Núi Non Nước hùng vĩ nằm ngay giữa ngã ba sông Đáy và sông Vân chính là một trong những di tích cấp quốc gia đặc biệt. Nơi đây còn được mệnh danh là bảo tàng thơ với hơn 40 bài thơ của nhiều danh nhân được lưu giữ lại trên ngọn núi. Điểm đến này chắc chắn sẽ tạo sự thích thú cho những ai đam mê tìm hiểu lịch sử dân tộc.
Đôi nét về núi Non Nước
1.1 Núi Non Nước – Bảo tàng thơ ca đất Ninh Bình
Di tích lịch sử Núi Non Nước (xưa là Dục Thúy Sơn) là một ngọn núi nằm bên ngã ba sông Đáy và sông Vân thuộc phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Nơi đây không chỉ được mệnh danh là “Tiên cảnh chốn trần gian” mà còn được gọi là “Bảo tàng thơ ca” với hơn 40 bài thơ của danh nhân được khắc trên vách đá.
Núi Non Nước Ninh Bình còn là ngọn núi được nhiều danh sĩ chọn làm thơ. Ngày nay vẫn còn khoảng 30 bài thơ đã được các vị vua, quan, danh nhân và nhà thơ khắc vào đá. Ví như Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông, Thiệu, Trị, Tự Đức, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà…Trong đó, bài thơ được Trương Hán Siêu sáng táng và khắc trên đá cũng chính là bài thơ đặt tên cho ngọn núi này.
1.2 Gắn liền với các sự kiện lịch sử
Núi Non Nước gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước từ nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Sự kiện dương Thái Hậu trao áo long bào cho Lê Hoàn trên bến sông Vân dưới chân núi Non Nước đã dẫn đến việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê.
Nằm ở vị trí quan trọng bên dòng sông Đáy, sông Vân, quốc lộ 10 và là nơi hợp lưu của nhiều tuyến đường lớn, núi Non Nước đã trở thành nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại nhất của đất nước ta.
Xưa kia, Dục Thúy Sơn không chỉ là một cảnh đẹp mà còn là một pháo đài quân sự hùng mạnh, thống lĩnh đường thủy Nam Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc đã có nhiều trận đánh ác liệt gắn liền với tên tuổi của các chiến sĩ cách mạng như Lương Văn Tụy, Giáp Văn Khương được diễn ra tại ngọn núi này.
Tham quan những gì tại núi Non Nước?
2.1 183 bậc đá
Khi đến Ninh Bình, bạn đừng bỏ qua thắng cảnh Núi Non Nước. Đặt chân đến đây bạn sẽ được tìm hiểu thêm về địa hình cảnh quan, sự mở rộng kinh thành Hoa Lư, quá trình biến đổi địa hình của Ninh Bình từ xưa đến nay.
Đặc biệt trong những ngày cuối năm và lễ tết, trời còn hơi se lạnh nhưng bạn có thể dễ dàng tận hưởng không khí trong lành và tận hưởng vẻ đẹp của núi rừng. Leo lên 183 bậc đá để lên đỉnh núi bằng phẳng với đầy cây xanh, nơi bạn có thể nhìn thấy những dòng sông đẹp mê hồn, những đám mây tuyệt đẹp và bầu trời từ trên cao. Trên đỉnh còn có tượng đài chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Lương Văn Tụy và lầu đón gió từ thế kỷ 14 – Nơi Trương Hán Siêu ngồi cùng các văn sĩ khác để nói chuyện và ngâm thơ.
2.2 Chùa Non Nước
Đây là một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Non Nước. Ngôi chùa này chính là một di tích lịch sử, chứng kiến quá trình chuyển giao chế độ từ nhà Đinh sang nhà Lê. Bên cạnh việc thưởng thức những bài thơ cổ khắc trên vách đá của các vị cao nhân, du khách còn cảm nhận được vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của sông Đáy bao quanh ngôi Chùa – Con sông đã từng đi qua biết bao nhiêu thời kỳ lịch sử.
Không chỉ là điểm đến được người dân yêu thích, mỗi năm có hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan chùa Non Nước. Đứng nhìn từ xa du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc yên bình, yên ắng của vùng quê Việt Nam. Đây chắc chắn là một điểm đến bạn không thể bỏ qua nếu đã đặt chân đến tham quan Núi Non Nước.
2.3 Lầu đón gió
Được xây dựng vào thế kỉ XIV và có vị trí nằm ở giữa đỉnh núi Non Nước, lầu đón gió còn là nơi dành cho Trương Hán Siêu cùng với những tao nhân và các vị văn sĩ cùng nhau ngồi lại ngâm thơ. Xưa kia vào thời nhà Lý, nơi đây còn có ngọn tháp Linh Tế cao vút đã được Trương Hán Siêu thổi hồn vào bài thơ ”Linh Tế tháp ký”.
2.4 Đền thờ Trương Hán Siêu
Thời gian tham quan: 7h00 – 18h00
Đền thờ Trương Hán Siêu nằm dưới chân núi Non Nước bên cạnh dòng sông Đáy nên luôn có khí hậu mát mẻ, xung quanh được bao phủ bởi rừng cây xanh mát. Nơi đây được xây dựng lên để thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Đền được thiết kế theo dáng chữ Đỉnh, bên trên có hai con rồng chầu mặt nguyệt.
Giải thưởng văn hóa và khuyến học ở Ninh Bình thường được trao tại đây vào hằng năm. Cùng với đó, mỗi dịp Tết đến, đền sẽ tổ chức ngày hội khai bút và tặng chữ cho học sinh cũng như người dân địa phương. Bởi vậy, du khách đến tham quan đền thờ rất đông vui để xin chữ, thắp hương cầu an cho gia đình mình.
Kinh nghiệm đi tham quan núi Non Nước
– Vé vào cửa núi Non Nước: 5.000 VNĐ/người. Vé tham quan đền thờ Trương Hán Siêu, lầu đón gió và chùa Non Nước là miễn phí.
– Thời điểm lý tưởng nhất để đến thăm núi Non Nước là vào ngày cuối năm, Tết. Trong thời gian này, bạn có thể tận hưởng không khí se lạnh, trong lành và thưởng ngoạn vẻ đẹp của ngôi chùa cổ kính. Tuy nhiên lúc này cũng khá đông đúc nên bạn cần bảo quản đồ đạc cẩn thận và nên đi vào sáng sớm để tận hưởng khí trời trong lành cũng như không phải chen chúc quá đông.
– Các địa điểm tham quan ở núi Non Nước là nơi thờ tự và trang nghiêm. Vì vậy, hãy cẩn thận và không nên đùa cợt hoặc chọn trang phục kín đáo và lịch sự.
Núi Non Nước là một nhân chứng cho lịch sử oanh liệt của ông cha ta. Nơi đây hứa hẹn sẽ đem tới cho bạn những trải nghiệm thực sự thú vị trong chuyến đi của mình. Chắc chắn rằng nơi đây sẽ khiến những ai đam mê tìm hiểu lịch sử và những giá vị văn hóa của dân tộc cảm thấy thích thú khi đã đặt chân đến Núi Non Nước.
Xem thêm: Lưu ngay những cách pose dáng đẹp tại Hội An cho dân nghiện sống ảo