Lễ hội đền An Sinh từ lâu đã trở thành hoạt động thường niên được cả du khách và dân địa phương quan tâm. Lễ hội được tổ chức tại khu di tích đền, lăng mộ các vua Trần ở xã An Sinh, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao của các vị vua nhà Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Sơ nét về đền An Sinh
Đền An Sinh (xưa kia còn gọi là Điện An Sinh) toạ lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng địa linh ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Phía sau Đền là lăng miếu các vị vua nhà Trần. Đây là nơi thờ bát vị tiên đế triều Trần, An Sinh vương Trần Liễu và Thiện Đạo Quốc mẫu, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền An Sinh được nhà nước công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia ngay từ đợt đầu tiên trong cả nước vào năm 1962. Vào năm 2013, đền An Sinh cùng với hệ thống 13 điểm di tích khác thuộc Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
Đền An Sinh là nơi tri ân công đức các vị vua họ Trần đã làm rạng danh non sông đất nước nên trải qua các thời kỳ lịch sử đều được triều đình chú trọng đầu tư tôn tạo và cắt cử nhân dân địa phương trông coi, thờ phụng. Đền An Sinh cũng như toàn bộ khu lăng miếu các vua Trần trên đất An Sinh là những công trình văn hóa tín ngưỡng mang đậm yếu tố lịch sử của thời đại. Các công trình này không chỉ được chính triều Trần quan tâm tu bổ mà các triều đại sau như Triều Lê, Triều Nguyễn đều rất quan tâm.
Đền An Sinh được xây dựng vào thế kỷ XIV, thờ 8 vua Trần đặt lăng mộ tại quê gốc xã An Sinh, TX Đông Triều, gồm: Thái Tông, Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và Giản Định. Toà trung cung đặt tượng thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tiền đường đặt bát hương công đồng và một số đồ tế khí… Trong số 8 vị vua Trần thì có 5 vua được mai táng tại đây và 3 vua được rước thần tượng từ Long Hưng (Hưng Hà, Thái Bình) về. Bởi vậy, đây trở thành một trong 3 trung tâm văn hóa tiêu biểu nhất của Đại Việt lúc bấy giờ (cùng với Thăng Long, Thiên Trường) và được coi là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, giữ vai trò bồi đắp, bệ đỡ tinh thần cho xã hội và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trải qua thăng trầm lịch sử và biến cố thời gian, đền An Sinh chỉ còn lại phế tích. Để bảo tồn và phát huy di tích đền An Sinh đúng với những giá trị lịch sử vốn có, năm 1997 – 2000 thị xã Đông Triều đã huy động nguồn công đức, tổ chức tu bổ, tôn tạo lại di tích đền An Sinh trên nền điện cũ.
Đền An Sinh là di tích quốc gia đặc biệt
Đến khu di tích lịch sử, văn hoá đền An Sinh, du khách sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu về các đời vua Trần và cảm nhận được hào khí Đông A và lòng tự hào dân tộc của ông cha ta thuở trước.
Xem thêm: Kinh nghiệm đi đảo Cô Tô – Những điều thú vị đang chờ bạn khám phá
Lịch sử dẫn đến lễ hội đền An Sinh ra đời
Theo tư liệu lịch sử và phả tộc họ Trần, vùng Đông Triều chính là đất tụ cư đầu tiên của họ Trần ở nước ta. Sau khi lên ngôi, vua Trần Thái Tông đã phong cho anh trai của mình là Trần Liễu làm An Sinh vương và ban cho vùng đất Yên Sinh làm ấp thang mộc và thờ cúng tổ tiên. Năm 1381, với đạo lý truyền thống “lá rụng về cội” và để tránh giặc nạn Chiêm Thành đánh phá vùng đất Long Hưng – Thái Bình, triều đình nhà Trần cho xây dựng điện An Sinh để đưa thần vị và lăng mộ của các vị tiên đế về đây thờ cúng. Chính vì vậy, nơi đây luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vua nhà Trần. Dân tộc Việt Nam tự hào về nhà Trần – triều đại đã sản sinh ra một vị Phật tổ và một vị tướng tài được phong thánh, đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông và Đức thánh Trần Hưng Đạo; chưa kể những người đã trở thành á thánh. Đông Triều đất thiêng, bởi là nơi trở về cuối cùng của các vua Trần, đặc biệt là Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Nhằm phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống văn hoá và những chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc, Lễ hội đền An Sinh được Thị xã Đông Triều tổ chức từ ngày 20 đến hết 22/8 âm lịch hằng năm (trùng với Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc ở TX Chí Linh, Hải Dương). Đó cũng chính là ngày giỗ của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mà dân gian đã tôn là Đức thánh Trần. Qua mỗi năm các nghi lễ có sự thay phù hợp với truyền thống, phong tục địa phương nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc.
Các hoạt động trong Lễ hội đền An Sinh
Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2018, được thực hiện đầy đủ các nội dung theo nghi lễ truyền thống cổ xưa, bao gồm: Lễ mộc dục; Lễ cáo yết đền An Sinh, cáo yết các lăng mộ vua Trần; tổ chức khai mạc lễ hội và lễ Tạ.
3.1 Phần Lễ
Lễ hội đền An Sinh được diễn ra trong 3 ngày. Khai mạc Lễ hội bao gồm các hoạt động như: Mở đầu là nghi thức múa Tứ Quý của đội múa xã An Sinh (Đông Triều). Tiếp sau đó là đọc bài chúc văn và gióng trống khai mạc. Sau phần lễ, diễn ra các nghi lễ tế nam quan, tế nữ quan của các đội tế Ban chấp hành họ Trần các tỉnh, thành: Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh…và đội tế các xã, phường trên địa bàn xã An Sinh.
Múa rồng khai mạc lễ hội đền An Sinh
Tiết mục gióng trống trong lễ hội đền An Sinh
3.2 Phần Hội trong Lễ hội đền An Sinh
Trong các ngày diễn ra Lễ hội truyền thống Đền An Sinh, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian được tổ chức tại lễ hội đã thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Giải thể thao và các trò chơi dân gian tại lễ hội truyền thống Đền An Sinh được tổ chức nhằm duy trì phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn, đặc biệt là các môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, tạo không khí vui tươi lành mạnh trọng lễ hội, thu hút đông đảo lực lượng tham gia góp phần vào thành công chung của lễ hội truyền thống đền An Sinh.
Thông qua giải thể thao và trò chơi dân gian đã giúp nhân dân và du khách đến với lễ hội hiểu hơn về những giá trị độc đáo của Di tích Quốc gia đặc biệt- Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều với những giá trị lịch sử, văn hoá đặc trưng riêng của địa phương.
Đặc biệt, một trong những chương trình tạo điểm nhấn và mang lại không khí vui tươi cho Lễ hội truyền thống Đền An Sinh đó là Liên hoan văn nghệ các làng – khu phố văn hóa thị xã Đông Triều. Trong 03 đêm diễn ra chung kết Liên hoan, sân khấu trước cổng Đền An Sinh luôn chật cứng người dân và du khách thập phương đến xem và cổ vũ. Các diễn viên không chuyên của các làng, khu phố đến tham dự và cả những người dân đến xem và cổ vũ cho Liên hoan mỗi người có một cảm xúc khác nhau nhưng đều có điểm chung đó là vui tươi, phấn khởi chào mừng Lễ hội truyền thống lớn của địa phương.
Tiết mục văn nghệ được đầu tư bài bản trong khuôn khổ lễ hội đền An Sinh
Xem thêm: Tận hưởng trải nghiệm có 1-0-2 khi tắm Yoko Onsen Quảng Ninh chuẩn style Nhật Bản
Lễ hội đền An Sinh là một hoạt động văn hóa truyền thống, là dịp để mọi người về vùng đất thiêng này tìm hiểu thêm công lao to lớn của các vua Trần- một triều đại hiển hách chiến công trong chống giặc ngoại xâm, vua tôi đoàn kết một lòng, bảo vệ giữ gìn non sông Đại Việt. Đây cũng là dịp để mọi người tìm hiểu thêm giá trị lịch sử văn hóa của Đền An Sinh. Vùng đất Quảng Ninh không thiếu các lê hội văn hóa truyền thống như lễ hội chèo bơi Quan Lạn, lễ hội Trà Cổ, lễ hội Tiên Công, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Ba Vàng,… được tổ chức vào các thời điểm khác nhau trong năm để du khách có thể tham gia và trải nghiệm. Mỗi lễ hội có nội dung và ý nghĩa khác nhau, nhưng cùng một mục đích hướng về cội nguồn dân tộc.