Lễ hội Kỳ yên đình Tân An, tín ngưỡng truyền thống của người dân Nam Bộ

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An là không gian sinh hoạt văn hóa thiêng liêng của người dân vùng Nam bộ. Hằng năm, dân bản xứ và khách du lịch Bình Dương đều đổ về đây để tận hưởng bầu không khí náo nhiệt của lễ hội. Cùng 3vi.vn điểm qua những nét thú vị của lễ hội đặc sắc này qua bài viết dưới đây nhé!

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An là một trong những lễ hội đặc sắc mà bạn nên lưu ngay vào cẩm nang du lịch của mình để có thêm những trải nghiệm thú vị. Cũng giống như lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu và các lễ hội truyền thống khác tại Bình Dương, lễ hội Kỳ yên đình Tân An thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu cũng như đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Hằng năm, lễ hội được đông đảo dân bản xứ và du khách thập phương ghé đến để khám phá những hoạt động văn hóa độc đáo và hiểu thêm về tín ngưỡng thiêng liêng của người dân vùng Nam Bộ.

Sự ra đời của lễ hội Kỳ yên đình Tân An

1.1 Nguồn gốc hình thành lễ hội – Câu chuyện xuất phát từ ngôi đình cổ

Đình Tân An (hay còn được gọi là đình Bến Thế) ra đời song song với quá trình khai hoang, mở đất, lập làng của cộng đồng người Việt trên mảnh đất này vào khoảng những năm đầu thế kỷ XIX. Lúc đầu, đây chỉ là ngôi miếu có tên Tương An, là nơi thờ tự của bốn xã thuộc huyện Bình An xưa, bao gồm xã Tương Hiệp, xã Tương An, xã Tương Hòa và xã Cầu Định. Dần dần sau đó, các xã Tương Hiệp, Tương Hòa và Cầu Định lần lượt xây dựng đình thờ của mình nên Tương An miếu trở thành ngôi đình riêng của xã Tương An (nay là phường Tân An). Hằng năm, nơi đây tổ chức lễ hội Kỳ yên đình Tân An như một minh chứng lịch sử của quá trình mở cõi về phương Nam, khai hoang lập ấp của cư dân bản địa.

Xem thêm: Lễ hội Miếu Ông Bổn và văn hóa đặc trưng của người Hoa tại Bình Dương

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An, tín ngưỡng truyền thống của người dân Nam Bộ

Đình Tân An – ngôi đình cổ xưa ra đời cùng với quá trình khai hoang, lập ấp của người Việt cổ

1.2 Ý nghĩa của lễ hội Kỳ yên đình Tân An

Đình Tân An thờ Quận công Nguyễn Văn Thành. Giống như các đình làng khác ở Nam Bộ, lễ hội Kỳ yên đình Tân An diễn ra hàng năm nhằm mục đích tưởng nhớ các bậc tiền bối đi trước đã có công khai phá đất đai, lập nên xóm làng, những anh hùng có công với đất nước trong việc mở mang bờ cõi và để cầu cho đất nước bình an, mưa thuận gió hòa.

Lễ hội không chỉ là hoạt động thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Tham gia lễ hội thể hiện tính kết nối  cộng đồng, phản ánh tính cách của người dân Nam Bộ và tính tự chủ của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, lễ hội Kỳ yên đình Tân An còn là cách để người dân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị Thần đã bảo vệ, phù hộ cho xóm làng, tri ân các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền và các anh linh liệt sĩ có công bảo vệ quê hương, đất nước.

Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội

Lễ hội được tổ chức tại đình Tân An (đình Bến Thế) thuộc khu phố 1, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Lễ hội Kỳ yên đình Tân An diễn ra vào tháng 11 âm lịch hằng năm. Vào các năm Sửu, Dần, Thìn, Tỵ, Mùi, Thân, Tuất, Hợi, đình Tân An sẽ tổ chức lễ hội với quy mô nhỏ (chỉ trong 1 ngày). Cứ 3 năm đáo lệ, các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu sẽ tổ chức quy mô lớn (3 ngày, từ ngày 14 – 16 tháng 11 âm lịch) và có đoàn hát Bội biểu diễn.

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An, tín ngưỡng truyền thống của người dân Nam Bộ

Không gian linh thiêng bên trong đình Tân An – nơi diễn ra lễ hội Kỳ yên đình Tân An

Những nét đặc sắc của lễ hội Kỳ yên đình Tân An

Khác biệt hẳn so với lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín, lễ hội Kỳ yên đình Tân An sở hữu một bầu không khí thiêng liêng mang đậm nét văn hóa tâm linh với rất nhiều nghi lễ truyền thống.

3.1 Trải nghiệm các nghi lễ linh thiêng trong ngày đầu tiên của lễ hội Kỳ yên đình Tân An 

Buổi sáng

Sáng ngày 14 tháng 11 âm lịch – ngày đầu tiên trong 3 ngày diễn ra lễ hội Kỳ yên đình Tân An sẽ tổ chức các nghi lễ trang nghiêm bao gồm lễ Thỉnh sắc, lễ cúng an vị và lễ Rước tổ hát Bội vào đình. Ngày thường, sắc phong được cất giữ tại nhà cổ của ông Nguyễn Tri Quan (thuộc dòng dõi Tiền Hiền). Đến lễ hội Kỳ yên, sắc phong sẽ được rước về đình an vị bằng nghi thức dâng hương, rượu do Ban quý tế thực hiện. 

Tiếp đó là lễ cúng an vị. Lễ vật gồm có một con heo đã mổ thịt và làm sạch, đặt nguyên con ở trên ván son phía trước bàn thờ Thần. Ngay sau lễ cúng an vị là nghi lễ Rước Tổ hát Bội vào đình. Vì hoạt động hát Bội biểu diễn trong lễ hội Kỳ yên mang ý nghĩa cúng Thần do đó phải xin phép Thần. Sau khi thực hiện xong nghi thức xin phép Thần thì đoàn hát Bội mới được vào đình.

Buổi chiều

Sau khi kết thúc các nghi lễ buổi sáng là thời gian bắt đầu lễ Thỉnh sanh (hay còn gọi là Tỉnh sanh) để xin phép Thần cho dân làng được yết vật tế cúng trong nghi thức Túc yết. Vật tế là một con lợn đực còn sống, màu đen tuyền, mập mạp, khỏe mạnh và không có dị tật, được người dân địa phương gọi là “Con sanh”. 

Buổi tối

Buổi tối sẽ diễn ra Lễ Túc yết với ý nghĩa mời Thần về dự lễ (nghinh Thần cúc cung bái) và dâng lễ vật lên Thần, cầu chúc Thần “thánh thọ vô cương”, mong Thần tiếp tục ban nhiều phước lộc cho bá tánh, nhân dân, cầu no đủ. Lễ vật trong nghi thức Túc yết là con lợn được làm trong lễ Thỉnh sanh, trên lưng cắm một con dao và sáu chung mao, huyết được đặt trên bàn thờ Thần cùng với hương, đăng, trà, quả bày sẵn trước đó.

Tiếp đến là lễ Xây chầu được chia thành hai phần gồm Thỉnh chầu và Xây chầu. Đứng lễ Xây chầu phải là người cao niên trong làng có lối sống mẫu mực và con cháu đề huề. Ngay sau đó sẽ tiến hành lễ Đại bội do đoàn hát Bội đảm nhiệm. Hát Bội trong cúng đình không chỉ là hoạt động văn nghệ giúp vui mà cái chính là để thực hiện nghi lễ dâng Thần. Vì vậy, hát Bội phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt những quy phạm mang tính chính thống. Lễ Đại bội cũng là nghi lễ kết thúc ngày thứ nhất của lễ hội Kỳ yên đình Tân An.

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An, tín ngưỡng truyền thống của người dân Nam Bộ

Mở đầu lễ hội Kỳ yên đình Tân An là các nghi lễ đầy trang nghiêm

3.2 Ngày thứ hai của lễ hội Kỳ yên – Tưởng nhớ công ơn các bậc tiền bối

Buổi sáng

Mở đầu ngày 15 là nghi lễ tế Hậu bối (3 hương án thờ Tiền vãng Viên Quan, Tiền vãng Hương chức, Tiền vãng Dịch mục) và Chiến sĩ (hương án thờ liệt sĩ và miếu thờ chiến sĩ). Trong buổi sáng, đoàn hát Bội sẽ tiếp tục biểu diễn phục vụ người dân.

Buổi tối

Nghỉ ngơi buổi chiều và đến buổi tối, Ban quý tế sẽ làm lễ Đàn cả với ý nghĩa tạ ơn Thần đã phù hộ cho dân làng được bình an, làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nghi thức lễ Đàn cả về cơ bản giống với Túc yết, chỉ thay đổi lời ca xướng từ “nghinh Thần cúc cung bái” thành “tạ Thần cúc cung bái” và thêm phần ẩm phước tức là Ban quý tế sẽ đại diện dân làng hưởng lộc Thần ban. Sau lễ Đàn cả, đoàn hát Bội sẽ biểu diễn thêm một vở tuồng nữa và kết thúc ngày thứ hai của Lễ hội Kỳ yên đình Tân An.

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An, tín ngưỡng truyền thống của người dân Nam Bộ

Những người đứng ra tế lễ hoặc tham gia vào nghi thức tế lễ thường là những bậc cao niên, người có chức sắc, hoặc có uy tín trong cộng đồng dân cư.

3.3 Các nghi lễ kết thúc lễ hội Kỳ yên 

Buổi sáng

Sáng ngày 16 là lễ Tôn vương và Đoàn hát Bội sẽ tiếp tục diễn suất tuồng cuối. Đình Tân An thường chọn vở San Hậu (hồi thứ 3) để biểu diễn và làm lễ Tôn vương, bởi nội dung của vở tuồng này được xây dựng theo công thức “Vua băng – Nịnh tiếm – Bà thứ lên chùa – Chém nịnh – Định đô – Tôn vương – Tức vị”.

Buổi chiều

Đến chiều, dân làng làm lễ đưa sắc phong về nơi cất giữ tại nhà cổ Nguyễn Tri Quan – gọi là lễ Đưa sắc. Về cơ bản, nghi thức cúng tế, đội hình đoàn đưa sắc cũng giống như lễ Thỉnh sắc nhưng số lượng người tham gia thường ít hơn.

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An, tín ngưỡng truyền thống của người dân Nam Bộ

Hình ảnh người dân thắp nhang tại đình thần Tân An nhân dịp lễ hội Kỳ yên

Trên đây 3vi.vn đã chia sẻ đến bạn những nét đặc sắc của lễ hội Kỳ yên đình Tân An. Đến với lễ hội, bạn sẽ có cơ hội khám phá không gian sinh hoạt văn hóa đặc trưng mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của người dân vùng Nam Bộ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cân nhắc ghé thăm miếu Bà Bình Nhâm nếu muốn hiểu thêm về văn hóa và con người nơi đây. 3vi.vn chúc bạn có những trải nghiệm thật đáng nhớ tại đây.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.