Làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà là một điểm đến rất thú vị và mới mẻ dành cho các bạn trẻ đam mê khám phá. Đến du lịch An Giang, bạn không nên bỏ qua cơ hội tham quan làng nghề truyền thống này nha.
Vùng đất xứ Bảy Núi An Giang vốn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc như khu du lịch núi Sam Châu Đốc, chùa Long Sơn Núi Sam hay thánh Đường Hồi giáo JAMIUL AZHAR MOSQUE… Đặc biệt hơn, đây còn là nơi hội tụ nhiều làng nghề truyền thống có vẻ đẹp bình dị, dân dã và mang đậm văn hóa của vùng đất miền Tây sông nước. Làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà là một trong những địa điểm mà bạn nhất định phải ghé thăm khi có cơ hội đến Long Xuyên – An Giang chơi.
Tổng quan về làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà
1.1 Giới thiệu làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà
Địa chỉ: Phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Nằm nép mình bên dòng kênh Long Xuyên – Núi Sập, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa được biết đến rộng rãi thông qua các sản phẩm lưỡi câu đủ loại. Từ miệt đồng đến miền biển, thương hiệu Mương Thợ Thi luôn có mặt tại các hội chợ, triển lãm lớn nhỏ không chỉ tại An Giang mà còn ở các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang, làng nghề đặc biệt này ở Mỹ Hòa cũng được xem là điểm tham quan thú vị và mới mẻ của du lịch xứ Bảy Núi.
1.2 Lịch sử phát triển
Xuất hiện đã được hơn 50 năm, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa đã tạo ra nhiều công việc bán thời vụ ổn định cho người dân sinh sống xung quanh khu vực này. Điều đặc biệt là từ trẻ nhỏ 10 tuổi đến cụ già 70 tuổi đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất. Vào khoảng cuối tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, khi bước vào mùa nước nổi, bạn sẽ có cơ hội bắt gặp một khung cảnh cực kỳ nhộn nhịp. Bạn sẽ được trải nghiệm không khí làm việc tất bật với tiếng máy chạy ro ro, tiếng búa gõ nện đều đặn và tiếng cười nói rộn ràng từ xóm trên đến tận xóm dưới. Ngay cả khi đêm đến, nhà nhà vẫn còn sáng đèn, dường như người dân ở đây không muốn bỏ lỡ bất cứ giây phút nào để tiếp tục công việc còn dang dở. Theo lời kể của thổ địa An Giang, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa hầu như đều thức hẳn cùng với mùa nước nổi.
Làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà ở An Giang
Xem thêm: Đến Làng Chăm Đa Phước trải nghiệm nhịp sống mang đậm bản sắc dân tộc
Khám phá làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà
2.1 Công đoạn thực hiện kỳ công và tốn sức
Nguyên liệu để làm lưỡi câu là thép từ những sợi cáp phế thải, ngày nay thì người ta dùng luôn cả inox. Để làm ra thành phẩm một chiếc lưỡi câu hoàn chỉnh, quy trình sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn khá công phu. Từ những bước đầu tiên là cán thẳng dây, chặt khúc, dập ngạnh, mài lưỡi, sửa mũi, vô khuôn, uốn lưỡi, cắt 2 ngạnh, dập đít cho đến trui cho lưỡi cứng, xóc bóng, tóm câu rồi đến khâu đóng gói. Hiện nay, gần như 80% các công đoạn đã được chuyển qua làm bằng máy nhưng việc chỉnh lưỡi câu bắt buộc phải làm thủ công. Nhờ sự hỗ trợ của chiếc đe gỗ, người thợ sẽ tiến hành mài giũa chỉnh mũi.
Nghề làm lưỡi câu không quá khó khăn nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn vì người thợ phải “ngồi thiền” cả một ngày dài. Thông thường, mỗi người thợ chỉ tham gia vào một công đoạn sản xuất nhất định nên sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng nhàm chán, mất đi cảm hứng làm việc. Hiện nay, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà có 186 hộ chuyên sản xuất lưỡi câu theo hình thức cha truyền con nối. Trung bình mỗi hộ sẽ thuê thêm từ 3 đến 5 người làm công, hoạt động gần như hầu hết mọi thời gian trong năm nhưng vào mùa nước nổi thì số lượng nhân công làm việc thường lên đến con số hơn nghìn người. Tùy theo công đoạn mà người thợ sẽ kiếm được những mức thu nhập khác nhau, dù không tính là cao nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định. Vì thế, nghề làm lưỡi câu vẫn thu hút được nhiều người lao động tham gia và gắn bó lâu dài.
Nghề làm lưỡi câu có khá nhiều công đoạn công phu
Đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn của người thợ
Làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân
2.2 Thành phẩm chất lượng của làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà
Lưỡi câu của Mỹ Hòa nổi tiếng với chất lượng sắc bén, độ bền cao và nhiều kích cỡ đa dạng. Đặc biệt, nơi đây có khoảng 50 chủng loại, gồm lưỡi câu đúc, câu phược, câu kiều, câu phi, ngoài ra còn phải kể đến câu tôm, câu rắn, câu ếch… Các sản phẩm của làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà đáp ứng tốt nhu cầu đánh bắt cá khi ra đồng, trên sông và cả ngoài biển, giá thành lại rất hợp lý nên được nhiều người ưa chuộng, tin tưởng và lựa chọn. Không chỉ xuất hiện ở các khu vực trong nước như đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa còn được xuất khẩu và buôn bán ở Campuchia, Lào tại các kỳ hội chợ, triển lãm danh tiếng. Nhiều thương lái đến từ Campuchia còn qua tới tận nơi để đặt hàng, sau đó cung ứng lại cho ngư dân Malaysia.
Cũng giống như làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh, xóm lưỡi câu Mỹ Hòa đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống vào năm 2007. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế thành phố Long Xuyên cũng thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện để bà con vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Lưỡi câu có nhiều kích cỡ và chủng loại đa dạng
Nơi đây được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống vào năm 2007
Tìm hiểu về làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà ở Long Xuyên. Video: Youtube/Lang Thang An Giang
Vậy là 3vi.vn vừa giới thiệu cho bạn thêm một điểm tham quan mang đậm nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân sinh sống ở vùng đất Long Xuyên – An Giang mang tên làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà. Đây hứa hẹn sẽ là chốn dừng chân mang đến những trải nghiệm và cái nhìn mới mẻ, đặc sắc cho các tín đồ đam mê khám phá đó đây. Hãy lưu ngay vào cẩm nang du lịch của mình và vi vu đến xứ Bảy Núi ngay nào bạn ơi!