Đình làng Bến Tre không chỉ mang ý nghĩa về mặt lịch sử, công trình kiến trúc mà còn là một kho tàng chứa đựng giá trị văn hóa và tín ngưỡng người dân địa phương. Trong hành trình du lịch Bến Tre, những ngôi đình cổ xưa ẩn chứa bao giai thoại bên trong chắc chắn là điểm đến mà bạn không nên bỏ lỡ.
6 đình làng Bến Tre nổi tiếng bậc nhất vùng Nam Bộ
1.1 Đình Phú Lễ – Một trong những ngôi đình làng Bến Tre tiêu biểu
Nói đến đình làng Bến Tre có kiến trúc độc đáo thì nhất định không thể bỏ qua đình Phú Lễ ở ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Mặc dù đã dần xuống cấp do trải qua sự tàn phá của chiến tranh và thời gian nhưng ngôi đình này vẫn còn một số phần kiến trúc giữ được dáng vẻ bề thế khi xưa. Đình bao gồm 10 gian, trong đó 6 gian chính xây liền với mái và 4 gian phụ sắp xếp theo lối “chữ Đinh”. Trong đình đặt 6 bàn hương án, tất cả đều sơn son thếp vàng và chạm khắc hình tượng tứ linh rất tinh xảo phỏng theo mô típ của các đình chùa cổ Việt Nam.
Đình Phú Lễ là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của bà con quanh vùng, là nơi dân làng gửi gắm niềm mong ước của mình vào các vị thần phò trợ xóm làng (Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh). Bên cạnh đó, những vị Tiền hiền, Hậu hiền có công lao khai đất, lập làng cũng được mọi người đưa vào đình để thờ phụng. Điểm đặc biệt của đình Phú Lễ là vào dịp Tết hoặc lễ hội Kỳ Yên Bến Tre, ngay phía trước sân sẽ tổ chức biểu diễn hát bội rất hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân bản xứ và khách thập phương. Ngoài ra, vào ngày 9 và ngày 10 tháng 11 âm lịch, đình còn tổ chức lễ cầu bông để cầu nguyện cho một mùa màng bội thu.
Xem thêm: Chiêm ngưỡng cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự hàng trăm năm tuổi
Đình Phú Lễ là một trong những ngôi đình làng Bến Tre có kiến trúc đẹp và độc đáo bậc nhất
1.2 Đình Tiên Thủy
Đình Tiên Thủy là một trong những ngôi đình làng Bến Tre được hình thành từ rất sớm vào khoảng năm 1778. Trước kia, nơi này chỉ được lợp bằng cây lá đơn sơ và mãi cho đến năm 1917, đình mới được trùng tu lại với quy mô lớn và kiến trúc độc đáo. Các gian bên trong đình Tiên Thủy đều được xây dựng phỏng theo kiểu tứ trụ (ngoại trừ gian Võ quy) – Một kiểu kiến trúc truyền thống của các đình làng ở vùng Nam Bộ. Toàn bộ ngôi đình bao gồm gian Võ ca, Võ quy, Chính điện được xây nối tiếp nhau và ở phía sau là nhà bếp, nhà chỉnh y và nhà tiệc. Trên nóc đình còn có một ngôi tháp trang trí hoa văn tinh xảo, hai góc tháp đắp nổi họa tiết đầu rồng và phần mái được lợp ngói âm dương.
Đình Tiên Thủy có một điểm khác biệt so với những đình làng khác ở xứ dừa Bến Tre đó là nơi đây được vua Tự Đức phong đến 7 sắc thần. Tuy nhiên, có 3 sắc thần đã được đình Tiên Long (huyện Châu Thành) thỉnh về nên hiện nay ở đình Tiên Thủy đang thờ phụng 4 sắc thần là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Thành Hoàng Bổn Cảnh, Cao Các Quảng Độ tôn thần và Đại Càn Quốc Gia Nam Hải. Hằng năm, đình Tiên Thủy cũng tổ chức các lễ cúng thần đặc sắc như lễ Khai sơn, lễ cúng Quan Thánh (Quan Công), lễ Kỳ Yên Hạ điền, lễ Kỳ Yên Thượng điền…
Đình Tiên Thủy là một trong những ngôi đình cổ được hình thành sớm nhất ở Bến Tre
1.3 Đình Bình Hòa
Đình Bình Hòa nằm trong khu đất giồng tại ấp Bình Minh, làng Bình Hòa, nay là địa phận huyện Giồng Trôm và cách trung tâm thành phố Bến Tre tầm 16km. Đây là ngôi đình cổ nhất trên cù lao Bảo và được xếp trong top 20 ngôi đình làng Bến Tre lớn và đẹp nhất. Phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của đình Bình Hòa được đánh giá là vô cùng cầu kỳ và độc đáo. Ngôi đình được xây dựng chủ yếu bằng gỗ tứ thiết với các điểm nhấn là những đường nét chạm trổ tinh xảo trên các bức xuyên, trính, hoành phi… ở gian Chánh đường và Thính đường.
Theo những tài liệu cổ, đình Bình Hòa được xây dựng vào khoảng thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XIX, tính đến hiện tại đã gần 200 năm tuổi. Qua biết bao thử thách của thời gian cùng sự phá hoại của mưa bom bão đạn trong suốt hơn 30 năm, ngôi đình này vẫn luôn đứng vững cho đến tận ngày nay. Đình Bình Hòa hiện còn lưu giữ hơn 100 hiện vật bằng gỗ điêu khắc tinh vi, sắc sảo, bao gồm các bức hoành phi, liễn đối, phù điêu, bao lam, hương án, đồ lễ bộ…
Một góc đình cổ Bình Hòa với những đường nét chạm trổ cực kỳ tinh xảo
1.4 Đình Tân Thạch
Đình Tân Thạch một địa điểm du lịch tâm linh ở Bến Tre đặc sắc trong quần thể di tích đình chùa xứ dừa. Ngôi đình làng Bến Tre này tọa lạc tại địa phận xã Tân Thạch, huyện Châu Thành và được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là công trình kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đình được xây dựng vào năm 1841 với cấu trúc hình chữ Tam, gồm ba gian chính là Võ ca, Võ quy và Chánh điện nối tiếp nhau. Mái đình được lợp ngói âm dương, trang trí hình tượng lưỡng long tranh châu, bát tiên và ngư hóa long cực kỳ bắt mắt. Hệ thống cột đình được làm hoàn toàn bằng gỗ lim quý hiếm, nền lót gạch tàu còn các thân kèo, đòn tay thì được nối với nhau bằng kỹ thuật mộng chốt rất độc đáo.
Sự đặc biệt của đình Tân Thạch là nhận được 6 đạo sắc phong thần của nhà Nguyễn (4 đạo thời Thiệu Trị ngũ niên, 2 đạo thời Tự Đức tam niên) và những sắc phong vẫn được cất giữ hết sức kỹ lưỡng cho đến tận ngày nay. Đình Tân Thạch hiện vẫn còn lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ có giá trị như 4 bộ lư mắt tre, 7 lư trầm bằng đồng thau, 13 bức hoành phi được chạm nổi độc đáo, 13 bao lam thành vọng bằng gỗ… Các hiện vật này mặc dù niên đại khác nhau do đình đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng tất cả đều được chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng cực kỳ lộng lẫy, thể hiện rõ tài năng của những nghệ nhân thời bấy giờ.
Các bức hoành phi, liễn áp tại đình Tân Thạch đều được sơn son thếp vàng và chạm trổ hết sức công phu
1.5 Đình Long Phụng
Đình Long Phụng nằm ở ấp Long Hòa 2 thuộc xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Theo lời người dân bản địa kể lại, đình được xây dựng vào năm 1833 ở vị trí khác và lúc bấy giờ chỉ được lợp lá đơn sơ. Mãi đến cuối năm 1913, đình Long Phụng mới được di dời về địa điểm hiện tại và trùng tu lại với quy mô lớn và khang trang như ngày nay.
Đây là ngôi đình làng Bến Tre có lối kiến trúc phỏng theo hình chữ Đinh cổ truyền với vách tường bằng gạch, mái ngói âm dương, các cột, kèo bằng gỗ giáng hương, nền lát gạch tàu và ba gian Võ ca, Võ quy cùng Chính điện đều được xây dựng liền nhau. Hiện nay, đình còn lưu giữ 2 sắc phong thần Thành Hoàng Bổn cảnh và Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần do vua Tự Đức phong tặng.
Vẻ đẹp cổ xưa của đình Long Phụng
1.6 Đình Long Thạnh
Đình Long Thạnh tọa lạc tại xã Long Định thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre với tổng diện tích khoảng 2.580m2. Ngôi đình làng Bến Tre này đã trải qua nhiều đợt tôn tạo, xây sửa lại những hạng mục như cổng, bức bình phong, miếu Thổ thần, miếu Ngũ hành và các gian Võ ca, Võ quy, Tiền điện, Chánh điện, nhà khách, nhà Tiên sư. Kiến trúc chung của đình là kết cấu ba gian – hai chái với vách, cột, kèo bằng gỗ, nền lát gạch tàu, mái lợp ngói vảy cá và ngói âm dương.
Hiện nay, đình Long Thạnh còn lưu giữ các hiện vật điêu khắc gỗ đã có niên đại lên đến hàng trăm năm, tiêu biểu như 4 cuốn thư, 1 long đình, 2 cặp long trụ, 10 bức hoành phi, 4 đôi liễn áp cột, 6 sắc phong thần, 5 khánh thờ, 6 hương án… Trong đó, các bức hoành phi, câu đối, liễn áp, khánh thờ, long đình, long trụ… đều được sơn son thếp vàng và trang trí cực kỳ công phu, sắc sảo.
Đình Long Thạnh nằm giữa khuôn viên rộng lớn và yên bình
Một số lưu ý khi tham quan đình làng Bến Tre
– Vì đây là những điểm đến tâm linh vô cùng trang nghiêm nên bạn cần mặc trang phục kín đáo, lịch sự và chú ý đi nhẹ, nói khẽ.
– Không nên tự ý chạm vào các hiện vật cổ được lưu giữ bên trong đình.
– Tuân thủ các quy định khi viếng thăm đình làng Bến Tre để giữ gìn mỹ quan cũng như bảo tồn giá trị di tích.
Đình làng Bến Tre không chỉ là một nét đặc trưng văn hóa lâu đời mà còn là nơi duy trì, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cha ông ta và thể hiện niềm mong ước tốt đẹp của người dân xứ dừa từ ngàn đời nay. Đừng quên lưu lại vào cẩm nang du lịch và nếu có dịp về thăm Bến Tre thì hãy một lần ghé qua vãn cảnh những ngôi đình đặc sắc này bạn nhé.