Chùa Châu Thới thoắt ẩn, thoắt hiện sau những rặng cây xanh ngát kết hợp với những hồ nước nhân tạo quanh chùa tạo nên một phong cảnh được ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Đây là một địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch Bình Dương.
Khái quát về chùa Châu Thới
1.1 Vị trí địa lý của chùa Châu Thới
Chùa Châu Thới tọa lạc trên đỉnh núi Châu Thới, một ngọn núi thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chùa Châu Thới cách thành phố Thủ Dầu Một 20km về phía Tây, tiếp giáp với sông Đồng Nai và nằm gần với trục đường lớn đến các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu… Nhờ sở hữu vị trí địa lý đắc địa, mỗi năm chùa Châu Thới thu hút rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan và lễ chùa.
Chùa Châu Thới sở hữu một vị trí địa lý đắc lợi
1.2 Lịch sử hình thành chùa Châu Thới
Dựa vào các nguồn tài liệu khảo cứu, chùa Châu Thới do Thiền sư Khánh Long thành lập vào năm 1612. Lúc bấy giờ, chùa Châu Thới vẫn còn là một cái am nhỏ và có tên là Hội Sơn Tự. Hơn 300 năm lịch sử, chùa Châu Thới đã trải qua 13 đời trụ trì, để có được diện mạo khang trang như hiện nay chùa đã trải qua hàng chục lần trùng tu. Năm 1930, trùng tu lại nhà thờ Tổ và giảng đường; năm 1971, sử dụng xi măng đắp thành 220 bậc thang leo núi, 220 bậc thang này đến hiện nay vẫn được sử dụng nhằm phục vụ người dân leo núi; năm 1993, trùng tu chánh điện. Những năm gần đây các hạng mục khác như bảo tháp, tượng Phật, rồng chầu… cũng dần được xây dựng và hoàn thành.
Khung cảnh tuyệt đẹp của chùa Châu Thới
Xem thêm: Khám phá Công viên thành phố mới Bình Dương với những trải nghiệm siêu thú vị
Hướng dẫn đường đi đến với chùa Châu Thới
Hướng dẫn đường đến chùa Châu Thới dọc theo tuyến đường Trường Chinh
Chùa Châu Thới cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km về hướng Đông Bắc. Tại thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển xe ô tô, xe máy hoặc xe buýt để di chuyển đến chùa Châu Thới.
Xe ô tô, xe máy: với quãng đường tương đương 30km, nếu bạn di chuyển bằng 2 phương tiện này thì sẽ mất khoảng 60 phút. Đầu tiên, bạn hãy chạy dọc theo đường Trường Chinh đến xa lộ Hà Nội tại Tân Thới Nhất -> đi dọc theo xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1K tầm 25km đến Châu Thới, Bình An, Dĩ An -> Đi tiếp Châu Thới bạn sẽ đến núi Châu Thới tại xã Bình Thắng. Lúc này, bạn sẽ có hai sự lựa chọn: hoặc là leo 220 bậc thang để lên núi Châu Thới, hoặc là chạy thẳng lên một chút sẽ có đường dẫn đến chùa Châu Thới.
Xe buýt: từ bến xe miền Tây, bạn bắt xe 601 để di chuyển đến thành phố Biên Hòa Đồng Nai, thời gian sẽ tầm 60 phút -> bắt xe số 5 đi hướng Biên Hòa Chợ To, tuyến xe này sẽ chạy thẳng đến núi Châu Thới, thời gian dịch chuyển tầm 10 phút.
Quốc lộ 1K, đường đến chùa Châu Thới
Cổng lên chùa Châu Thới. Ảnh: @vernonharvey
220 bậc thang leo lên chùa Châu Thới. Ảnh: @ngocyennhiiii
Những điều đặc biệt chỉ có ở chùa Châu Thới
3.1 Hòn đá trấn yểm chùa Châu Thới
Nếu chọn đi đường bộ, tại bậc thang thứ 170 bạn sẽ bắt gặp một tảng đá lớn ngay giữa lối đi, đặc biệt tảng đá này luôn được khách viếng chùa thắp nhang nghi ngút. Mọi người thường gọi tảng đá ấy bằng cái tên thân thuộc “ông Tà”, vị thần giữ cửa chùa. Những năm 1900, trong quá trình đắp lên 220 bậc thang đi bộ, mọi người đã cùng nhau đào bỏ rất nhiều đá. Tuy nhiên, duy chỉ có “ông Tà” dù làm mọi cách cũng không thể nào đào bỏ được. Lúc bấy giờ, sư trụ trì đã dùng sơn và viết lên đó mấy chữ Hán mang nghĩa là “ Tà Lão Trung Sơn” tức ông Tà giữ núi. Từ đó trở đi mọi người dù là dân địa phương hay khách viếng thăm chùa đều hết lòng cúng bái “ông Tà”.
“Ông Tà” vị thần giữ cửa chùa Châu Thới
3.2 Cổ tự “sát tình yêu”
Tại chùa Châu Thới, người ta đồn tai nhau rằng các cặp đôi yêu nhau không nên cùng nhau đến chùa vì nơi đây là cổ tự “sát tình yêu”. Tuy nhiên, đây vẫn là một tin đồn vô căn cứ vì mỗi ngày có rất nhiều cặp nam nữ đến chùa để cầu duyên, đến hiện tại họ vẫn hạnh phúc và đến viếng chùa vào những dịp đặc biệt.
3.3 Kiến trúc xây dựng độc đáo
Du khách đến với chùa Châu Thới, với độ cao của chùa hoàn toàn có thể nhìn thấy mặt hồ trong xanh, tĩnh lặng kết hợp với những tán cây xanh rợp bóng mát tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp được ví như chốn bồng lai tiên cảnh của Bình Dương. Hiện nay, chùa Châu Thới là một quần thể kiến trúc độc đáo, đa dạng và phong phú bao gồm chánh điện, điện thờ Ngũ Hành Nương Nương, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Thiên Thủ Thiên Nhãn và điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Kiến trúc độc đáo nhất của chùa là phần mái, tại đây những người thợ đã sử dụng từng mảnh sứ đắp lên thành 9 con rồng. Điểm đặc biệt là 9 con rồng nhìn ra 9 hướng khác nhau với mục đích trấn giữ, phong ấn cho chùa.
Một góc chùa Châu Thới
3.4 Tượng Phật
Đến với chùa Châu Thới, khách quan sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những pho tượng Phật lớn, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được các người thợ đúc thủ công bằng đồng hoặc đá cẩm thạch. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ ba pho tượng Phật bằng đá cổ và một tượng Quan Âm được làm bằng gỗ mít có tuổi đời lên đến 100 năm.
Tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa Châu Thới
Những lưu ý dành cho khách viếng thăm chùa
Vì là một điểm tham quan du lịch tâm linh nên khi đến chùa Châu Thới bạn nên lưu tâm những điều như sau:
Cần ăn mặc phù hợp khi đến chùa, không nên ăn mặc quá phản cảm gây mất thuần phong mỹ tục.
Không nên mang, dâng, viếng thức ăn mặn mà chỉ nên lễ đồ chay, hoa quả, bánh trái.
Không nên ngắt hoa, dẫm lên cành cây, ngọn cỏ.
Tránh nói lớn tiếng ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Nếu có nhu cầu chụp ảnh nên xin phép những người có trách nhiệm trong chùa.
Không được mang suy nghĩ trộm, cắp trong chùa.
Cùng với chùa Hội Khánh và chùa Tây Tạng Bình Dương, chùa Châu Thới cũng là một điểm tham quan không thể bỏ qua trong những chuyến du lịch tâm linh Bình Dương. Nếu có một lần đến với Bình Dương, bạn hãy thử dành một chút thời gian ghé qua chùa và tận hưởng những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này. Chắc hẳn rằng những gì mà nơi này mang lại sẽ khiến cho bạn cảm thấy như bản thân đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Cẩm nang du lịch 3vi.vn hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết cho những chuyến du lịch tiếp theo của bạn.