Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con dân tộc Tày ở tỉnh Hà Giang. Hãy cùng 3vi.vn đến với tỉnh miền núi phía Bắc này để tìm hiểu cách người dân lưu giữ văn hóa truyền thống của ông cha và trở thành điểm du lịch tâm linh được yêu thích vào mỗi dịp tháng 8 Âm lịch.
Giới thiệu về Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang
Hà Giang vốn được biết đến vớ nhiều lễ hội lớn như lễ hội nhảy lửa, lễ hội hoa tam giác mạch hay lễ hội Gầu Tào… Tuy nhiên phải đặc biệt phải kể đến lễ hội Cầu Trăng – Một trong những lễ lớn của người dân nơi đây.
Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang là lễ hội truyền thống của người dân tộc Tày ở tỉnh miền núi Hà Giang. Đây là đồng bào dân tộc thiểu số với trên 160.000 người, tương đương 25% dân số tỉnh Hà Giang, sống rải rác ở các huyện lỵ và thành phố nhưng tập trung đông nhất ở Quang Bình, Bắc Mê, Bắc Quang. Ngoài trang phục truyền thống là áo chàm, các câu hò, điệu lướn, câu chuyện dân gian thì lễ hội Cầu Trăng chính là niềm tự hào của những người con dân tộc Tày sinh sống ở vùng cao này.
Khi đến với lễ hội cầu trăng, bạn không chỉ được nghe hát những làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian mà còn có cơ hội thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của bà con dân tộc Tày như cơm lam, các món rau rừng, mắm thịt lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối, xôi ngũ sắc… thơm ngon vô cùng
1.1 Thời gian diễn ra Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang
Lễ hội cầu Trăng Hà Giang được tổ chức vào dịp ngày Rằm tháng Tám, kéo dài 2 ngày từ ngày 14 đến hết ngày 15 hằng năm. Chỉ được tổ chức trong thời gian ngắn nhưng lễ hội vẫn có rất nhiều sự kiện thu hút người dân trong các bản và du khách tham gia.
1.2 Địa điểm
Lễ hội được tổ chức bởi người Tày trên khắp địa bàn tỉnh Hà Giang. Thông thường mỗi xã sẽ tổ chức riêng một lễ hội với quy mô lớn nhỏ tùy thuộc vào dân số của từng vùng. Địa điểm tổ chức lễ hội Cầu Trăng lớn nhất, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và du khách nhất là thôn Bản Loan, xã Yên Định, huyện Bắc Mê.
Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang là ngày lễ vui nhất trong năm thu hút sự tham gia của tất cả nam nữ trong vùng
Xem thêm: Lễ hội Gầu Tào Hà Giang – Lễ hội đặc sắc của đồng bào người Mông
Khám phá nét độc đáo của lễ hội Cầu Trăng Hà Giang
Được tổ chức vào đúng ngày Rằm tháng Tám (Tết Trung Thu) với hai phần chính:
2.1 Phần lễ
Phần lễ được tổ chức bắt đầu từ tối ngày 14/8 m lịch, thời điểm ánh trăng bắt đầu lên chiếu sáng vạn vật trong bản. Lúc này, các già làng sẽ tổ chức “cúng thổ công chúa bản” tại một ngôi miếu linh thiêng trên một bãi đất trống rộng rãi và sạch sẽ để xin phép bề trên cho người dân tổ chức lễ hội Cầu Trăng vào ngày hôm sau. Đến tối ngày 15/8, khi mẹ trăng bắt đầu xuất hiện trên bầu trời, thầy cúng sẽ tiến hành tập hợp bà con ở sân và cúng thổ công, thần linh để tỏ lòng thành kính. Trong lúc đó, một nhóm người được lựa chọn trong bản sẽ múa vòng quanh bàn cúng đến khi hoàn thành nghi thức khai hội đón trăng.
Các già làng chuẩn bị trang phục và lễ vật để dâng lên thần linh, tổ tiên
2.2 Phần hội
Các trò chơi trong lễ hội Cầu Trăng rất thú vị và hấp dẫn, tiêu biểu như trò bịt mặt uống nước này
Phần hội được tổ chức sớm hơn phần lễ để bà con có nhiều thời gian tham gia các hoạt động chào mừng hơn. Từ sớm ngày 14/8, dân làng đã tổ chức nhảy múa xung quanh các bàn lễ đặt ngoài trời để tỏ lòng vui mừng. Sau đó là lễ hội ẩm thực truyền thống nơi mỗi đội thi sẽ nấu một món ăn đặc sản của người Tày Hà Giang như xôi ngũ sắc, mắm thịt lợn, cơm lam, trám muối, măng muối, mắm cá chép… Tiếp đến, dân bản sẽ có dịp trổ tài, khoe sự khéo léo và sức mạnh của mình qua các trò chơi dân gian cực kỳ thú vị và hấp dẫn. Khi tất cả đã thấm mệt, mọi người quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn đã chuẩn bị từ trước và trong hội thi ẩm thực. Cùng với ly rượu cay nồng ngày lễ, dân bản cất lên những bài hát đằm thắm, thể hiện tình yêu lứa đôi, tình yêu với xóm làng, với quê hương đất nước.
Khi mẹ trăng lên trên chính giữa đỉnh đầu cũng là lúc báo hiệu lễ hội Cầu Trăng chính thức kết thúc. Ai ai cũng lưu luyến tiếc nuối nên vẫn còn nán lại để gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp và lời ca tiếng hát vang đất trời cây núi. Lúc này, già làng sẽ đi vòng quanh, phát hạt giống cho tất cả mọi người để chúc bà con trong bản một vụ mùa mới gieo trồng thuận lợi và ấm no sung túc.
Hội thi nấu ăn của những người phụ nữ khéo tay hay làm
Ánh trăng khuất dần báo hiệu lễ hội sắp kết thúc
Ý nghĩa Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang
Từ bao đời nay, lễ hội Cầu Trăng Hà Giang là lễ hội dân gian đậm chất tâm linh với mục đích chính là nhờ Mẹ Trăng ban phước lành cho dân bản, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống trong bản luôn bình an và gặp nhiều may mắn.
Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang là một trong những lễ hội vui và quan trọng nhất của cộng đồng dân tộc người Tày ở Hà Giang. Lễ hội này xuất phát từ tín ngưỡng của người Tày rằng trên trời có mẹ trăng và 12 nàng tiên luôn luôn theo dõi và bảo vệ cho đời sống cũng như mùa màng của dân làng. Bởi vậy, họ đã tổ chức lễ hội này vào mùa trăng đẹp nhất để mời mẹ trăng và những người con xuống chung vui ngày Tết Trung Thu. Đây cũng là dịp để trai gái trong bản có cơ hội gặp gỡ, cất lên những ca khúc giao duyên để tìm được nửa kia của mình. Với những người dân lớn tuổi, lễ hội là nơi mọi người hỏi han sức khỏe của nhau, cùng ôn lại những công việc và thành quả của một năm lao động. Trẻ em trong bản thì đua nhau vui đùa cùng những chiếc đèn ông sao vui phá cỗ.
Lễ hội Cầu Trăng có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người Tày Hà Giang
Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang là lễ hội độc đáo, khắc họa rõ nét văn hóa trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số người Tày. Hòa mình với lễ hội, bạn sẽ có dịp trải nghiệm tín ngưỡng, ẩm thực, trò chơi dân gian cũng như sự chân chất, mộc mạc, nghĩa tình của con người nơi đây.