Lễ hội Tết A Za là một trong những nghi lễ truyền thống được xem là Tết cổ truyền của người dân Pa Cô – một nhóm người của dân tộc thiểu số Tà Ôi nơi cư trú truyền thống là Miền Trung Việt Nam. Lễ hội Aza đã có tuổi đời hàng trăm năm, được tổ chức nhằm tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, chuẩn bị đón một vụ mùa mới bội thu. Nhờ quyết tâm đồng lòng từ chính quyền đến người dân địa phương mà Lễ hội Aza truyền thống này đã chính thức trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.
Giới thiệu tổng quan về Lễ hội Tết A Za của người Pa Cô thuộc dân tộc Tà Ôi ở tỉnh Thừa Thiên – Huế
Vào những vụ mùa màng cuối năm trên các cánh đồng nương rẫy khi những hạt lúa, hạt ngô… đã được thu hoạch và cất vào kho dự trữ của mỗi gia đình, đó cũng là lúc các bản làng trên dãy Trường Sơn (tỉnh Thừa Thiên – Huế) bắt đầu đi trẩy hội, vang lên những giai điệu khèn, điệu đặc trưng múa đón chào mùa Tết A Za.
Người dân trong các bản làng sẽ rộn ràng đón Tết A Za để tạ ơn trời đất, đấng thần linh của họ vì đã giúp đỡ họ trong cuộc sống, chuyện mùa màng và cả đời sống tinh thần của họ.
Lễ hội Tết A Za hay còn được biết đến với tên gọi khác như: Tết A Za, Tết Cơm mới, Lễ hội Tri ân Cây lúa. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào Pa Cô ở Thừa Thiên – Huế. Tết A Za được bắt đầu từ ngày 6/11 âm lịch và kéo dài đến hết ngày 24/12 âm lịch.
Người Pa Cô quan niệm rằng đây là khoảng thời gian mặt trăng đẹp nhất trong năm. Và mỗi làng sẽ phải chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian trên để tổ chức Tết A Za. Cách từ 5 năm đến 10 năm thì Lễ hội Tết A Za sẽ được tổ chức một lần. Nếu bạn có dịp ghé đến khám phá Huế hãy nhớ đến Tết A Za của đồng bào người Pa Cô nhé.
Lễ hội Tết A Za được tổ chức tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế là một trong những lễ hội ở Huế, là dịp Tết cổ truyền có từ thời xa xưa của người dân Pa Cô thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Tà Ôi. Tuy thời gian tiến hành Lễ hội Tết A Za của mỗi làng khác nhau nhưng đa phần Lễ hội Tết A Za của tất cả các làng đều được tổ chức trong tháng 11 âm lịch. Nếu ngày đã chọn vẫn chưa tổ chức được vì bất kì lí do nào thì làng đó sẽ phải tổ chức lại Lễ hội Tết A Za sau ngày đã định 18 ngày.
Lễ hội Tết A Za là một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng ở Huế của người dân tộc Tà Ôi
Tâm sự của già làng Hồ Văn Im thuộc làng Pe Đụt, xã Hồng Trung, huyện A Lưới kể rằng: “Tết A Za còn được gọi là Lễ mừng cơm mới sau một năm lam lũ cùng nương rẫy. Không khí chuẩn bị Lễ hội Tết A Za rộn ràng ở khắp nơi.
Đàn ông, trai tráng sẽ vào rừng đi săn thú, bắt cá. Chị em phụ nữ ở nhà xay gạo làm bánh A Quát, dệt những tấm Zèng đẹp mắt dâng lên Giàng và làm quà Tết cho cả gia đình. Trước khi diễn ra Lễ hội Tết A Za chính thức của cả làng thì các gia đình và dòng họ sẽ tự tổ chức cúng tại nhà riêng”.
Hình ảnh được chụp tại Lễ hội Tết A Za ở tỉnh Thừa Thiên – Huế
Đến với Lễ hội Tết A Za người dân và đặc biệt là du khách ghé đến tham quan tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ được chứng kiến người dân Pa Cô thuộc dân tộc thiểu số Tà Ôi tái hiện đầy đủ các bước nghi lễ như:
Nghi lễ A Xa A Rah (Lễ tẩy rửa); Nghi lễ Kâl Laiq (Lễ xua đuổi các linh hồn dữ); Nghi lễ Cha cho tq (Lễ chuẩn bị); Nghi lễ Kacoong tro (Lễ mời Mẹ lúa); Nghi lễ cúng Aza (Cúng bái các vị giống cây trồng); Lễ cúng cho Giàng Xứ (giàng sông, suối, gió, núi, mây, mưa, lửa, đất, đường xá…);
Nghi lễ cúng Giàng Ku muuiq (Cúng cho những người đã khuất ); Nghi lễ cúng Giàng Pa Nuôn (Vị thần che chở khi đi buôn bán, giao thương); Nghi lễ cúng Giàng A zel; Nghi lễ cúng Giàng Cợt (Vị thần ban tặng con người); Nghi lễ cha đôi âm beg (Lễ ăn cơm mới).
Già làng Hồ Văn Hạnh cho biết: “Có đến chín giàng mà đồng bào người Pa Cô sẽ phải tri ân trong dịp lễ Tết A Za này. Tất cả phần nghi thức cúng các vị Giàng được diễn ra trong nhà, những mâm lễ vật đều được chuẩn bị tỉ mỉ và phù hợp với sở thích và tính cách của những vị thần khác nhau. Ví dụ như vị Giàng A Zel sẽ không thích các Giàng còn lại trong dịp lễ Tết A Za gia chủ phải cúng riêng một mâm lễ cách xa các vị Giàng khác.”
Cũng theo già làng Hạnh cho biết: “ Vị Giàng A Zel này phải được cúng bái đầu tiên trong phần nghi lễ và phải được dọn tách biệt hẳn với các Giàng khác. Nếu như người nào sơ ý không tuân theo thì y như rằng cả năm đó sẽ gặp toàn chuyện xui xẻo”.
Bản sắc dân tộc độc đáo của người dân Pa Cô thể hiện qua Lễ hội Tết A Za
Trong các bước nghi lễ của lễ Lễ hội Tết A Za của đồng bào người Pa Cô thì Nghi lễ cúng Giàng A Zel rất được người dân đặc biệt xem trọng. Theo quan niệm của người Pa Cô, vị Giàng A Zel sẽ có 2 vị thần là thần ALBum và thần A Boi ở trên cung Trời có công mài nắn hình hài con người tạo ra nhiều loại giống cây trồng và vật nuôi còn giúp khí hậu thuận lợi cho mùa màng tốt tươi, bội thu.
Còn có Thần Tu Looi Taarr Tooq (Vị Thần giun đất) ngự trị trong lòng đất, vị Thần này có công sinh ra lớp đất thịt màu mỡ và nuôi dưỡng các loại giống cây trồng tươi tốt cho ra năng suất cao.
Những điều độc đáo có trong Lễ hội Tết A Za của người Pa Cô thuộc dân tộc Tà Ôi ở tỉnh Thừa Thiên – Huế
2.1 Những lễ vật cần phải có và nghi thức cúng lễ trong Lễ hội Tết A Za
Những lễ vật được mang ra để cúng tế trong Lễ hội Tết A Za là bánh, gà, heo, dê, chuột được bắt trong hang to béo, thịt (hươu, nai, lợn… săn được trong rừng), cá trắng bắt tại khe suối, gà trống luộc, cơm nếp được nướng trong ống tre, cơm trắng, bánh A quát, rượu, nước trắng, chuối xanh, mía.
Đặc biệt trong những lễ vật không thể thiếu trong Tết A Za là những bát tiết canh (có thể là tiết canh lợn, dê, vịt…) cũng theo vị già làng Hạnh giải thích: “Bởi những bát tiết canh sẽ làm kích thích Thần linh hơn, họ sẽ nhanh chóng trở về với bản làng, với mỗi gia đình khi bắt đầu vào lễ cúng”. Và cả những tấm Zèng là lễ vật quan trọng trong Tết A Za, bởi nó tượng trưng cho sự đùm bọc, gắn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
Mâm lễ vật dâng lên cúng trong Lễ hội Tết A Za
Sau khi các gia đình chuẩn bị xong lễ vật cúng thì Tết A Za được bắt đầu khi có tiếng pháo nổ ở trong bếp. Thường là người phụ nữ sẽ ngồi trong bếp, nung nóng những “dây pháo” được làm từ thanh tre ngố và khi người chồng báo hiệu thì người vợ sẽ đập mạnh những thanh tre này phát ra âm thanh như pháo nổ. Với ba tiếng nổ liên tục ở dưới bếp lúc đó nghi lễ cúng Giàng được bắt đầu.
Khi pháo nổ thì chủ lễ hú to để mời các vị Giàng về nhà. Những tiếng trống, chiêng được vang lên từ đầu cho đến khi hết lễ. Tín ngưỡng của đồng bào người Pa Cô sẽ sử dụng A Xiéo để thể hiện cho Giàng hiểu được tấm lòng tôn kính thần linh và những lời cầu nguyện.
A Xiéo là vật dụng được làm từ hai mảnh của một khúc tre, nếu cả năm lần cầu nguyện mà hai mảnh A Xiéo đều ngửa đó là một dấu hiệu rất tốt, thu hoạch mùa màng diễn ra suôn sẻ, ấm no hạnh phúc.
Cúng lễ tại nhà của người dân trong bản
2.2 Giai điệu khèn tha thiết và những điệu múa truyền thống
Sau khi cúng ở mỗi nhà xong thì những mâm lễ vật đó sẽ được mang đến nhà rông để tổ chức cho cả bản làng. Già làng sẽ là người đại diện cho các dòng họ trong bản tiến hành nghi lễ cúng Giàng, cũng tương tự như cúng trong mỗi gia đình.
Và sau đó, sẽ là phần hội, bà con sẽ ăn uống chúc tụng nhau, họ nhảy múa ca hát cho đến tận sáng hôm sau. Dịp Tết A Za là lúc thể hiện sự gắn kết bền chặt như keo sơn, thân thiết giữa các bản làng cùng nhau chung sống trên dải núi Trường Sơn.
Mâm lễ vật của Lễ hội Tết A Za sẽ được mang đến nhà rông lớn của làng
Mỗi khi có lễ hội lớn của đồng bào mình thì những vị già làng cao tuổi có dịp chơi những nhạc cụ truyền thống như: khèn, tù và, trống, chiêng…Những điệu khèn tha thiết làm say đắm lòng người, những tiếng hát được cất lên từ những chàng thanh niên Pa Cô.
Những điệu nhảy vui tươi, những tiếng vỗ tay reo hò và cả những khuôn mặt rạng rỡ của tất cả đồng bào Pa Cô trên đỉnh Trường Sơn khi đang say mê lễ hội trong tiết trời ấm áp của mùa xuân. Gửi những lời cầu nguyện đến các vị Giàng mong ước năm mới với mùa màng bội thu, cuộc sống người dân no ấm, giao thương thuận lợi mua may bán đắt, người đi săn thì an toàn và cũng được bội thu.
Người dân ở trong bản sẽ cùng nhau đón Lễ hội Tết A Za
Du khách cũng rất thích thú với Lễ hội Tết A Za của người Pa Cô thuộc dân tộc thiểu số Tà Ôi ở Huế
Lễ hội Tết A Za là một lễ hội mà bạn chắc chắn phải đến tham gia khi có dịp ghé đến Thừa Thiên – Huế. Tiếng khèn, tiếng tù và, tiếng trống chiêng làm say đắm người nghe và cứ vọng vang cả đỉnh Trường Sơn khiến những vị khách đã tham gia lễ hội này một lần nhớ mãi không quên. Hy vọng những thông trên sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn có chuyến đi vui và hãy chia sẻ lại khoảnh khắc đẹp từ Lễ hội Tết A Za với 3vi.vn nhé!
Xem thêm: Lễ điện Hòn Chén – Sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cung đình