Ước tính đã tồn tại hơn 200 năm dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, Chợ phiên Hoàng Su Phì là một trong số ít những phiên chợ vùng cao vẫn còn giữ được nét văn hóa ban sơ thuở đầu. Trong hành trình chinh phục vùng rẻo cao Đông Bắc, sẽ thật là một thiếu sót nếu như bạn trót ‘bỏ quên’ ngày họp chợ rộn ràng và sinh động này. Hôm nay hãy cùng theo chân 3vi.vn dạo quanh một vòng phiên chợ lâu đời nhất nhì vùng biên viễn bạn nhé!
Định vị chính xác tọa độ nơi diễn ra Chợ phiên Hoàng Su Phì
Địa chỉ: thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang
Còn có tên gọi khác là Chợ phiên thị trấn Vinh Quang, Chợ phiên Hoàng Su Phì xuất hiện từ bao giờ vốn dĩ chẳng còn ai có thể nhớ được nữa. Mọi người chỉ biết rằng phiên chợ này là một trong những cái tên thuộc diện ‘lão làng’, ‘có số có má’ trong những phiên chợ vùng cao với tuổi đời hơn 200 năm. Chợ phiên Hoàng Su Phì đặc biệt ở điểm chỉ họp duy nhất vào vỏn vẹn buổi sáng ngày Chủ nhật hàng tuần. Thông thường, mọi người sẽ họp chợ dọc theo dãy phố chính nơi trấn Vinh Quang và kéo dài khoảng độ tầm vài cây số.
Xem thêm: Nét đẹp bình dị nơi Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ
Những người tham gia phiên chợ này chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao đỏ, Dao áo dài, Mông sinh sống tại những bản làng ở các khu vực lân cận. Trong ngày diễn ra ngày họp chợ, mọi người sẽ mặc những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình và cùng nhau nô nức đi họp chợ.
Không chỉ là nơi để người đồng bào mua bán, trao đổi sản vật, Chợ phiên Hoàng Su Phì còn là nơi để mọi người có dịp gặp gỡ, giao lưu với nhau. Chính bởi thế nên hiện nay, Chợ phiên Hoàng Su Phì là một trong số ít những phiên chợ vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo vốn có của một phiên chợ vùng cao.
Có một Chợ phiên Hoàng Su Phì rực rỡ và rộn ràng qua những thước phim chân thật. Video: Tôi Là Người Vùng Cao
Bạn có thể di chuyển đến Chợ phiên Hoàng Su Phì bằng những loại phương tiện nào là hợp lý?
Chợ phiên Hoàng Su Phì được họp ngay khu vực ngã ba thị trấn, thế nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng xe máy hoặc xe hơi đều được cả. Bạn có thể search google maps để tìm được đường đi chính xác nhất từ khách sạn mình đang lưu trú. Tuy nhiên, bởi vì chợ họp từ rất sớm, khoảng độ tầm 4, 5 giờ là đã bắt đầu có người đến, nên bạn chú ý đi sớm để tránh tình trạng khi đến nơi thì chợ đã tan thì tiếc lắm nhé.
Với địa thế địa hình đặc trưng của vùng biên viễn, thế nên theo kinh nghiệm đi Hà Giang tự túc của 3vi.vn, các bạn nên lựa chọn xe máy, cụ thể là xe số hoặc xe côn, làm phương tiện di chuyển chính sẽ thích hợp hơn. Hiện nay tại khu vực trung tâm thành phố Hà Giang có nhiều những cửa hàng cho thuê xe máy cũng như sẵn sàng mang xe đến tận khách sạn bạn đang lưu trú. Giá thuê xe dao động từ 180.000 VNĐ (đối với xe số) và từ 550.000 VNĐ đến 600.000 VNĐ / ngày (đối với xe côn). Bạn chỉ cần liên hệ trước với chủ cửa hàng, thông báo cho họ biết ngày, giờ nhận xe cũng như địa chỉ khách sạn là họ sẽ mang xe đến tận nơi, quá tiện lợi luôn đúng không nè?
Những trải nghiệm thú vị nơi Chợ phiên Hoàng Su Phì
3.1 Đến Chợ phiên Hoàng Su Phì để thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị vùng cao
Ngay từ những sạp hàng đầu tiên nơi Chợ phiên Hoàng Su Phì, bạn sẽ có thể dễ dàng nhìn thấy một loạt những món ngon Hà Giang góp mặt tại đây. Nếu như khu vực những gian hàng đầu tiên chuyên về các món đồ nướng thì khuất phía bên trong chính là một loạt những sạp hàng bán các món đặc sản như lẩu, thắng cố, Thắng dền Hà Giang, Phở chua Hà Giang các loại.
Giá cho mỗi phần ăn tại đây cũng tương đối rẻ, chỉ dao động từ 25.000 VNĐ đến 30.000 VNĐ mà thôi. Nếu như bạn đã phải dậy sớm để kịp đến đây ngay khi chợ phiên vừa họp, vậy hãy dừng lại đây, thưởng thức chút bữa sáng thơm ngon, hấp dẫn trước khi bắt đầu hành trình khám phá phiên chợ lâu đời nhất nhì vùng biên viễn.
Chợ phiên Hoàng Su Phì tựa ngày hội lớn của đồng bào dân tộc sinh sống quanh khu vực thị trấn Vinh Quang
Những đứa bé được mẹ địu trên vai tham gia phiên chợ
3.2 Trải nghiệm nền văn hóa đặc sắc của người đồng bào nơi chợ phiên
Trong suốt hành trình khám phá Chợ phiên Hoàng Su Phì, bạn sẽ có cơ hội được tận mắt trải nghiệm nền văn hóa truyền thống đặc sắc của người đồng bào dân tộc. Trên khắp con đường chính tại chợ, bạn sẽ nhìn thấy những cô gái người Nùng mang theo vô vàn những loại trang sức bạc xuống núi để bán. Họ thường đeo trang sức lên cổ, đầu hoặc bất kì chỗ nào mà tin rằng người mua có thể nhìn thấy được. Trong khi đó, những người dân tộc khác thì vai mang gùi. Họ xuống núi họp chợ chủ yếu để mua các loại rau củ quả, đồ nông sản tươi, quần áo, trang sức hoặc mua rượu về để nhâm nhi nữa.
Có một điểm đặc biệt là khi đến Chợ phiên Hoàng Su Phì, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những bà, những chị người Mông, Dao đi lặn lội hàng chục cây số từ khi trời tờ mờ sáng để chỉ bán đôi ba mớ rau, dăm ba con gà mà thôi. Thậm chí ngay cả khi chợ đã tan mà hàng vẫn chưa bán được hết thì họ vẫn ra về với nụ cười tủm tỉm trên môi, tựa như đã tìm được thứ gì quý giá lắm ở nơi chợ phiên này vậy.
Khu vực bán rượu nơi chợ phiên Hoàng Su Phì cũng khác hẳn so với những phiên chợ vùng cao khác, ví dụ như Chợ phiên Mèo Vạc chẳng hạn. Đến chợ Hoàng Su Phì, bạn sẽ rất khó để tìm thấy những sạp rượu bởi vì hầu hết người mua lẫn người bán ở đây là phụ nữ mà thôi. Tuy nhiên bù lại thì đến chợ phiên Hoàng Su Phì, bạn sẽ có thể dễ dàng tìm thấy những tấm thổ cẩm dân tộc dệt nên những bộ trang phục rực rỡ sắc màu do những cô gái Mông làm nên.
Chẳng phải vô tình mà Chợ phiên Hoàng Su phì được ví von là cái nôi của quần áo thổ cẩm. Ở nơi chợ phiên này bán hằng hà sa số những bộ trang phục thổ cẩm với đa dạng sắc vóc khác nhau, tỉ như thổ cẩm dân tộc Mông, vải chàm của người Tày, Nùng, v.v. Ngoài ra, ở đây còn có bán các loại khăn thổ cẩm dân tộc nữa đó.
Đi xuống phía gần đường, bạn sẽ nhìn thấy một góc bán dê núi của những chàng trai đến từ xã Hồ Thầu. Ngoài ra, ở đây còn bán cả những loại động vật đặc trưng của vùng non cao như gà đen, lợn cắp nách nữa. Tất cả tạo nên bầu không khí rộn ràng và sinh động đến lạ kỳ, khiến bao người cứ dùng dằng chẳng nỡ rời đi.
Người ta thường mang bán các loại nông sản là chủ yếu
Không khí buôn bán tại chợ không ồn ào. Ai muốn mua cứ việc đến lấy chứ chẳng xảy ra tình trạng chèo kéo hay nói thách bao giờ
Những cô gái dân tộc mang xuống chợ bán những món đồ thủ công truyền thống
Trong chợ phiên, làm sao thiếu mất những tấm vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu
Khu vực bán các loại quần áo, trang sức luôn được các bà, các cô nán lại lâu hơn cả
Cả những loại nhang thơm cũng được mọi người mang xuống bán nơi chợ phiên
Chuyện bán buôn cứ diễn ra một cách bình dị như vậy đó
3.3 Chợ phiên Hoàng Su Phì – Nơi không gian thoang thoảng hương vị đặc trưng của núi rừng
Một điểm thú vị ở nơi Chợ phiên Hoàng Su Phì đó chính là không gian tại chợ thoang thoảng hương vị mắc khén đặc trưng của chốn núi rừng. Mùi hương ấy chỉ xuất hiện khi những nàng thiếu nữ người Dao từ Bản Luốc mang mắc khén xuống chợ bán mà thôi. Ngoài ra, đâu đó ở phía xa xa còn có những hương vị thơm thơm cay cay theo cơn gió vấn vít nơi chóp mũi khi các cô gái Mông ở xã Sán Xả Hồ mang thảo quả xuống chợ bán. Tất cả tạo nên nét độc đáo rất riêng mà dường như chẳng nơi nào có được.
3.4 Đến Chợ phiên Hoàng Su Phì mới thấy, đôi lúc buôn bán chỉ là phần phụ
Đến Chợ phiên Hoàng Su Phì bạn mới hiểu lý do vì sao nơi đây lại đặc biệt đến vậy. Chợ không ồn ào, người bán kẻ mua cũng rất thong dong thư thả. Dường như họ đến đây chỉ để dạo chợ, giao lưu, làm quen trò chuyện chứ chẳng quá để tâm đến việc buôn bán. Dường như đối với họ, chính những phiên chợ này là cơ hội để mọi người được gặp nhau, nói đôi ba câu chuyện và giao duyên giữa các chàng trai và cô gái vùng cao, bấy nhiêu đó thôi cũng đủ vui rồi.
Chợ phiên Hoàng Su Phì còn là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu và cả giao duyên cho những đôi nam thanh nữ tú
Chợ phiên Hoàng Su Phì là một trong những phiên chợ thú vị và đặc biệt hơn cả, hàm chứa những nét đẹp văn hóa truyền thống của chốn rẻo cao Đông Bắc. Nếu có dịp đến với mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc, đừng bỏ lỡ cơ hội tham dự phiên chợ đặc biệt này bạn nhé.