Ngục Đắk Glei được ví như địa ngục trần giang và cũng là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người dân Tây Nguyên. Vì vào thời kỳ chống Pháp, nơi đây đã giam cầm hơn 100 tù binh chính trị anh dũng, bất khuất. Vậy nên, khi du lịch Kon Tum bạn không nên bỏ lỡ địa điểm thú vị này!
Ngục Đắk Glei nằm khép mình giữa núi rừng thiên nhiên hoang sơ vì thế nó mang vẻ đẹp đơn thuần nhưng cũng xen lẫn chút đanh thép của quá khứ chiến tranh. Đây từng là nơi lưu đày biết bao nhiêu nhà cách mạng lớn của đất nước như Tố Hữu, Chu Huy Mân, Lê Văn Hiến, Nguyễn Duy Trinh, …
Tổng quan về di tích lịch sử ngục Đắk Glei
1.1 Di tích lịch sử ngục Đắk Glei ở đâu?
Địa chỉ: Xã Đắk Choong, huyện Đắk Glei, Kon Tum cách thị trấn Đắk Glei hơn 20km về hướng Bắc.
Mang vẻ đẹp thiên nhiên tương tự như Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray, ngục Đắk Glei được bao quanh bởi núi non hùng vĩ khiến nơi đây như một điểm nhấn cho bức tranh thơ mộng ngay cả khi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Hướng tầm mắt xuống phía dưới, bạn sẽ nhìn thấy thung lũng Đắk Choong với rừng xà nu bạt ngàn, đây là nguồn cảm hứng cho sự ra đời cho tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành.
Ngục Đắk Glei tọa lạc giữa quang cảnh núi rừng thiên nhiên
1.2 Tên gọi thân thương – Ngục Tố Hữu
Ngục Đắk Glei còn được người dân Kon Tum gọi với tên thân thuộc khác là ngục Tố Hữu bởi trong thời kỳ chống Pháp, đây là nơi giam cầm nhà cách mạng, nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu. Nơi đây được gắn liền với câu chuyện vượt ngục ngoạn mục của nhà thơ Tố Hữu tại đây. Cụ thể, đầu năm 1942 Tố Hữu cùng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã lập kế hoạch và vượt ngục. Sau sự kiện đó, thực dân Pháp đã khủng bố những chiến sĩ cộng sản khác và bắt các đồng chí của nhân dân ta ở căng an trí giam vào ngục. Trước đây, khi chưa có con đường mới, bạn cần phải đi qua cả một chặng đường gập ghềnh để đến được ngục Tố Hữu. Nhưng giờ đây, để phục vụ cho việc di chuyển thì nhà nước đã xây dựng con đường bê tông nhựa phẳng lỳ với chỉ khoảng 30 phút ngồi xe.
Khu nhà biệt giam được xây dựng sau sự kiện nhà thơ Tố Hữu vượt ngục
1.3 Ngục Đắk Glei và câu chuyện lịch sử
Ngày 30/12/1991, ngục Đắk Glei được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 2307/QĐ-BT.
Di tích ngục Đắk Glei được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1932, đây là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong những năm 1932 – 1954. Đồng thời, bọn thực dân còn cách ly những nhà hoạt động cách mạng có tầm ảnh hưởng với âm mưu kiểm soát toàn bộ Tây Nguyên.
Ban đầu, ngục Đắk Glei chỉ giam những người dân không phục tùng chính sách cai trị của thực dân Pháp và tay sai. Nhưng kể từ cuối năm 1939, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản sau khi tăng cường đàn áp phong trào cách mạng. Không chỉ là nơi giam cầm nhà thơ cách mạng nổi tiếng như Tố Hữu, đây còn là nơi nhiều nhân vật chủ chốt của Đảng bị bắt giữ như Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Hiến, Trần Văn Trà, Lê Bá Từ, Hà Phú Hương và Nguyễn Tất Thắng.
Khu trưng bày ngoài trời mô tả cảnh lao động cực nhọc của tù nhân
Xem thêm: Trekking núi Ngọc Linh, khám phá ngọn núi thiêng của người Xê Đăng
Khám phá kiến trúc của Ngục Đắk Glei
Nằm trên tuyến đường 14, di tích lịch sử ngục Đắk Glei được thực dân Pháp xây dựng ở độ cao 1800m gồm các công trình nhỏ là khu đồn canh gác của sĩ quan và lính Pháp, khu căng an trí và khu nhà ngục biệt giam. Toàn bộ khu Di tích nằm trên đồi Chang T’né, xung quanh núi cao hiểm trở, xa các khu dân cư tập trung đông đúc và bao bọc bởi thung lũng.
Ngục Đắk Glei là công trình kiến trúc có hình chữ nhật, gồm một tầng, diện tích khoảng 200m2, rộng 19,85m, sâu 10,2m, bao gồm 4 phòng. Nằm đối diện với ngục Đắk Glei qua một khoảng sân rộng chừng 20m là một ngôi nhà một tầng có 2 gian nhỏ, cũng được xây dựng bằng đá, gian bên ngoài là trạm gác, gian còn lại là nhà bếp.
Từ ngục Đắk Glei đi xuống dưới sườn đồi khoảng 150m là nhà “ngục biệt giam” rộng khoảng 12m2, được xây dựng vào khoảng từ tháng 2 – 6/1942 ngay sau cuộc vượt ngục của hai nhà cách mạng yêu nước là Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ. Tại nhà giam này, không gian vừa ngột ngạt, vừa u ám với đầy xiềng xích, gông cùm…
Nằm ở khoảng giữa nhà ngục với khu đồn là căng an trí với các dãy nhà giam được xây dựng bằng tre và gỗ. Mỗi nhà giam có một sạp nằm cho tù nhân, đầu quay vào giữa, chân cùm phía ngoài, mỗi sạp chứa khoảng 20 tù binh. Vào buổi tối lính canh thường đếm chân để kiểm tra số lượng tù phạm. Vì chỉ được xây dựng bằng tre và gỗ không kiên cố nên khu vực căng an trí hiện không còn dấu tích công trình do có sự khác nhau giữa các tư liệu ghi chép, chưa thể thống kê được số lượng chính xác là 2 hay 3 cái.
Nhìn hình ảnh các chiến sĩ cộng sản trong ngục tù mới thấy sự kiên trung với lý tưởng của Đảng, quyết hy sinh chứ không chịu khuất phục trước quân thù. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy tự hào và trân trọng hơn những giá trị lịch sử của dân tộc ta. Nếu bạn chỉ có 1 ngày ở Kon Tum, thì cũng đừng vội vàng mà bỏ qua địa điểm đáng tự hào này nhé!
Ba ngôi nhà giam của khu căng an trí
Ngoài ngục tù Kon Tum, thì di tích lịch sử ngục Đắk Glei cũng được xem là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng, là niềm tự hào của người dân mảnh đất Tây Nguyên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Chiến tranh đã qua đi nhưng niềm tự hào dân tộc vẫn còn mãi trong mỗi người con đất Việt. Di tích lịch sử ngục Đắk Glei chính là một địa điểm mà bạn không nên bỏ lỡ nếu có dịp đến với vùng đất Kon Tum. Hãy lưu địa điểm vàng son này vào cẩm nang du lịch và trải nghiệm để hiểu thêm về lịch sử dân tộc nhé!