Chùa Hội Khánh là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất của Bình Dương. Đến đây, bạn vừa có thể vãn cảnh dâng hương, vừa có thể tìm hiểu về lối kiến trúc chùa cổ Việt Nam. Theo chân 3vi.vn để có thêm một địa điểm lý tưởng trong hành trình du lịch Bình Dương nhé.
Giới thiệu về Chùa Hội Khánh
1.1 Chùa Hội Khánh ở đâu?
Địa chỉ: Số 35 đường Yersin, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương (Gần với Nhà thờ Chánh toà Phú Cường)
Giờ đón khách tham quan chùa: 04:30 – 21:00
Chùa Hội Khánh có quy mô rất lớn, nên ngay từ xa là bạn đã có thể nhìn thấy rất rõ ngôi chùa này. Chùa chỉ cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một 500m nên khá dễ tìm, đường đi cũng tương đối thuận lợi. Chùa cách trung tâm TP.HCM khoảng 25km, bạn chỉ cần đi thẳng hướng Quốc lộ 13, đến cầu Bình Phước tiếp tục đi theo hướng Đại lộ Bình Dương. Lên đến khu vực trung tâm thành phố, bạn hỏi người dân địa phương vị trí Chùa Hội Khánh thì ai cũng biết.
Chùa Hội Khánh có khuôn viên khá rộng, bao gồm nhiều công trình lớn nhỏ
1.2 Di chuyển đến Chùa Hội Khánh bằng phương tiện nào?
Vì Chùa Hội Khánh ở ngay khu vực trung tâm nên đường sá đều rất bằng phẳng, thuận lợi. Do đó, dù đi bằng phương tiện nào, bạn cũng có thể dễ dàng di chuyển đến đây:
Nếu muốn tiết kiệm chi phí thì xe bus sẽ là phương tiện khá lý tưởng. Tuyến xe buýt số 613 từ An Sương về Thủ Dầu Một sẽ đi ngang qua chùa, bạn có thể tra cứu các điểm dừng của xe 613 để thuận tiện bắt xe. Tuy nhiên khi lên xe bus bạn chú ý bảo quản tư trang vì hiện nay kẻ gian móc túi là tình trạng rất nhức nhối.
Cổng chùa Hội Khánh nhuốm màu thời gian
Tiếp theo bạn có thể chọn đi xe máy hoặc taxi. Đi xe máy bạn chỉ cần chú ý đảm bảo an toàn, đi đúng luật vì trên tuyến đường này có rất nhiều chốt cảnh sát giao thông. Còn nếu đi taxi thì bạn nên chọn đặt xe trên các app công nghệ để có tuyến đường và cước phí rõ ràng, tránh tình trạng tài xế cố tình đi đường vòng.
1.3 Lịch sử hình thành Chùa Hội Khánh
Chùa Hội Khánh cùng Chùa Tây Tạng Bình Dương là hai ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời. Chùa được xây dựng vào năm 1741 trên một ngọn đồi cao, bởi thiền sư Đại Ngàn. Đến năm 1861, do thực dân Pháp bắn phá Việt Nam nên ngôi chùa đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Đến năm 1868, chùa đã được xây dựng lại bởi hòa thượng Thích Chánh Đắc ở vị trí dưới chân đồi. Quá trình xây dựng chùa đã trải qua khá nhiều biến cố, đến cuối cùng tạo nên một công trình Phật giáo với quy mô lớn cùng lối kiến trúc đặc trưng.
Cổng chùa được trang trí rất cầu kỳ, tỉ mỉ, từng chi tiết đều mang đậm lối kiến trúc chùa cổ Việt Nam
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, rất nhiều các vị hòa thượng tại chùa Hội Khánh đã đứng lên dẫn đầu các phong trào yêu nước, sẵn sàng chiến đấu chống giặc. Hòa thượng Từ Tâm là tấm gương yêu nước tiêu biểu, đã bị thực dân Pháp bắt và đày vào nhà tù Côn Đảo. Ngoài ra, Chùa Hội Khánh cũng là nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng của những nhà Nho yêu nước lúc bấy giờ. Giai đoạn 1923 – 1926, nơi đây chính là trụ sở của “Hội danh dự”, có sự tham gia của cụ Nguyễn Sinh Sắc – là thân sinh Bác Hồ. Vượt qua những năm tháng bị chiến tranh tàn phá, Chùa Hội Khánh đã nhiều lần được cải tạo và nâng cấp nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của một ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi.
Chùa Hội Khánh đã nhiều lần được tôn tạo để khang trang và kiên cố hơn
Đến hiện tại, chùa Hội Khánh đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh rất nổi tiếng, góp phần phát triển du lịch Bình Dương. Năm 1993, ngôi chùa này đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Hằng năm, chùa cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội lớn như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan thu hút rất đông đảo khách thập phương về dâng hương, vãn cảnh, dâng lễ.
Xem thêm: Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu rộn ràng khắp mọi nẻo đường Bình Dương
Khám phá kiến trúc độc đáo tại Chùa Hội Khánh
2.1 Tổng quan kiến trúc ngôi chùa
Chùa Hội Khánh được bao quanh bởi cổng tam quan điêu khắc rồng phượng rất tỉ mỉ, mang giá trị văn hóa lâu đời. Khi bước vào chùa, bạn sẽ cảm nhận không gian rất đỗi bình yên và tĩnh lặng. Mỗi công trình tại chùa đều mang ý nghĩa riêng, thể hiện tinh thần của đạo Phật và nghệ thuật lâu đời của nước nhà.
Từ bên ngoài, bạn đã thấy Chùa Hội Khánh hiện lên với sự thanh tịnh, linh thiêng
Chùa Hội Khánh là nơi lưu giữ những câu thơ, văn đối thể hiện tinh thần vị nhân sinh của Phật giáo. Ngay trước chánh điện treo 2 câu liễn: “Nhược thực nhược hư trúc ảnh tảo giai trần bất động/ Thị không thị sắc nguyệt xuyên hải để thuỷ vô ngân” hướng chúng ta đến cuộc sống thanh tịnh, thiện lương, bỏ lại phía sau những ham muốn phàm tục. Bên cạnh đó, ngôi chùa này còn lưu giữ rất nhiều bảng kinh Phật mang ý nghĩa sâu sắc như bộ kinh A Di đà, bộ Vu lan, bộ Phổ môn v.v. Trong đó có nhiều bộ kinh có tuổi đời hơn 100 năm tuổi nhưng vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.
Bức tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn khổng lồ tại chùa Hội Khánh
Đặc biệt, chùa Hội Khánh Bình Dương được biết đến với Phật đài cao tới 22m. Tầng trệt là một dãy nhà dài 64m, rộng 23m là nơi dạy Trung cấp Phật học và đặt thư viện. Tầng trên đặt đại tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn trong tư thế nằm, cao 12m và dài 52m, khá giống với tượng Phật nằm tại Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang. Đây là công trình đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung, đã được ghi nhận là “Tượng Phật nhập Niết bàn nằm trên mái chùa dài nhất tại Châu Á”.
2.2 Các công trình trong khuôn viên Chùa Hội Khánh
Chùa Hội Khánh bao gồm 4 công trình kiến trúc cơ bản bao gồm:
– Câu Thị Na: Là nơi Đức Phật nhập niết bàn.
– Vườn Lộc Uyển: Là nơi Đức Phật giảng kinh pháp luân.
– Vườn Lâm Tỳ Ni: Là nơi Đức Phật cứu độ chúng sinh
– Bồ Đề Đạo Tràng: Là nơi Đức Phật tu thành chánh quả.
Ở sân chùa còn có tòa tháp cao 9 tầng đại diện cho 9 vị trụ trì Chùa Hội Khánh đã mất. Ngọn tháp này được xây dựng lên để thể hiện lòng thành kính và biết ơn với những vị sư thầy đã có công giữ gìn và phát triển ngôi chùa này.
2.3 Kiến trúc bên trong các điện thờ
Khi bước vào không gian bên trong điện thờ, bạn sẽ bất ngờ với lối kiến trúc Phật giáo đặc trưng và thể hiện văn hóa lâu đời của Việt Nam:
Chánh điện Chùa Hội Khánh được xây dựng từ tất cả các loại gỗ quý hiếm, 3 bộ cửa thiết kế theo lối màn che truyền thống. Bên trong chánh điện đặt 100 bức tượng điêu khắc từ gỗ mít, bên ngoài sơn son thép vàng. Nổi bật nhất phải kể đến là 2 bức phù điêu khắc hình 18 vị La Hán cùng các vị Bồ Tát. Những bức tượng và phù điêu này mang giá trị nghệ thuật lâu đời cũng như phản ánh đức tin tín ngưỡng của các thế hệ cha ông ta.
Bên trong điện thờ là lối kiến trúc truyền thống, không khí rất tĩnh mịch
Giảng đường: Khuôn viên giảng đường được xây dựng với 92 cây cột từ các loại gỗ quý, là không gian giảng đạo và tổ chức nhiều nghi lễ quan trọng.
Đông lang và Tây lang: Là hai gian điện thờ hai bên, được xây dựng theo lối “trùng thềm, trùng lương” đặc trưng của kiến trúc đền chùa thế kỷ 18.
Những lưu ý khi đến Chùa Hội Khánh
Vì chùa là không gian tâm linh linh thiêng nên khi đến đây bạn cần chọn trang phục lịch sự, kín đáo. Không gian tại đây rất yên tĩnh nên bạn hãy có ý thức hạn chế làm ồn, không đùa giỡn lớn tiếng, không gây huyên náo, đặc biệt không nói năng khiếm nhã gây ảnh hưởng đến mọi người.
Trong quá trình tham quan, bạn không sờ tay vào các bức tượng, không ngắt cây bẻ cành, không ngồi lên những tiểu cảnh trang trí trong khuôn viên chùa. Chùa Hội Khánh có bãi giữ xe riêng nên bạn hãy gửi xe ở đây, không nên gửi ở những bãi tự phát xung quanh để tránh bị chặt chém hoặc những tình huống mất xe đáng tiếc. Đặc biệt, trong những dịp lễ tết, chùa Hội Khánh rất đông khách thập phương đổ về. Vì vậy bạn cần giữ gìn tư trang thật cẩn thận để tránh bị kẻ xấu lợi dụng trộm cắp, móc túi.
Trên đây là những thông tin về Chùa Hội Khánh mà cẩm nang du lịch 3vi.vn đã tổng hợp được. Chúc bạn có chuyến đi với thật nhiều niềm vui và những kỉ niệm đáng nhớ nhé.