Làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh là một điểm đến thú vị dành cho các tín đồ ẩm thực thích khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ. Đến du lịch An Giang, bạn nhất định không nên bỏ lỡ cơ hội tham quan làng nghề truyền thống này nha.
Vùng đất xứ Bảy Núi An Giang vốn nổi tiếng với các địa điểm du lịch tâm linh như Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc, Thánh Đường Hồi Giáo Mubarak, Chùa Tây An Núi Sam… Đặc biệt hơn, đây còn là nơi hội tụ nhiều nền ẩm thực khác nhau, tạo nên nhiều món đặc sản phong phú và đặc sắc hấp dẫn thực khách gần xa. Làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh là một trong những địa chỉ bạn nhất định phải ghé thăm khi có cơ hội đến chơi Long Xuyên – An Giang.
Tổng quan về làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh
1.1 Giới thiệu làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh
Địa chỉ: Ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Nơi đây nức tiếng với 2 loại bánh mặn và bánh ngọt, được buôn bán rộng rãi ở khắp các tỉnh, thành khu vực miền Tây sông nước. Đặc biệt, loại bánh ngọt được nhiều người Việt kiều ưa chuộng, họ thường đặt mua với số lượng lớn để làm quà tặng cho đồng hương ở nước ngoài mỗi khi có dịp về Việt Nam ăn Tết. Bên cạnh nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang, làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh cũng được xem là một niềm tự hào to lớn của người Long Xuyên nói chung và dân Mỹ Khánh nói riêng.
1.2 Lịch sử hình thành
Làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh ra đời vào năm 1952, tính đến nay cũng đã có tuổi đời gần 70 năm. Đây là một trong số 26 làng nghề truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh được Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang công nhận. Từ biết bao đời nay, cái nghề làm bánh tráng ở xã Mỹ Khánh đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cực kỳ chất lượng và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình khó khăn ở địa phương. Hiện tại, làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh đã mất đi một phần nhộn nhịp khi xưa bởi vì các sản phẩm của đa số hộ dân đều làm bằng thủ công nên không thể cạnh tranh lâu dài với các làng nghề quy mô khác như bánh tráng Tây Ninh. Tuy không còn đông đúc như những ngày đầu khi mới thành lập, làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh vẫn là một là tài nguyên du lịch nổi bật thu hút nhiều người đến tham quan và khám phá, giúp cho hoạt động du lịch của vùng đất An Giang thêm phần đa dạng, mới mẻ và đặc biệt.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh ở Long Xuyên, An Giang
Xem thêm: Làng nghề nhang Bình Đức nơi tạo nên hương thơm nhẹ nhàng, an yên
Khám phá làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh ở xứ Bảy Núi
2.1 Niềm đam mê với nghề của các hộ dân ở làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh
Về Mỹ Khánh vào những ngày gần Tết Giáp Ngọ, bạn sẽ có cơ hội chứng kiến bầu không khí nhộn nhịp, bận rộn của làng nghề bánh tráng này. Nhiều gia đình ở làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh vẫn bám trụ và duy trì cái nghề truyền thống này để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ ở khắp nơi trên cả nước. Làng nghề còn khoảng hơn 20 hộ với hơn 100 người lao động vẫn chăm chỉ, miệt mài chế biến bánh tráng. Nhiều nhà đã có thâm niên làm bánh tráng từ hai đời trở lên, họ quá quen thuộc với cái nghề truyền thống thân thương này, từ những cái chảo, bếp lửa đến cả sân phơi. Người dân địa phương xung quanh đây chia sẻ rằng, nếu không tiếp tục làm bánh thì họ không tài nào chịu đựng được nỗi nhớ nghề trong lòng.
Ưu điểm của làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh là dù không kiếm được thu nhập khủng nhưng người dân lao động vẫn đảm bảo có việc làm quanh năm, an ổn bình yên sống qua ngày. Một người thợ có kinh nghiệm làm bánh hơn 20 năm từ truyền thống gia đình cho biết, nghề bánh tráng ở Mỹ Khánh không đòi hỏi nhiều người và tốn quá nhiều công sức, trong một hộ thì chỉ cần 2 đến 3 lao động thực hiện công việc tráng, phơi và xếp bánh. Những đầu việc vô cùng nhẹ nhàng, đơn giản, dễ làm, trẻ em hay người lớn tuổi đều làm được. Đây cũng là yếu tố giúp cho làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh có thể giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm ở địa phương.
Nghề làm bánh tráng giúp người dân Mỹ Khánh có thêm thu nhập
Nhiều hộ dân vẫn miệt mài làm bánh tráng mỗi ngày
2.2 Tìm hiểu công đoạn làm bánh tráng ở làng nghề Mỹ Khánh
Một hộ làm bánh tráng đã được hơn 40 năm ở đây cho biết, bánh tráng Mỹ Khánh tuy không được đánh giá cao như những loại bán ở siêu thị lớn nhưng lại được những các chị em nội trợ yêu thích và có sức tiêu thụ mạnh ở các chợ. Các sản phẩm ở làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh có độ dẻo vừa đủ, cuốn gỏi sẽ không bị rách hoặc dùng để gói chả giò cũng giòn hơn. Bánh tráng nổi tiếng của vùng Long Xuyên – An Giang chỉ có 2 loại nhưng có thể sử dụng để chế biến nhiều món. Loại bánh tráng mặn thường được sử dụng cho các món ăn hàng ngày như cuốn với bì, tôm, thịt hoặc làm chả giò chiên thơm ngon, giòn rụm. Nổi tiếng nhất là loại bánh tráng ngọt có thêm nước cốt dừa béo ngậy và đầy ắp mè rang vàng ươm, tạo nên những chiếc bánh dẻo thơm.
Một ngày làm việc ở làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh bắt đầu buổi sáng sớm, khi nắng vừa kịp lên. Đầu tiên, người ta sẽ pha bột, tráng khuôn để cho ra lò những chiếc bánh tráng trắng trẻo, thơm dẻo. Bộ khuôn làm bánh không quá cầu kỳ, chỉ cần một chiếc chảo lớn đổ đầy nước dùng để chưng cách thủy, bên trên úp một chiếc nồi đất không có phần đáy, chỉ lấy phần thân và miệng nồi để tạo mặt trống. Muốn bánh có kích cỡ như thế nào thì chỉ cần chọn nồi theo cỡ đó. Trên miệng nồi được bọc bằng một lớp vải mịn, khi nước đun sôi và bắt đầu bốc khói lên miệng nồi, người thợ sẽ múc bột đổ lên và khéo léo tráng mỏng khắp phần mặt vải. Đợi tầm vài phút, hơi nóng từ nước sôi sẽ làm chín bánh tráng. Để có thể gỡ được một cái bánh nguyên vẹn, người dân thường dùng một ống nhựa tròn, ở phía ngoài bao một lớp khăn lông nhằm tạo độ dính để dễ dàng lấy bánh. Ngay khi bánh chín, người thợ phải nhanh tay lấy chiếc bánh ra một cách cẩn thận để bánh không bị rách và đặt lên các vỉ phơi chuẩn bị sẵn. Vỉ phơi bánh tráng ngày trước thường được đan bằng tre trúc nhưng hiện nay các hộ dân ở làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh chuyển sang mua các tàu dừa loại tốt để đan vỉ phơi. Mỗi tàu dừa được cắt ra làm hai, người ta sử dụng phần bẹ cứng xếp ở hai bìa làm nẹp, phần lá thì đan lại với nhau để trở thành chiếc vỉ phơi. Ưu điểm của loại vỉ này là khi bị rách thì có thể dùng để nhóm lửa, không lãng phí và cũng tiết kiệm được chút ít.
Quy trình làm bánh tráng ngọt cũng khá đơn giản, chỉ khác ở khâu nguyên liệu. Bột để pha loại bánh tráng này sẽ được thêm đường, nước cốt dừa và rắc thêm mè rang. Tuy nhiên, bánh tráng ngọt có giá thành khá cao và thời gian sử dụng có hạn nên chỉ khi nào có người đặt hàng thì các lò mới bắt đầu làm. Nhưng không thể nào phủ nhận sức hấp dẫn của bánh tráng ngọt Mỹ Khánh vì rất nhiều thực khách rất ưa chuộng loại bánh này. Vào dịp Tết, các tín đồ ẩm thực gần xa vẫn thường đặt hàng để tiếp đãi bạn bè hay làm quà biếu tặng cho ông bà, ba mẹ những ngày đầu năm. Dù chỉ có vỏn vẹn 2 sản phẩm nhưng nhờ có các bàn tay khéo léo và tấm lòng yêu nghề của nhiều hộ gia đình nơi đây, những chiếc bánh tráng Mỹ Khánh mỏng đẹp, dai mềm và thơm ngon đã được ra đời. Để làm thành công những chiếc bánh chất lượng, bắt mắt như thế này thì đòi hỏi người thợ phải có công thức pha chế ngon, bí quyết chọn bột chất lượng và tay nghề cứng, thao tác nhanh nhẹn để tráng bánh thật mỏng, tròn đều và nguyên vẹn. Nhắc đến đặc sản An Giang nổi tiếng thì chắc chắn không thể thiếu cái tên bánh tráng Mỹ Khánh.
Quy trình làm bánh tráng khá đơn giản
Toàn bộ bánh đều được làm bằng thủ công
Vỉ phơi bánh tráng làm từ các tàu dừa
Làng nghề bánh tráng lâu đời ở Mỹ Khánh. Video: Youtube/Lang Thang An Giang
Đến với làng nghề làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh, bạn sẽ được khám phá và trải nghiệm từng công đoạn làm ra món bánh thơm ngon đặc sắc. Còn chần chờ gì mà không lưu ngay địa điểm này vào cẩm nang du lịch để không bỏ lỡ cơ hội ghé thăm trong chuyến du lịch An Giang nào bạn ơi!