Nghĩ có buồn không cơ chứ? Đã mang tên là Cây cô đơn Đà Lạt mà quanh năm suốt tháng cứ phải đứng làm background cho những cặp đôi chụp ảnh tình cảm tình ơ với nhau ‘check in’ các kiểu. Phận làm cây thông chưa một lần ‘yêu’ ai thiệt khổ mà!
Đố bạn biết Cây cô đơn Đà Lạt có địa chỉ ở đâu nè?
Bật mí với bạn là cây ‘FA’ này nằm cách trung tâm thành phố khoảng tầm 10km về phía Đông Nam, tọa lạc tại Ankroet, xã Lát, huyện Lạc Dương, thành phố Lâm Đồng, tỉnh Đà Lạt đó nha. Nghe hơi quen tai đúng không nè? Thật ra Cây cô đơn Đà Lạt chính là cây quanh năm hiên ngang đứng vững trên bãi cỏ bên hồ Suối Vàng Đà Lạt đó.
Cây Cô đơn Đà Lạt – ‘người cận vệ’ quanh năm bảo vệ sự bình yên của hồ Suối Vàng
Chỉ cho bạn đường đi đến Cây cô đơn Đà Lạt nè
Bởi vì nằm ở vùng ngoại ô thành phố, thế nên nếu muốn đi đến cây cô đơn, bạn sẽ phải đi ngược ra theo lộ trình như sau:
– Từ trung tâm chợ Đà Lạt, bạn đi theo hướng ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh
– Tiếp tục đi thẳng tới đập Ankroet
– Khi tới ngã ba Ankroet với Tỉnh lộ 722, bạn sẽ nhìn thấy bảng chỉ dẫn hướng đi vào Ma Rừng Lữ Quán nằm bên tay trái và đi vào làng Cù Lần ở phía tay phải
– Quẹo phải đi thẳng theo hướng đi vào làng Cù Lần thêm khoảng tầm 3km là sẽ thấy bảng chỉ đường vào Cây cô đơn Đà Lạt
Bạn có biết vì sao gọi là Cây cô đơn Đà Lạt không?
Vốn dĩ là cây thông thường mọc theo một hàng thẳng tắp và mọc san sát nhau để tạo nên cả khu rừng – điều làm nên nét đặc biệt của thành phố thành phố Đà Lạt. Thật ra để kiếm được một cây thông đứng cô đơn lẻ bóng làm chủ một cõi xưng bá một phương quả thật rất khó. Ấy thế mà khó vậy mà cái Cây cô đơn Đà Lạt này làm được mới hay! Chẳng biết ‘em nó’ xuất hiện từ bao giờ, thế nhưng ngay từ khoảnh khắc mọi người biết đến sự tồn tại của ‘ẻm’ thì ‘ẻm’ đã hiên ngang đứng vững giữa khu đồi mênh mông ven hồ Suối Vàng Đà Lạt này rồi. Chính bởi thế nên người ta mới ưu ái gọi ‘ẻm’ là Cây cô đơn, đồng thời trở thành một trong những điểm check in Đà Lạt thú vị nơi thành phố mộng mơ.
Trông ’em’ đứng một mình có buồn không cơ chứ?
Thế mà dù nhìn ‘em nó’ đứng một mình lẻ bóng với xung quanh là cảnh sóng nước mênh mông nơi hồ Suối Vàng Đà Lạt thơ mộng, thương thì thương vậy thôi chứ nhiều cặp đôi rất thích đến đây chụp hình để ‘check in’ các kiểu. Há có phải trêu ngươi ‘em nó’ quá không cơ chứ? Ấy vậy mà mọi người vẫn cứ đến đây, và ‘em’ thông này vẫn đều đặn mỗi ngày trở thành ‘bình phong’ làm nền cho những bức ảnh xịn sò của các cặp đôi và những nhóm bạn.
Đứng yên bình bên hồ Suối Vàng thơ mộng, cây cô đơn đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của nơi này lên gấp bội lần. Ảnh: Hà Anh Tuấn
Vẻ đẹp đặc biệt của Cây cô đơn Đà Lạt, ai bảo đứng một mình là không đẹp cơ chứ!
4.1 Cây cô đơn đà lạt đẹp ngay khi ‘em’ lẻ bóng một mình
Thật ra điều làm nên sự đặc biệt của ‘em’ cây này chính là cái sự hiên ngang đứng vững một mình của ‘ẻm’ trên thảm cỏ hồng bên bờ hồ Suối Vàng với xa xa là cảnh đồi núi trùng điệp tưởng chừng kéo dài như vô tận đó. Chính điều này đã khắc họa rõ nét cái vẻ đẹp đượm buồn của chốn non nước nơi đây, nhưng mà dẫu trầm lắng thì vẫn rất đẹp, nên dẫu ai đã từng một lần dừng chân ghé đến nơi đây cũng đều muốn quay trở về.
‘Tui cô đơn mà cứ bắt phải ăn “cẩu lương” của mấy người, hờn ghê!’, cây cô đơn nói vậy đó. Ảnh: Rin Wedding
“Nữa nữa, nắm tay đồ hen, tức á!”, nhưng mà thiệt là trông background xịn sò thế không biết…Ảnh: @lehatruc
Nhìn có vẻ Cây cô đơn Đà Lạt này sẽ buồn lắm, nhưng theo mình nghĩ thì chắc không đâu. Bởi ‘em’ được ôm trọn bởi hồ nước mênh mông với những con sóng lăn tăn gợn trên mặt hồ cùng những ngọn cỏ lau trắng xóa mơn mởn đung đưa theo nắng gió.
4.2 Và ‘em’ đẹp với sức sống mãnh liệt
Tuy trông ‘em’ có vẻ cô đơn thế thôi, nhưng mình thấy rõ ràng trong em có một sức sống rất mãnh liệt. Bởi thật sự các hàng thông phải mọc gần nhau thì mới có thể chống chọi lại những cơn gió lớn hoặc những ngày trời nổi bão. Ấy vậy mà ‘em’ cây này vẫn hiên ngang đứng vững giữa gió sương, sống lưng thẳng tắp đón nhận những cơn mưa dầm hoặc dông gió vào những ngày bão về, hoặc vào những ngày Đà Lạt nắng gắt, những cơn gió tưởng chừng như trốn mất phía sau những ngọn đồi. Thế mới thấy sức sống của cái Cây cô đơn Đà Lạt này mãnh liệt đến dường nào, vẫn uy nghiêm đứng vững mặc cho bão táp phong ba, như người cận vệ già bảo vệ sự yên bình bên bờ hồ Suối Vàng thơ mộng.
Dẫu năm tháng thoi đưa thì cây cô đơn vẫn đứng hiên ngang như thế. Ảnh: @bem_lephuong
Vẫn luôn là một trong những điểm đến quen thuộc cho các bạn trẻ. Ảnh: @Mon.dreamers
Nếu đi cùng hội bạn thân, nhất định phải đến thăm ‘ẻm’ nha bạn ơi
Cắm trại qua đêm bên ‘em’ thông, tại sao không bạn ơi?
Cây cô đơn Đà Lạt mọc trên bãi cỏ bằng phẳng, rộng rãi và thoáng đãng bên bờ hồ Suối Vàng Đà Lạt – một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng được nhiều bạn trẻ yêu thích với cảnh sắc non nước hữu tình. Thế nên tại sao bạn không thử một lần dựng lều cắm trại đốt lửa qua đêm, vừa ngắm nhìn bầu trời đầy sao, vừa hít thở bầu không khí trong lành và ‘bầu bạn’ cùng ‘em’ thông đúng không nè?
Xem thêm: Làng Cù Lần Đà Lạt – Khu du lịch sinh thái nằm yên bình dưới đỉnh LangBiang hùng vĩ
Tổ chức team buidling trên bãi cỏ bên bờ hồ
Hoặc thả dáng ‘deep’ một xíu là có ngay bức ảnh triệu like liền nhen!
Những điều bạn cần lưu ý trước khi đến với Cây cô đơn Đà Lạt
– Vào những ngày trời mưa, bạn không nên đến đây bởi đường trơn cực kỳ nguy hiểm và khó đi
– Nếu đến thăm Cây cô đơn Đà Lạt, bạn nên chọn đi bằng xe số chứ không nên đi xe ga. Bởi khi leo dốc xe ga sẽ không leo nổi. Và trước khi đi nên lưu ý kiểm tra xe kỹ lưỡng, đặc biệt là đổ đầy bình xăng nha vì cây xăng nằm cách chỗ này cực kỳ xa luôn đó
– Không nên đi Cây cô đơn Đà Lạt một mình bởi đường đèo tại đây tương đối nguy hiểm khó đi và lại vắng vẻ nữa. Bạn có thể rủ bạn bè đi cùng sẽ vui hơn
– Bạn có thể đi vào buổi sáng để ngắm nhìn khung cảnh mây trời lãng đãng cũng như hít thở bầu không khí trong lành tại đây
– Nếu cắm trại qua đêm, bạn nên mang theo các vật dụng cá nhân cần thiết và đừng quên mang theo áo ấm, vớ để giữ ấm cơ thể vì nhiệt độ về đêm tương đối thấp
Cây cô đơn Đà Lạt quả thật rất đặc biệt, vẫn hiên ngang đứng vững trong sương gió mặc cho năm tháng thoi đưa. Bạn ơi, sau khi đọc đến đây, bạn đã muốn đến thăm ‘ẻm’ chưa nè?