Ai về xứ Huế ngắm dòng sông Ô Lâu huyền thoại

Dòng sông Ô Lâu huyền thoại có vẻ ít được nhắc đến như sông Hương nhưng nó là nơi gắn liền với nhiều sự tích, câu chuyện huyền thoại cũng như các câu ca lưu truyền. Nếu bạn cảm thấy tò mò thì có thể cùng 3vi.vn giải mã ngay thông qua bài viết sau đây.

Tổng quan về sông Ô Lâu

Dòng sông Ô Lâu bắt đầu từ thượng nguồn đỉnh núi Truồi hùng vĩ với độ cao tuyệt đối lên đến cỡ 905m, uốn lượn quanh co giữa núi rừng Trường Sơn rồi chảy xuôi về Phò Trạch, sau đó chuyển hướng tới Tây Bắc, đến ngã rẽ hội lưu với sông Độc hay còn được biết đến là sông Mỹ Chánh tạo nên sông Ô Lâu. Dòng sông có mặt nước trong vắt, chảy êm đềm đầy thơ mộng xuôi về Vân Trình, chảy ra phá Tam Giang, ghé qua cửa Lác và ra biển Đông.

Phần lớn các con sông đan nối vào nhau vô cùng độc đáo và phức tạp, tạo nên mạng lưới chằng chịt từ sông Ô Lâu đã liên kết đến phá Tam Giang, đến sông Hương, qua sông Lợi Nông, qua sông Đại Giang, sông Hà Tạ, sông Cống Quan, sông Truồi, sông Nông, xuyên qua đầm Cầu Hai. Toàn bộ nằm trong hệ thống phá Tam Giang và đầm Cầu Hai, bên cạnh đó sông Ô Lâu còn liên kết với những trằm, bàu tự nhiên.

Ai về xứ Huế ngắm dòng sông Ô Lâu huyền thoại

Sông Ô Lâu được xem như là biên giới tựa nhiên giữa Huế và tỉnh Quảng Trị

Xem thêm: Kinh thành Huế – Chiêm ngưỡng kiến trúc vàng son của 13 vị vua triều đại nhà Nguyễn

Lịch sử và những truyền kỳ gắn liền với dòng sông

Sông được xem như ranh giới của Quảng Trị và Huế, từ xa xưa nó đã gắn liền với câu ca dao: “Trăm năm còn lỗi hẹn hò/ Cây đa bến nước con đò khác xưa/ Con đò đã thác năm xưa/ Cây đa, bến cũ còn lưa bóng người”. Tương truyền câu ca nói đến cuộc tình lỡ làng của cô lái đò bên bến Ô Lâu với chàng thí sinh trên đường đến dự thi ở Huế.

Nhưng chẳng may chàng học trò nghèo lại bị ốm và túng đói bên sông, may nhờ có cô chăm sóc ngày đêm mới qua khỏi. Sau đó chàng trai đem lòng yêu cô say đắm, đôi lứa hẹn ngày tái ngộ sẽ nối lại mối duyên vào đúng hôm chàng lên đường đi thi. Ngày tháng trôi đi cô lái đò mong ngóng đêm ngày chờ chàng quay về nhưng đã mấy mùa lá rụng vẫn biệt tin.

Sau cô lái đò tuyệt vọng và sinh bệnh, bến đò trong một ngày giá lạnh cũng không còn thấy cô lái đò xuất hiện. Nấm mộ cô được dựng lên và xung quanh  mọi người trồng những loài hoa trắng muốt trên đồi cỏ xanh. Oái ăm thay đến mùa thu năm ấy chàng học trò nghèo lại trở về, sau khi công thành danh toại qua mấy mùa thi cử.

Mọi người dẫn chàng tới mộ người yêu, chàng khóc cạn nước mắt bên nấm mồ và để lại những câu thơ ai oán. Nấm mồ cỏ xanh, rừng hoa lau trắng vẫn còn đấy, dòng sông Ô Lâu thì lauh thêm quanh co với những khúc đổi dòng liên tục tựa như nỗi đau con người.

Ai về xứ Huế ngắm dòng sông Ô Lâu huyền thoại

Dân Vạn Đò Trạch sinh nhai bằng cách nuôi cá lồng giữa sông Ô Lâu. Ảnh: Nguyễn Văn Hiền

Cây đa bến nước Ô Lâu đã chứng kiến nhiều mối tình dở dang và đau khổ khác. Nhưng có lẽ cuộc chia tay thấm đẫm nước mắt nhất chính là cuộc chia tay giữa vua Trần Anh Tông với con gái là công chúa Huyền Trân diễn ra năm 1336. Để kết thúc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành thì hai bên đã kết giao hòa hảo bằng cách chế Mân dâng hai châu Ô (Quảng Trị) và Lý (Thừa Thiên – Huế) để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, bến sông Ô Lâu là điểm hẹn giao ước.

Huyền Trân công chúa đi xuống thuyền về Chăm Pa làm dâu, cuộc chia tay đẫm nước mắt trước dòng sông cuồn cuộn sóng như là bản tráng ca dành cho người con gái đã tình nguyện dấn thân để đem lại hòa bình cho hai dân tộc. Chế Mân đón Huyền Trân công chúa về và phong Hoàng hậu với tên Paramec-Varti, vua cha Trần Anh Tông thì như chết lặng giữa thuyền rồng trong cơn mưa nặng hạt trên bến sông Ô Lâu.

Hướng dẫn di chuyển đến sông

Sông Ô Lâu có hình dạng như chữ S và được coi là biên giới giữa Quảng Trị và Huế, nhưng khi dòng sông chảy qua làng Tuy Phước (Phong Điền-Huế) chừng vài cây số bỗng sẽ ngoặt sang địa phận huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sau khi ngược dòng chừng chục cây số, sông Ô Lâu mới quay lại đất Phong Điền (Huế). Du khách di chuyển đến đây có thể đi xe máy và khám phá được trọn vẹn hơn vẻ đẹp sông, chẳng hạn như đi theo cung đường quốc lộ 49B như trong maps để ngắm cảnh nhé.

Khám phá vẻ đẹp sông Ô Lâu

4.1 Làng cổ Phước Tích bên sông

Trước khi hòa mình vào hệ đầm phá Tam Giang để ra biển lớn thì sông Ô Lâu cũng đã kịp bồi đắp tạo nên những làng mạc trù phú hai bên bờ. Làng cổ Phước Tích của Huế và Hội Kỳ của tỉnh Quảng Trị là những đều là những di sản mà dòng sông này để lại trước khi ra biển lớn.

Làng cổ Phước Tích nằm ở xã Phong Hòa, Phong Điền, Huế và có tuổi đời hơn 100 năm được xếp vào hàng ngũ làng cổ có tiếng tại Việt Nam. Phước Tích sở hữu hơn 30 ngôi nhà rường có tuổi đời trên dưới 100 năm nên được xếp vào hàng những ngôi làng cổ có giá trị văn hóa, nghệ thuật hàng đầu. Ngoài ra gốm Phước Tích cũng là một trong những sản phẩm đặc sắc trên thị trường.

Ai về xứ Huế ngắm dòng sông Ô Lâu huyền thoại

Đoạn sông Ô Lâu nhìn từ bến Lò của làng cổ Phước Tích trông thật bình yên. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành

“Bên ni Phước Tích, bên tê Hội Kỳ” là cách mà người địa phương vẫn thường nói để chỉ dẫn cho du khách đi khám phá Huế về hai ngôi làng cổ này. Nhà cổ ở Phước Tích có kiến trúc khá giống nhà cổ bên Hội Kỳ là nhà rường 3 gian, 2 chái; hoặc 1 gian, 2 chái và có số cột trụ tương ứng là 48 hoặc 24 tùy theo kinh tế trong nhà.

Ai về xứ Huế ngắm dòng sông Ô Lâu huyền thoại

Kiến trúc nhà rường Huế đặc trưng tại Phước Tích, toàn bộ vật dụng được làm bằng gỗ. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành

Làng cổ Phước Tích là một địa điểm tham quan tại Huế nổi bật và đang nhận được sự quan tâm cũng như đầu tư xứng tầm. Những ngôi nhà rường xuống cấp sau này đều đã được tu bổ một cách bài bản. Khung cảnh bình yên của một ngôi làng xưa với hàng cây cổ thụ, bến nước… hầu như được giữ gìn trọn vẹn tại đây. Hơn nữa các cơ quan chính quyền tại Huế cũng thường lưu tâm tổ chức những lễ hội hằng năm trong dịp Festival để thu hút du khách về tham quan.

Ai về xứ Huế ngắm dòng sông Ô Lâu huyền thoại

Làng được trang hoàng tu bổ lại để đón khách tham quan ghé chơi. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành

4.2 Dòng xoáy Phá Tam Giang

Nếu sông Hương chỉ chảy êm đềm thì sông Ô Lâu lại đổi dòng liên tục, có thể nói nó mang cả hai sắc thái hiền hòa và dữ dội của đất Huế. Phá là đầm hồ rộng lớn bị chặn bởi cồn cát kéo dài ngăn với biển Đông, bởi sông Ô Lâu có ba nhánh chảy vào Phá nên có tên là Phá Tam Giang (cách TP Huế 15 km). Diện tích Phá Tam Giang rất rộng, lên đến 52.000 ha và kéo dài 25 cây số nối liền sông Ô Lâu với sông Hương rồi chảy ra cửa biển Thuận An.

Ai về xứ Huế ngắm dòng sông Ô Lâu huyền thoại

Khung cảnh phá Tam Giang lãng mạn bên ánh nắng sớm mai

4.3 Vẻ đẹp sông Ô Lâu

Ngày nay sông Ô Lâu vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của nó với sắc màu xanh thăm thẳm chảy về biển xanh lộng gió. Vào những tháng mưa xối xả mấy ngày đêm từ thượng nguồn đổ xuống, dòng sông cũng réo rắt ầm ầm, nước chuyển sang màu bạt của lớp đất phù sa và cá tôm trên thượng nguồn đổ về. Loài cá ở phá Tam Giang, các nhánh sông liên kết chạy ngược lên theo con nước đưa đến sông nhiều chủng loại phong phú.

Nhờ đó hiện nay hệ thống sông Ô Lâu đã có khoảng 109 loài, 76 giống cá, với 31 họ thuộc 11 bộ khác nhau. Sau khi những trận mưa kéo dài qua đi thì dòng sông cũng trở nên hiền hòa, trả lại khoảng lặng bình yên với mặt nước trong xanh, hòa cùng nhịp thở của cư dân xung quanh.

Bởi cái bóng quá lớn của dòng sông Hương mà sông Ô Lâu ít được nhắc tới. Nhưng thực tế đã có không biết bao nhiêu tiến trình lịch sử và những cuộc tình đã ghi dấu ấn trên bến sông xưa này. Nếu có một ngày thấy quá mệt mỏi với nhiều điều trong cuộc sống thì bạn có thể ghé đến bên dòng sông để cảm nhận được sự an ủi từ dòng nước, thôn xóm hiền hòa hay từ những câu chuyện bên lề về lịch sử của nó.

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.