Tìm về nguồn cội tại Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên là khu di tích chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Hằng năm, khu mộ luôn mở cửa chào đón rất nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành khác đi du lịch Bình Dương ghé qua đây để tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu công trình kiến trúc mộ đá cổ của người xưa.

Du lịch tâm linh Bình Dương từ lâu đã luôn là điểm sáng thu hút đông đảo du khách thập phương bởi vô số những địa danh nổi tiếng như đình Vĩnh Phước , chùa Thái Sơn núi Cậu, chùa Tổ Long Hưng, miếu Bà Bình Nhâm… Ngoài những di tích đình, chùa đã khá quen thuộc thì Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên như một điểm nhấn đặc sắc của mảnh đất Bình Dương làm kích thích sự tò mò, khám phá của bất cứ ai dừng chân tại đây. Khu mộ cổ thiêng liêng và đầy bí ẩn này chắc chắn là địa điểm mà bạn nên bổ sung ngay vào cẩm nang du lịch của mình.

Giới thiệu sơ lược về Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

1.1 Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên ở đâu?

Địa chỉ: Ấp 2, làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên tọa lạc trên cung đường ĐT746 thuộc huyện Bắc Tân uyên, kín cổng cao tường. Bên trong khuôn viên mộ có nhiều cây cổ thụ to lớn tỏa bóng mát và người đi đường ngang qua đây sẽ thường xuyên bắt gặp hình ảnh một cụ ông lom khom lau dọn các bia mộ mỗi ngày. Ít ai biết được sự tích về ngôi mộ ấy bắt nguồn từ một vị tướng thời đương triều nhà Minh (Trung Quốc), do bất mãn với triều đình nhà Thanh nên đã cùng thuộc hạ của mình trốn sang Việt Nam khai hoang, lập nghiệp.

Xem thêm: Dừng chân tại đình Tân An chiêm ngưỡng lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo 

Tìm về nguồn cội tại Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên nằm kế bên UBND xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

1.2 Nên đến Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên vào thời gian nào?

Theo kinh nghiệm của phần đông khách du lịch thì bạn có thể đến tham quan Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, để chuyến đi được an toàn và trọn vẹn nhất thì bạn nên đến đây vào mùa khô, khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 vì lúc này tiết trời Bình Dương rất đẹp và mát mẻ, thuận tiện cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm.

Lịch sử hình thành Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

2.1 Vài nét về vị tướng lỗi lạc Trần Thượng Xuyên

Trần Thượng Xuyên là người huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ông vốn là tổng binh 3 châu Cao, Lôi, Liêm dưới triều nhà Minh. Năm 1649 nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh lên thay, nhiều trung thần nhà Minh không thuần phục đòi “phản Thanh phục Minh” nhưng không thành. Thế nên Trần Thượng Xuyên đã đem hơn 3.000 quân cùng gia quyến trên 50 chiếc thuyền đến nước ta yết kiến chúa Nguyễn và xin làm con dân Đại Việt. Ngoài việc đưa dân đi khai hoang lập nghiệp, Trần Thượng Xuyên còn tỏ rõ là một vị tướng tài. Ông từng giúp chúa Nguyễn dẹp loạn và đánh tan nhiều mưu đồ phản loạn của giặc giã nổi lên trong vùng nhằm bảo đảm sự bình yên cho vùng đất mới của nước Đại Việt.  

Trần Thượng Xuyên cũng là người có công rất lớn trong việc khai hoang lập ấp, sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) và lập phố chợ ở Sài Gòn (Chợ Lớn hiện nay). Công đức to lớn của Trần Thượng Xuyên được nhân dân ghi tạc và suy tôn là thần tướng, kính trọng gọi Đức ông và lập đền thờ tại đình Tân Lân (phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Còn riêng phần Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên hiện tọa lạc tại làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Tìm về nguồn cội tại Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Trần Thượng Xuyên là vị danh tướng tài giỏi có công lao to lớn trong quá trình khai hoang, lập nghiệp trên mảnh đất này

2.2 Hành trình tìm lại khu Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Sau khi mất, di hài của Trần Thượng Xuyên được an táng trên khu thổ mộ của gia tộc tại vùng đất ở phía Bắc trấn thành Biên Hòa, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định (nay là làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trải qua năm tháng chinh chiến liên miên, vật đổi sao dời nên Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên đã bị mất dấu vết dưới lớp bụi dày thời gian. Mãi cho đến năm 1994, nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên Ban hội đình Tân Lân đã cất công đi tìm và xác định được vị trí của khu mộ cổ. 

Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên được tìm thấy tại khu đất trong vườn nhà ông Để. Trước đó, ông Để tưởng đây là ngôi mộ vô danh cho đến khi biết là mộ của tướng quân Xuyên thì gia đình đã hiến đất để lập đền thờ. Ông kể rằng từ lâu ở làng Mỹ Lộc đã tồn tại một khu mộ đá vô chủ đầy bí ẩn mà dân làng hay gọi là mã Chệt. Khu đất hoang đó rất linh thiêng, đến nỗi trâu bò không bao giờ dám bén mảng đến gần gặm cỏ. Bà con trong vùng mỗi khi đi ngang qua khu mộ đá đó đều không dám chạy nhảy hay nói lớn tiếng. Khu mộ kỳ bí đó chính là Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên. 

Tìm về nguồn cội tại Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên đã bị thất lạc sau hàng thế kỷ và mãi đến năm 1994 mới được tìm thấy

Khám phá Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên – Nơi tìm về nguồn cội ông cha

Cũng như đình Nhựt Thạnh hay các ngôi đình, chùa cổ xưa khác, sau khi tìm được Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên, Ban hội đình Tân Lân bắt đầu gia cố lại các trụ đá, thành mộ bị lún sụt, sạt lở và xây dựng lại cổng chính, bờ tường rào bao xung quanh. Sau đó xây thêm một nhà tưởng niệm và dựng một tấm bia đá hoa cương cao 2m2, rộng 1m7, phía trước ghi chữ Việt, phía sau ghi chữ Hán về tiểu sử và công trạng của tướng quân Trần Thượng Xuyên. Hàng năm, Mộ cổ Đức ông Trần Thượng xuyên đều tổ chức tảo mộ, cúng tế vào tiết thanh minh, lễ trùng cửu, ngày giỗ và lễ cầu an với sự tham dự của chính quyền cùng hàng trăm người dân địa phương và khách du lịch. Đặc biệt, năm 2004, khu Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tìm về nguồn cội tại Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Bia đá hoa cương ghi chép về tiểu sử và công trạng của tướng quân Trần Thượng Xuyên

Tìm về nguồn cội tại Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Mặt sau bia đá được khắc bằng chữ Hán

Trải qua hàng chục năm thất lạc, không ai chăm sóc, dưới tác động của tự nhiên thì kết cấu Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên đã bị hoang phế đi nhiều. Ban đầu khi xác định được vị trí ngôi mộ, Ban hội đình Tân Lân đã định tu bổ, sửa sang và ốp đá mới hoàn toàn, tuy nhiên lại có ý kiến muốn giữ nguyên hiện trạng mộ đá để khách tham quan thấy được nơi đây phảng phất nét hoài cổ xa xưa. 

Tìm về nguồn cội tại Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Ngôi mộ không được xây sửa nhiều để giữ nguyên vẹn những nét cổ kính vốn có

Cụ Để – người đang bảo vệ và chăm sóc khu Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên cho biết hàng ngày cụ đều mở cửa cho rất nhiều đoàn khách du lịch từ các tỉnh, thành khác đến tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc mộ đá cổ của người xưa. Đặc biệt, cách Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên không xa là khu mộ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Cả hai khu mộ đều là di tích lịch sử, văn hóa và là nơi để các thế hệ trẻ tham quan, về nguồn rất thú vị… Viếng thăm nơi an nghỉ của những bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ mảnh đất phương Nam để chúng ta hiểu thêm về công lao xương máu của bao lớp người xưa đã ngã xuống mới đổi lại được cuộc sống thanh bình hôm nay.

Tìm về nguồn cội tại Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Khu mộ là nơi lý tưởng để các thế hệ trẻ đến tham quan và nghiên cứu về các giá trị lịch sử, văn hóa từ xa xưa của ông cha ta

Tìm về nguồn cội tại Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên

Năm 2004, Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh

Trên đây 3vi.vn đã chia sẻ đến bạn những nét đặc sắc của Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên. Nếu là tín đồ yêu thích khám phá, nghiên cứu những giá trị văn hóa, lịch sử và chiêm ngưỡng lối kiến trúc cổ xưa thì đây chắc chắn là nơi mà bạn không thể bỏ qua. Ngoài ra, bạn còn có thể ghé thăm các di tích khác như đình Bình Nhâm hay chùa Châu Thới để có thể thấu hiểu tường tận về nếp sống và con người Bình Dương. 3vi.vn chúc bạn có những trải nghiệm thật đáng nhớ tại đây.

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.