Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Viếng Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc về vị anh hùng thời kỳ đầu chống Pháp là điều bạn nên làm khi có dịp du lịch Bến Tre. Cùng 3vi.vn điểm qua một số giai thoại người anh hùng dân tộc qua bài viết sau nhé.

Bên cạnh tham quan những làng nghề truyền thống, tìm hiểu về các di tích lịch sử cũng là một điều thú vị trong hành trình khám phá vùng ven thành phố Bến Tre của bạn. Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng với ý nghĩa lịch sử to lớn là nơi bạn không thể bỏ qua khi có dịp ghé đến huyện Giồng Trôm.

Giới thiệu chung về Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng 

1.1 Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng ở đâu?

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nằm trên tỉnh lộ 885 thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ngôi đền là một trong những địa điểm du lịch tâm linh ở Bến Tre được Bộ Văn hóa – Thông tin ký quyết định công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 7 tháng 5 năm 1997.

1.2 Đôi nét về Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng

Nguyễn Ngọc Thăng (1798 – 1866) là một viên võ tướng triều Nguyễn sinh ra tại vùng Mỹ Thạnh nay thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Dưới thời vua Thiệu Trị, Nguyễn Ngọc Thăng tham gia quân đội triều đình được thăng đến chức Lãnh Binh, nên dân gian thường gọi ông là Lãnh binh Thăng. Ông được xem là một trong những thế hệ đầu tiên ở Bến Tre tham gia vào phong trào lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1859 khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm Gia Định, ông đem binh ứng cứu nhưng chưa kịp đến nơi thì thành đã bị chiếm đóng. Do lực lượng và vũ khí của quân Pháp quá mạnh nên chỉ sau một thời gian cầm cự, ông phải rút quân về Gò Công phối hợp chiến đấu cùng nghĩa quân Trương Định. Đến năm 1866, Nguyễn Ngọc Thăng hy sinh trong một trận giao chiến với quân Pháp. Thi hài của ông được các thuộc hạ trung thành đưa về quê hương Mỹ Lồng để an táng. 

Sau khi Nguyễn Ngọc Thăng mất, vua Tự Đức có phong sắc áo mão và một thanh gươm đặt tại ngôi miếu thờ ông ở ấp Giồng Keo. Nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh, những di vật này đã bị hư hỏng và thất lạc. Đến năm 1984, để tưởng nhớ về vị anh hùng dân tộc, người dân địa phương đã mang bài vị Nguyễn Ngọc Thăng về thờ tại đình Mỹ Thạnh. Từ đó, đình Mỹ Thạnh cũng được đổi tên thành Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng cho đến ngày nay. 

Xem thêm: Di tích mộ Võ Trường Toản, viếng thăm người thầy tài cao đức rộng

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng là một số điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện Giồng Trôm. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bến Tre

Hướng dẫn di chuyển đến Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nằm cách trung tâm Thành phố Bến Tre khoảng 7.6 km cho nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến tham quan trong ngày. Từ Vòng xoay An Hội, bạn di chuyển theo đường Nguyễn Đình Chiểu hướng về Khu Lưu Niệm Nguyễn Thị Định, băng qua cầu Chẹt Sấy chừng 1km nữa là đến nơi.

Ngoài ra khi đến huyện Giồng Trôm, bạn có thể ghé Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng nằm ngay trên đường đi để tham quan và mua đặc sản. 

Khám phá Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng có gì đặc sắc?

3.1 Kiến trúc xây dựng Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng có tổng diện tích xây dựng hơn 182 m2, tọa lạc trên khuôn viên rộng khoảng 326 m2. Từ ngoài nhìn vào là cổng đình trên có đề bảng Đền thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng. Giống như các đình làng Bến Tre khác, ngồi đền được xây dựng theo lối kiến trúc Nam Bộ truyền thống với tường sơn vàng, lợp ngói âm dương, trên nóc mái trang trí bằng hình tượng Lưỡng long triều nhật. 

Bước vào cổng chính, bạn sẽ bắt gặp bức bình phong được chạm khắc “Long Mã Hà Đồ” mang ý nghĩa tượng trưng cho khí thế nam nhi anh dũng, gửi gắm ước mơ cuộc sống thanh bình và lạc nghiệp. Đây cũng chính là ước mơ và hoài bão lúc sinh thời của ông. Phía sau tấm phù đồ là bàn thờ Thần Nông được khói hương nghi ngút quanh năm, bên phải ngôi đền là một cây bồ đề cổ thụ rợp mát.

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng gồm có gian chính và gian phụ. Ở giữa chính điện là bàn thờ đặt bài vị và di ảnh Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng được sơn son thếp vàng, chạm khắc hoa văn tinh tế. Hai bên trái phải là bàn thờ tiền hiền và hậu hiền. Xung quanh chính điện còn thờ cúng nhiều vật dụng có giá trị lịch sử văn hóa khác như áo mão, hoành phi, liễn đối, lư hương, chiêng trống… 

Ngoài ra, phía trước cổng còn có đền thờ ghi danh 344 anh hùng liệt sĩ hy sinh thời kháng chiến. Cách Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng chừng 500m là khu vực lăng mộ của ông, được sửa chữa và trùng tu vào năm 2002. Tại đây còn có ngôi mộ của ông Nguyễn Ngọc Hiệp và Nguyễn Ngọc Thành là cháu của Lãnh Binh Thăng, được an táng tại hai bên trái phải mộ ông.

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng được xây dựng theo kiến trúc đình làng Nam Bộ truyền thống

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Khuôn viên rộng rãi, thoáng mát bên trong Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Bình phong chạm khắc “Long Mã Hà Đồ” được đặt chính giữa sân đền

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Phía sau bức phù đồ là bàn thờ Thần Nông 

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Trong Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng được trồng một cây bồ đề cổ thụ che bóng mát

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Bài vị cùng di ảnh của Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng được đặt tại bàn thờ ở chính điện 

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Cách Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng không xa là lăng mộ của ông và 2 người cháu

3.2  Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng trong tâm thức người dân Bến Tre

Lễ giỗ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng được tổ chức vào ngày 15 tháng 5 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo tín đồ du lịch từ nhiều nơi đổ về cúng viếng và tưởng niệm vị anh hùng dân tộc thời kỳ đầu chống Pháp. Trong tâm thức dân gian, Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng không chỉ là người tướng tài mà còn được xem là vị thần bảo vệ cho làng xã. Bởi thế, đền thờ ông còn được người dân xem là ngôi đình thờ Thành hoàng của làng. Ngày nay, tên tuổi Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng được gắn liền với tên những cây cầu, con đường và trường học không chỉ riêng tại Bến Tre mà còn ở nhiều tỉnh thành khác.

Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng nơi tri ân vị anh hùng xứ dừa

Lễ giỗ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng vào ngày 15 tháng 5 âm lịch hằng năm thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng

Với những ý nghĩa lịch sử to lớn, Đền Thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng là địa điểm bạn không thể bỏ qua trong hành trình du lịch tâm linh của mình. Hy vọng với những thông tin mà cẩm nang du lịch 3vi.vn vừa chia sẻ, bạn sẽ có thêm một gợi ý thú vị bổ sung cho lịch trình khám phá Bến Tre sắp đến. Chúc bạn có những trải nghiệm ở Bến Tre vui vẻ bên gia đình và bạn bè nhé.

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.