho đất nghỉ ngơi.
Lễ Cúng Cơm Mới của người J’rai và Bahnar diễn ra ở từng nhà theo tục lệ truyền thống. Đồ cúng chủ yếu là heo, gà, dê, tùy thuộc vào kinh tế mỗi gia đình. Gia đình nào thu hoạch, phơi lúa thóc xong trước thì tổ chức trước, gia đình nào xong sau thì tổ chức sau. Có nhiều gia đình tổ chức đồng thời, người này qua nhà người kia ăn mừng một chút, rồi lại ghé nhà người khác làm vài ly, không khí lễ hội khắp mọi nẻo đường thôn bản.
3.3 Lễ Cúng Cơm Mới của người Êđê
Êđê cũng là một trong những dân tộc khá đông đảo ở khu vực Tây Nguyên. Phong tục lễ hội mừng lúa mới của dân tộc này cũng có nhiều nét tương đồng với các dân tộc kể trên. Mỗi gia đình sẽ lần lượt tổ chức Lễ Cúng Cơm Mới tại nhà mình, phụ nữ tập trung lại nấu nướng, bếp núc cho nhà này rồi qua nhà khác, đàn ông thì cũng tụ lại giết gà mổ heo, cứ lần lượt đến từng nhà trong bản, làm rồi cúng lễ rồi ăn uống.
Chính vì thế dịp lễ hội mừng lúa mới này chúng là cơ hội thắt chặt tình nghĩa của người dân tộc Êđê, mỗi nhà đều đón tiếp hết lượt người dân trong bản, thậm chí còn mời họ hàng từ các buôn làng xa ghé qua. Đây cũng là dịp để nam thanh nữ tú gặp gỡ tìm hiểu nhau, mở ra những mối tình đẹp.
Người dân tộc Ê Đê đang tập luyện và chuẩn bị cho Lễ Cúng Cơm Mới
Trên đây là những thông tin về Lễ Cúng Cơm Mới và phong tục của một vài dân tộc tại Tây Nguyên. Nếu du khách có cơ hội đến Lâm Đồng vào dịp cuối năm, đừng quên tìm hiểu và ghé thăm những bản làng đang tổ chức lễ hội để hiểu hơn về văn hóa đa màu sắc của Việt Nam nhé. Chắc chắn đây sẽ là những màu sắc rất mới lạ, độc đáo trong chuyến đi khám phá Đà Lạt của bạn.