Tết cơm mới của người Pa Kô, hay còn gọi là Lễ A Za là lễ hội thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa truyền thống của người dân sinh sống dọc dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Mặc cho nhiều lễ hội của người dân tộc sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn đang dần bị mai một thì Tết cơm mới vẫn ở đó, trọn vẹn nét độc đáo và ý nghĩa thuở ban đầu…
Tết cơm mới của người Pa Kô và những ý nghĩa có thể bạn chưa biết
Người Pa Kô hiện nay chủ yếu sinh sống ở huyện A Lưới, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau mỗi vụ mùa lúa rẫy, mọi người lại cùng nhau tổ chức Tết cơm mới. Theo các già làng, Tết cơm mới của người Pa Kô còn có tên khác là Lễ A Za, vốn là ngày mà người dân dùng để dâng lời tạ ơn Giàng và các vị thần linh khi đã ban cho họ một năm sung túc, đủ đầy, bội thu, khí hậu ôn hòa giúp mùa màng tươi tốt.
Tết Cơm mới của người Pa Kô có ý nghĩa quan tọng hệt như Tết Nguyên đán của người Kinh vậy
Theo quan niệm của người Pa Kô, Tết cơm mới còn là dịp để con cháu đi xa trở về đoàn tụ, giúp họ có thể ngồi lại quây quần bên nhau sau một năm làm lụng vất vả. Cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực cùng nhau phấn đấu, gieo trồng để có được một mùa màng bội thu trong suốt năm mới.
Chính bởi thế nên theo phong tục của họ, Tết cơm mới là lễ nghi quan trọng và không thể không tổ chức, có ý nghĩa tương tự Tết Nguyên đán của người Kinh vậy. Vì thế dù được hay mất mùa, người dân Pa Kô đều sẽ dâng lên thần linh các sản vật nông nghiệp tươi ngon nhất, gồm lúa rẫy mới gặt về, trâu bò, dê lợn nuôi quanh nhà, v.v.
Tết cơm mới của người Pa Kô thường được tổ chức vào dịp nào trong năm?
Khác với Tết Nguyên đán của người Kinh, Tết cơm mới của người Pa Kô không có ngày tổ chức cố định nào cả. Việc lựa chọn ngày tổ chức phụ thuộc hoàn toàn vào việc thu hoạch mùa màng của người dân mà thôi. Thường thì người dân sẽ tổ chức Tết cơm mới sau mỗi vụ mùa lúa rẫy.
Tổ chức Tết cơm mới, người dân Pa Kô cần chuẩn bị những gì?
Tết cơm mới của người Pa Kô được tổ chức theo cấp làng, có nghĩa là các họ tộc sinh sống trong cùng một làng sẽ cử người đại diện đi họp, bàn bạc và thống nhất ngày tổ chức Tết cơm mới. Sau đó, những người này chịu trách nhiệm thông báo lại cho con em, mọi người trong gia đình.
Sau khi vụ mùa kết thúc, các họ tộc sẽ cử người đại diện đi bàn bạc, thống nhất về ngày tổ chức Tết cơm mới. Những người này có nhiệm vụ thông báo lại cho các thành viên trong gia đình để chuẩn bị
Thông thường theo phong tục, Tết cơm mới của người dân Pa Kô sẽ có đầy đủ các sản vật hiến tế, bao gồm gia súc, tấm thổ cẩm, tâng họt – loại hoa làm từ tre, cơm trắng, xôi, bánh aquat, gà, heo, hạt giống cây trồng, v.v. Lễ vật là tùy tâm, tuy nhiên trâu bò và tấm thổ cẩm là lễ vật không thể thiếu trong ngày diễn ra Tết cơm mới của người Pa Kô.
Những mâm lễ vật chứa đựng trọn vẹn sự biết ơn của người Pa Kô gửi đến những vị thần linh đã giúp đỡ họ có được vụ mùa tươi tốt
Nhà nào khó khăn quá thì vẫn phải cố gắng sắm sửa được con gà để dâng lên các vị thần linh trong ngày Tết cơm mới
Vào đêm trước ngày diễn ra Tết cơm mới, người dân, con cháu cả làng sẽ cùng nhau quây quần nơi sân cộng đồng, vừa tổ chức lễ cúng vừa trò chuyện cùng thần linh. Trong suốt buổi trò chuyện, họ sẽ cùng nhau dâng lời cảm tạ các vị thần đã giúp đỡ để họ có được vụ mùa tốt tươi. Sau đó, họ sẽ dâng gia súc lên cho các ngài với hy vọng sẽ được phù hộ một vụ mới thật nhiều sức khỏe, lúa thóc chất đầy cả kho. Suốt đêm này, người dân sẽ cùng nhau tập trung ca hát, đánh cồng chiêng và uống rượu cần.
Người dân trong làng quây quần bên nhau chuẩn bị mâm lễ vật dâng lên các vị thần linh trong ngày Tết cơm mới
Tết cơm mới của người Pa Kô được tổ chức thế nào?
4.1 Phần lễ trong ngày diễn ra Tết cơm mới của người Pa Kô
Lễ hiến tế gia súc cho các vị thần được coi là phần quan trọng nhất trong Tết cơm mới, thường sẽ được diễn ra từ đêm trước cho đến sáng hôm sau của ngày lễ. Trong buổi lễ, người dân sẽ dựng những cây gỗ lớn dài từu 1,2 đến 1,5m lên khoảng sân cộng đồng rộng chừng 100m2, sau đó buộc những cây tre được tạo hình hoa tre bên cạnh. Gia súc sẽ được để qua đêm, sau đó vào buổi sáng ngày chính thức diễn ra Tết cơm mới, người dân Pa Kô sẽ tổ chức lễ đâm trâu, đánh dấu sự bắt đầu của buổi lễ.
Già làng sẽ đại diện cho các dòng họ thực hiện lễ cúng Giàng
Trong buổi lễ, già làng sẽ là người đứng ra đại diện cho các dòng họ trong làng tiến hành lễ cúng Giàng. Họ sẽ cùng nhau xin xăm, thỉnh thần linh cho năm mới sung túc, mùa màng được bội thu và có nhiều sức khỏe.
Người dân mang lễ vật lên khu vực nhà moòng để dâng lên thần linh sau khi đã cúng tại nhà
Người Pa Kô sẽ mang lễ vật đi vòng quanh cây nêu được dựng lên ở sân cộng đồng, sau đó dân đồ cúng khi già làng cho phép
Sau khi cúng tại nhà hoàn tất, người dân sẽ cùng nhau mang lễ vật lên khu vực nhà moòng để dâng lên thần linh. Tại đây, đại diện các dòng họ sẽ mang lễ vật đi quanh cây nêu, sau đó dâng đồ cúng khi đã được già làng cho phép. Khi phần lễ kết thúc, các già làng, trưởng tộc dòng họ sẽ chúc tụng nhau, cốt để khẳng định tinh thần đoàn kết của những họ sống chung một làng.
Đại diện các dòng họ đợi để dâng lễ vật
Kết thúc phần hiến tết chung của cả làng, mỗi dòng họ sẽ mang lễ vật về nhà. Mâm lễ vật bao gồm bánh aquat được cắm thêm các hoa tre phía trên, một ít thịt trâu, bò, dê, gà, v.v. Trong đó, thanh tre sẽ được vót nhọn, chẻ hoa xoắn ở trên với ý nghĩa tươi đẹp, anh em vui vẻ, người người đổi mới, vui như hoa nở.
4.2 Phần hội của ngày Tết cơm mới người Pa Kô
Sau khi kết thúc phần hiến tế và cúng thần linh, phần hội của Tết cơm mới sẽ chính thức được bắt đầu. Trong phần này, những chàng trai, cô gái người Pa Kô sẽ cùng nhau nâng ly rượu chúc tụng nhau những điều tốt lành, chẳng hạn như dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gặp nhiều may mắn, v.v. Sau đó, họ sẽ cùng nhau nhảy múa, ca hát cho đến khi tan tết mới thôi.
Kết thúc phần lễ, các già làng, trưởng tộc sẽ cùng nhau nâng ly rượu chúc mừng để thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó
Tết cơm mới của người Pa Kô là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo nơi dãy Trường Sơn đại ngàn, và đã trở thành thỏi nam châm thu hút du khách trong hành trình khám phá Huế mộng mơ, bên cạnh một loạt những điểm tham quan tại Huế nổi tiếng chẳng kém cạnh là bao. Nếu có dịp về cố đô trong một ngày đẹp trời, đừng bỏ lỡ cơ hội được trải nghiệm bầu không khí náo nhiệt, rộn rã tiếng cười vào ngày Tết cơm mới bạn nhé.
Xem thêm: Lễ hội Tết A Za đón năm mới của đồng bào Pa Cô, Huế