Bánh dân gian Bến Tre là đặc sản có truyền thống lâu đời, gắn liền với bề dày lịch sử và điều kiện tự nhiên của vùng đất địa linh nhân kiệt. Những chiếc bánh dân gian đặc sắc mang trong mình hương vị dân dã, mộc mạc nhưng đầy cuốn hút là món ngon mà bạn nhất định phải thử khi đi du lịch Bến Tre.
Bến Tre từ lâu đã được biết đến là một vùng đất trù phú với những cánh đồng ruộng bao la, bát ngát, những vườn dừa bạt ngàn và các miệt vườn cây trái sum suê, trĩu quả. Đến với Bến Tre, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trữ tình tại các danh thắng tuyệt đẹp, tham quan hệ thống di tích lịch sử lâu đời như cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự, di tích Cây Da đôi… mà còn được nếm thử vô số món ăn thơm ngon đậm chất thôn quê. Một trong những món đặc sản nổi bật nhất chính có lẽ phải kể đến bánh dân gian Bến Tre – Món ăn truyền thống mang đậm cái hồn của quê hương xứ dừa.
Giới thiệu vài nét về bánh dân gian Bến Tre
Từ thuở mới khai hoang, lập ấp cho đến nay, người dân Bến Tre luôn không ngừng khám phá, sáng tạo ra vô số món ăn vừa thơm ngon, hấp dẫn lại vừa tinh tế. Sự hình thành nên phong cách ăn uống riêng biệt của vùng đất này gắn liền với địa lý, khí hậu và lịch sử. Chính vì thế, ẩm thực nơi đây hầu như đều là các món ăn hết sức dân dã, bình dị, mang đậm hương vị đồng quê mà điển hình chính là những chiếc bánh dân gian Bến Tre đặc sắc.
Đối với người dân ở xứ dừa Bến Tre, bánh dân gian không chỉ để ăn mà còn là một nét đẹp trong quá trình giao lưu văn hóa các vùng miền. Đây vốn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi tiếp thu, gìn giữ biết bao tinh hoa văn hóa đúc kết từ thời khai hoang, mở đất của cha ông ta nên những món bánh dân gian Bến Tre luôn phảng phất cái hồn quê giản dị, mộc mạc. Đó là cái tình của người bà, người mẹ và người chị hòa quyện với hồn của cây cỏ, hoa lá trên mảnh đất này mà thấm đượm vào từng chiếc bánh.
Trong ký ức mỗi người con xứ dừa, không có ai là không in đậm hình ảnh người phụ nữ đôn hậu ngồi cạnh chiếc cối xay bột, giữ lửa bên bếp đỏ rực suốt đêm để làm ra những mẻ bánh dân gian Bến Tre thơm ngon và đẹp mắt. Dù là bánh ngọt hay mặn thì cũng đều được tạo ra qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ. Họ có thể chỉ là các bà nội trợ bình thường nhưng đôi khi còn là những người nghệ nhân cực kỳ điêu luyện và cho dù họ là ai đi chăng nữa, những chiếc bánh dân gian Bến Tre vẫn luôn toát lên được cái tình đất, tình người đáng quý.
Xem thêm: Chè thưng nước cốt dừa Bến Tre, đặc sản nức lòng khách phương xa
Bánh dân gian Bến Tre là một nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực xứ dừa
Bánh dân gian Bến Tre có gì đặc sắc?
2.1 Các loại bánh dân gian Bến Tre
Ở xứ dừa hiện có rất nhiều loại bánh dân gian Bến Tre và mỗi món bánh đều được làm từ những nguyên liệu hết sức giản dị, dễ tìm và gắn liền với đời sống người dân trong vùng. Đặc biệt, bánh dân gian Bến Tre đa phần dùng nhiều nguyên liệu từ dừa như cơm dừa, sữa dừa, nước cốt dừa… cùng với gạo, nếp, các loại đậu và ngũ cốc. Những chiếc bánh này sở hữu đa dạng hình thức chế biến, gồm bánh ngọt, bánh mặn, bánh không nhân, bánh có nhân, bánh gói, bánh trần… và có vô số hình thù, kiểu dáng khác nhau như tròn, vuông, dẹp, tháp, trụ… Một số loại bánh dân gian Bến Tre có thể dùng để ăn no, chắc bụng trong lúc lao động, lại có những loại để ăn tráng miệng, ăn chơi hoặc đem biếu tặng, dâng cúng…
Hiện nay, bánh dân gian Bến Tre ngày càng trở nên phong phú hơn với vô vàn cái tên mới lạ nhưng nhìn chung đều giữ nguyên những nét bình dị, giản đơn và cái hồn quê mộc mạc vốn có, điển hình như bánh tét nhân đậu, bánh tét nhân chuối, bánh bò nước cốt dừa, bánh lá dừa, bánh bèo ngọt, bánh cuốn nhân dừa, bánh ít, bánh lá rau mơ xứ dừa, bánh da lợn, bánh đúc, bánh ú nước tro, bánh tầm khoai mì… Hơn hết, người dân Bến Tre còn vô cùng sáng tạo khi đưa những nguyên liệu từ dừa vào quá trình chế biến nhằm tăng thêm độ béo ngậy, thơm bùi cho bánh dân gian và góp phần tạo nên hương vị riêng biệt đặc trưng của xứ dừa.
Bên cạnh đó, càng tự hào hơn khi bánh dân gian Bến Tre vang danh khắp cả nước với thương hiệu bánh phồng Sơn Đốc và bánh tráng Mỹ Lồng. Được biết, làng nghề làm bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng và bánh tráng Mỹ Lồng tại xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm đã chính thức được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2018. Đây là hai làng nghề làm bánh dân gian Bến Tre có truyền thống hơn trăm tuổi, được lưu truyền, gìn giữ và phát huy qua bao thế hệ, không ngừng tạo ra những chiếc bánh thơm béo, đậm đà làm nức lòng biết bao thực khách gần xa.
Bánh cuốn ngọt nhân dừa và đậu xanh
Bánh lá dừa Bến Tre
Mâm bánh da lợn, bánh bò, bánh chuối và bánh lá rau mơ ăn kèm nước cốt dừa
2.2 Từ đặc sản dân dã truyền thống đến nét văn hóa ẩm thực nổi tiếng
Ngoài dùng để ăn, bánh dân gian Bến Tre còn được sử dụng làm lễ vật biếu tặng, dâng cúng trong gia đình và các lễ hội cộng đồng. Theo thời gian, bánh dân gian Bến Tre đã in sâu vào đời sống của người con xứ dừa qua từng lời ca, tiếng hát, câu hò như một lẽ tự nhiên, len lỏi từ vùng sông nước thôn quê đến tận các hang cùng, ngõ hẻm ở mọi đô thị và từ từ đi vào ký ức của bao thế hệ người Việt. Bánh dân gian Bến Tre trước đây chỉ phổ biến trong thôn xóm, làng xã địa phương nhưng đến thời điểm hiện tại, món đặc sản này đã từng bước vươn ra thị trường cả trong và ngoài nước. Bạn có thể thưởng thức những chiếc bánh mang đậm bản sắc văn hóa này vào các dịp như Ngày hội Truyền thống Văn hóa Bến Tre, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Lễ hội dừa Bến Tre… Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng tìm mua bánh dân gian Bến Tre tại các khu chợ, cửa hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh.
Bạn có thể thưởng thức bánh dân gian Bến Tre tại các lễ hội truyền thống
Những chiếc bánh dân gian Bến Tre là thức quà quê chứa đựng cả bầu trời ký ức từ thời khai hoang, mở đất và được gìn giữ qua nhiều thế hệ, góp phần nâng cao giá trị văn hóa ẩm thực xứ dừa. Đừng ngần ngại lưu lại vào cẩm nang du lịch và nếu có dịp về thăm quê hương Bến Tre, hãy một lần nếm thử hương vị mộc mạc, chân chất của món bánh này nhé.