Chùa Tây Tạng Bình Dương là ngôi chùa cổ nổi tiếng với sự linh thiêng bậc nhất tại miền Nam. Đến đây, bạn sẽ được thả hồn trong không khí thanh tịnh theo từng tiếng chuông chùa. Theo chân cẩm nang du lịch 3vi.vn để có thêm một điểm tham quan lý tưởng trong hành trình du lịch Bình Dương nhé.
Giới thiệu về Chùa Tây Tạng Bình Dương
1.1 Chùa Tây Tạng Bình Dương ở đâu?
Địa chỉ: Số 46B đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. (Gần Công viên thành phố mới Bình Dương)
Chùa Tây Tạng Bình Dương được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của Mật Tông Tây Tạng, điểm nhấn là bức tượng Bồ Đề Đạt Ma được tạo nên từ tóc thật của hàng nghìn phật tử. Không gian chùa rất rộng lớn, trồng nhiều cây xanh, đặc biệt là các loại cây cổ thụ nên không khí rất mát mẻ, trong lành. Những năm gần đây, nhờ du lịch tâm linh tại Bình Dương ngày càng phát triển nên chùa Tây Tạng cũng được nhiều người chú ý và ghé đến tham quan hơn. Với những bạn đã từng có dịp ghé đến Chùa Tây Tạng Vũng Tàu thì sẽ nhận ra hai ngôi chùa này có rất nhiều nét tương đồng trong kiến trúc.
Chùa Tây Tạng Bình Dương là điểm đến du lịch tâm linh bạn không nên bỏ lỡ
1.2 Cách di chuyển đến chùa Tây Tạng
Khi đến được trung tâm tỉnh Bình Dương thì bạn có thể lựa chọn di chuyển đến chùa Tây Tạng bằng xe bus, taxi hoặc phương tiện tự lái. Nếu đi xe bus thì bạn chọn một trong hai tuyến là 128 và 56, đi taxi thì bạn nên gọi taxi công nghệ của Grab, Gojek hoặc Be để có giá cước và tuyến đường rõ ràng, tránh tình trạng tài xế cố tình đi đường vòng.
Còn với những bạn di chuyển bằng phương tiện tự lái thì có thể tham khảo tuyến đường qua Google Map hoặc hỏi đường người dân địa phương. Chùa cách trung tâm Bình Dương khoảng 48km, thời gian di chuyển khoảng 1,5 giờ đến 2 giờ chạy xe. Với những bạn đi từ TPHCM thì chỉ cần đi hướng Quốc lộ 13 để đến được trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, từ đây bạn có thể tra cứu đường đi để đến được chùa Tây Tạng.
Xem thêm: Nhà thờ Chánh toà Phú Cường và lối kiến trúc cổ điển đầy ấn tượng
Lịch sử Chùa Tây Tạng Bình Dương
Chùa Tây Tạng Bình Dương được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, khoảng những năm 1928. Ngôi chùa này được khởi công bởi Thiền sư Minh Tịnh. Ban đầu, chùa được đặt tên là Bửu Hương, thuộc phái Bắc Tông. Lúc này, chùa chỉ là một cái am nhỏ thờ Phật và để các vị thiền sư tu luyện. Đến năm 1937, chùa đã được thiền sư Minh Tịnh đổi tên thành chùa Tây Tạng Tự.
Các vị sư trụ trì đang điều hành Chùa Tây Tạng Bình Dương
Đến thời điểm hiện tại, Chùa Tây Tạng Bình Dương đã trải qua các đời trụ trì như sau:
– Minh Tịnh thiền sư là người đã khai sinh ra ngôi chùa Tây Tạng.
– Hòa thượng Thích Tịch Chiếu là trụ trì đời thứ hai của ngôi chùa này.
– Hòa thượng Thích Chơn Hạnh là trụ trì đương nhiệm.
Chùa Tây Tạng Bình Dương có gì đặc biệt chờ bạn khám phá?
3.1 Lối kiến trúc độc đáo của chùa Tây Tạng
Chùa Tây Tạng Bình Dương nổi tiếng ở kiến trúc Bắc Tông đặc trưng, được thiết kế có nhiều nét tương đồng với những ngôi chùa ở đất nước Tây Tạng. Không mang đặc trưng kiến trúc truyền thống Việt Nam, chùa Tây Tạng đem lại cho chúng ta cảm nhận rất khác biệt về đạo Phật từ thuở sơ khai, với những hình ảnh đậm nét Mật Tông huyền bí.
Khu vực chánh điện được thiết kế với rất nhiều hình khối vuông vức, ở giữa đặt một ngọn tháp cùng những tứ giác có chiều cao khoảng 15m. Tầng thượng cũng là nóc chùa, đặt năm bức tượng của năm vị Phật đại diện cho giáo Tây Tạng. Trong đó, tượng của Phật Như Lai có hình dáng rất giống với Phật Mandala trong quan niệm Mật tông.
Các gian thờ phụng bên trong chánh điện chùa Tây Tạng được xây dựng khá hiện đại, không trang trí các loại hoa văn rồng phượng như chùa truyền thống Việt Nam
Càng đi sâu vào bên trong khu vực chánh điện, bạn sẽ càng thấy nhiều sự khác biệt giữa Chùa Tây Tạng Bình Dương với những ngôi chùa truyền thống Việt Nam như Chùa Hội Khánh, Chùa Châu Thới v.v. Giữa điện thờ đặt tượng Phật Thích Ca đang ngồi thiền, tượng có chiều cao khoảng 2,3m, xung quanh đặt tượng chư Phật và Bồ tát. Điều đặc biệt là không gian chùa không trang trí nhiều các họa tiết rồng phượng, lối kiến trúc khá đơn giản, tạo ra cảm giác huyền bí. Vì thế, nếu có cơ hội vãn cảnh chùa Tây Tạng, bạn sẽ có những ấn tượng rất sâu sắc về lối kiến trúc của ngôi chùa này.
Những bức tượng Phật rực rỡ được thờ phụng tại Chùa Tây Tạng Bình Dương
3.2 Ngôi chùa có bức tượng làm bằng tóc lớn nhất Việt Nam
Chùa Tây Tạng Bình Dương đã được kỷ lục Guinness Việt Nam ghi nhận là ngôi chùa có bức tượng làm bằng tóc lớn nhất. Điểm đặc biệt là dù tượng được kết bằng tóc nhưng vẫn mô tả một cách sắc nét và chân thực thần thái của Bồ Đề Đạt Ma. Bức tượng mô tả Bồ Đề Lạt Ma trong tư thế đang gánh đòn trên vai, với một bên là túi càn khôn và bên kia là hòm kinh Lăng Già. Trên đầu Phật đội chiếc nón lá đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Tượng Bồ Đề Lạt Ma được kết từ tóc của hàng nghìn Phật tử
Các chi tiết của tượng Phật được liên kết bằng keo dán nhưng rất chắc chắn. Còn phần khung thì làm bằng vật liệu sắt, bên ngoài tết bằng tóc của hàng ngàn Phật tử. Tổng chiều cao của bức tượng này là 2,38m và chiều ngang là 1,74m. Bức tượng được chế tác vào năm 1982, sau hàng chục năm thu nhận tóc từ những tín đồ Mật Tông.
Những công trình mang màu sắc Mật Tông đậm nét
Bên cạnh việc chiêm ngưỡng bức tượng độc đáo và ấn tượng này, bạn còn có cơ hội lắng nghe rất nhiều những câu chuyện về quá trình xây dựng ngôi Chùa Tây Tạng Bình Dương. Đó là hành trình nhà sư Minh Tịnh khi còn sống là học tập Phật pháp ở Ấn Độ, sau đó trở về để xây dựng nên ngôi chùa nổi tiếng này với khao khát mang những tư tưởng Mật Tông chính thống về Việt Nam. Toàn bộ hành trình của nhà sư Minh Tịnh chiêm bái Phật pháp đã được ghi lại trong cuốn nhật ký của ông và đến hiện nay vẫn được lưu giữ nguyên vẹn trong chùa.
Chùa cũng là nơi tổ chức các lễ lớn như lễ Vu Lan, lễ Phật Đản…
Nếu có dịp ghé thăm chùa Tây Tạng vào dịp lễ tết, bên cạnh vãn cảnh chùa bạn còn có thể tham gia vào các hoạt động lễ hội tưng bừng. Đặc biệt vào ngày 8/1 Âm lịch, chùa sẽ làm lễ cầu bình an và giải hạn, đây là dịp thu hút đông đảo khách thập phương đổ về chùa với mong cầu một năm mới thuận lợi và bình an.
Những lưu ý khi tham quan Chùa Tây Tạng Bình Dương
Trong quá trình tham quan, vãn cảnh Chùa Tây Tạng Bình Dương, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
Vì chùa là không gian Phật giáo linh thiêng nên bạn cần chú ý ăn mặc lịch sự, kín đáo, trang nhã để thể hiện lòng thành kính. Trong quá trình tham quan vãn cảnh, tuyệt đối không đùa giỡn lớn tiếng, không buông những lời khiếm nhã, không ngắt cây bẻ cành gây ảnh hưởng đến cảnh quan. Cùng với đó, bạn cũng không được chạm vào tượng Phật, không ngồi lên các tiểu cảnh trang trí trong khuôn viên chùa.
Hãy thể hiện lòng thành kính và sự tôn trọng tín ngưỡng trong quá trình tham quan chùa Tây Tạng
Với những bạn muốn dâng lễ thì có thể đặt mâm lễ ở khu vực gần cổng chùa. Chi phí cho các mâm lễ khá đa dạng, tùy thuộc vào điều kiện của Phật tử, quan trọng nhất vẫn là lòng thành.
Nếu đến Chùa Tây Tạng Bình Dương vào dịp lễ tết đông đúc, bạn cần chú ý bảo quản tư trang, đặc biệt là ví tiền, điện thoại và trang sức. Do chùa mở cửa tự do nên không tránh khỏi các đối tượng xấu trà trộn nhằm trộm cắp tài sản của khách thập phương.
Gần chùa Tây Tạng là Chùa Hội Khánh cũng rất nổi tiếng tại Bình Dương. Vì thế bạn có thể kết hợp tham quan hai địa điểm này trong chuyến hành trình du lịch tâm linh nhé.
Trên đây là những thông tin về Chùa Tây Tạng Bình Dương mà cẩm nang du lịch 3vi.vn muốn mang đến cho bạn. Chúc bạn có chuyến đi với thật nhiều kỉ niệm đáng nhớ và hiểu hơn về văn hóa tâm linh của người dân Bình Dương nhé.