Bún cua thối, hương vị độc lạ giữa lòng phố núi Pleiku

Bún cua thối là một trong những món ăn nổi tiếng của phố núi Pleiku mà bạn không nên bỏ qua khi du lịch Gia Lai. Món đặc sản này thu hút đông đảo các tín đồ đam mê ăn uống bởi hương vị có một không hai và cái tên khiến nhiều người phải e ngại, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm mới mẻ.

Giới thiệu đôi nét về bún cua thối

1.1 Bún cua thối Gia Lai – Món ăn lạ lùng ngay từ cái tên

Chắc hẳn có không ít người sẽ cảm thấy tò mò khi nghe nhắc đến tên của một món đặc sản nổi tiếng gắn liền với nền ẩm thực Gia Lai – Bún cua thối. Đúng như tên gọi độc đáo của nó, bún cua thối là một món ăn khó quên và mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ đối với những ai đã từng có dịp được thưởng thức hương vị đặc trưng này.

Bún cua thối (hay còn gọi là bún mắm cua) là một món đặc sản Gia Lai có nguồn gốc xuất xứ từ người dân Bình Định di cư tới vùng đất này. Sau nhiều năm được xem như món ăn xế dân dã thì bún cua thối đã dần trở thành một nét đặc sắc mỗi khi nhắc đến ẩm thực phố núi Pleiku. Tên gọi bún cua thối có lẽ được ra đời chính từ mùi vị có phần hơi khó ngửi của nó. Ngoài ra, người dân địa phương đặt tên như vậy cũng để phân biệt với bún riêu cua và các món ăn được chế biến từ cua khác. Khi bước vào một quán bún cua thối, những nồi nước lèo màu đen sánh bốc khói nghi ngút, nổi đặc lớp gạch cua dày và tỏa ra mùi hương nồng đặc trưng chắc chắn sẽ khiến nhiều người mới thưởng thức lần đầu phải “cao chạy xa bay”. Tuy nhiên khi ăn vào thì bạn sẽ cảm nhận ngay được hương vị thơm ngon trứ danh, xứng đáng để ghi tên vào cẩm nang du lịch Gia Lai đấy!

Bún cua thối, hương vị độc lạ giữa lòng phố núi Pleiku

Bún cua thối Gia Lai là món đặc sản nổi tiếng với hương vị vô cùng đặc trưng

1.2 Thưởng thức bún cua thối ở đâu?

Bún cua thối là món ăn phổ biến của người dân trong vùng nên sẽ không khó để bạn tìm được một địa điểm ngon, rẻ. Ở thành phố Pleiku có rất nhiều hàng quán bán bún cua thối mà bạn có thể tham khảo như:

– Số 87 đường Phan Đình Phùng (bên cạnh Cung Thiếu Nhi).

– Số 339 đường Lê Duẩn.

– Số 19 đường Phùng Hưng.

– Ngã tư Biển Hồ Pleiku, đường Phạm Văn Đồng.

– Khu chợ Ngã tư Biển Hồ Pleiku, đường Lê Đại Hành.

– Khu chợ đêm Pleiku, đường Nguyễn Thiện Thuật.

Tuy nhiên, địa chỉ nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến quán bún cua thối cô Chi nằm trên cung đường Phùng Hưng, thành phố Pleiku. Mặc dù chỉ là một quán ăn nhỏ trong hàng loạt cửa hàng của khu chợ nhưng nhờ hương vị vô cùng đặc trưng nên bạn sẽ rất dễ nhận ra. Được biết, đến nay quán bún cua thối cô Chi đã bán khoảng hơn 20 năm và là một điểm đến quen thuộc luôn được ưu tiên hàng đầu của người dân trong vùng cũng như các bạn trẻ gần xa. Mỗi tô bún cua thối ở đây có giá chỉ 10.000 VND, rất phù hợp cho một bữa ăn nhẹ xế chiều. Quán cô Chi mở bán từ 11:00 – 19:00 hằng ngày nên bạn có thể cân nhắc ghé qua thưởng thức nhé!

Xem thêm: Lụi nướng Gia Lai, món ăn truyền thống của người dân vùng đất đỏ

Bún cua thối, hương vị độc lạ giữa lòng phố núi Pleiku

Quán bún cua thối cô Chi là một trong những địa điểm ăn uống được đông đảo người dân địa phương yêu thích. Ảnh: VnExpress

Khám phá những điểm hấp dẫn của bún cua thối

2.1 Các công đoạn chế biến món bún cua thối Gia Lai

Giống như tên gọi, bún cua thối chỉ bao gồm hai nguyên liệu chính là bún tươi và cua. Sở dĩ bún cua thối dậy mùi như thế là do quá trình ủ nước cua để lên men chua. Để làm ra món bún cua thối đúng chuẩn, người dân địa phương thường sẽ sử dụng loại cua được đánh bắt ở cánh đồng Phú Thọ (tức Đồng Xanh thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Pleiku) thì hương vị mới ngon và thơm. 

Quy trình chế biến món ăn này cũng khá cầu kỳ và đòi hỏi người nấu phải hết sức tỉ mỉ. Cua đồng sau khi mua về được đem đi rửa sạch và nhúng qua nước đun sôi sao cho ngất mà không để chết. Lúc này, cua không kẹp vào tay nên người chế biến sẽ dễ dàng lột bỏ phần mai. Thịt cua được lọc ra và xay nhuyễn rồi ủ từ 1 – 2 ngày cho đến khi dậy mùi. Nước cua tươi cũng được người dân ủ lên men khoảng 1 ngày đến khi chuyển sang màu đen và có mùi nồng, hơi khó ngửi thì mới mang ra chế biến. Lưu ý là khi ủ nước cua cần đảm bảo đúng và đủ thời gian để mùi thơm đạt chuẩn. Nếu nước cua quá nặng mùi hay ít mùi thì lúc nấu với bún cũng sẽ không ngon.

Phần nước cua sau khi lên men sẽ tiếp tục được nấu sôi trên bếp với lửa nhỏ rồi cho thêm thịt ba chỉ đã xào săn lại và măng tươi thái mỏng vào nồi. Nấu càng lâu thì măng tươi càng tiết ra vị ngọt khiến nước dùng thêm đậm đà. Người dân sẽ cho thêm cả trứng vịt luộc chín chung với nước dùng, khi khách gọi món thì mới múc ra và chan kèm vào bát bún cua thối. 

Bún cua thối, hương vị độc lạ giữa lòng phố núi Pleiku

Nước dùng được nấu cùng măng tươi 

Bún cua thối, hương vị độc lạ giữa lòng phố núi Pleiku

Nồi nước dùng đen sánh, nổi đặc lớp gạch cua cùng các topping hành phi, da heo chiên giòn cực hấp dẫn. Ảnh: @ninheating

2.2 Thưởng thức hương vị món bún cua thối

Thoạt nhìn, bún cua thối khiến nhiều người dè chừng vì mùi hương kém hấp dẫn. Món ăn này có mùi rất nặng, đặc biệt khi bạn ngửi ở gần và kể cả lúc ăn xong thì hương vị vẫn còn lưu lại ở trong khoang miệng. Vậy nên nếu như phở khô Gia Lai luôn được mọi người gợi ý thì bún cua thối vẫn là một món ăn gây khá nhiều tranh cãi. Những ai không chịu được mùi sẽ khó mà thưởng thức nhưng nếu quen rồi thì bạn sẽ cảm nhận được vị ngon, cay và đậm đà rất riêng. 

Một tô bún cua thối rất đơn giản, chỉ gồm một phần bún nhỏ, vài lát măng, chan xâm xấp nước dùng rồi thêm vào hành phi, tóp mỡ, da heo chiên giòn. Bún cua thối được ăn kèm với rau sống như xà lách, hoa chuối, giá đỗ, kinh giới, tía tô, húng quế… Ngoài ra, chủ quán cũng thường dọn thêm bánh phồng tôm, chả ram, nem chua… nên bạn có thể dùng chung nếu thích. Khi ăn món này bạn cần cho vào một ít chanh, ớt rồi trộn đều với rau và thưởng thức. Nếu thấy nhạt, bạn cũng có thể dùng thêm mắm nêm được chuẩn bị sẵn trên bàn. Để bún cua thối có độ béo ngậy, thơm ngon hơn, bạn hãy thưởng thức kèm trứng vịt được om trong nồi nước dùng. Quả trứng nhuộm màu đen sánh, thoang thoảng vị thịt cua lên men khá lạ miệng. 

Vì rất kén người ăn nên hầu như những chiếc tô đựng bún cua thối đều là loại nhỏ, chỉ to khoảng một bàn tay. Nước mắm cua cũng được dùng với một lượng rất ít (tương tự như lượng nước dùng của mì Quảng). Trộn đều các topping rồi từ từ thưởng thức, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được vị hăng nồng của nước dùng cùng với vị mằn mặn, chua cay đặc trưng khó có thể tìm thấy ở món ăn nào khác. 

Có nhiều người cho rằng thời điểm lý tưởng nhất để thưởng thức món ăn này là vào mùa mưa bởi khi đó cua đồng sẽ chắc thịt và dậy mùi hơn. Và cũng vì mùa mưa ở đất Gia Lai thường kéo dài nên mỗi lúc trời chuyển lạnh, được thưởng thức một tô bún cua thối cay nồng, đậm đà đã thành thói quen của người dân địa phương nơi đây. Mỗi phần bún cua thối đầy đủ có giá rất phải chăng, chỉ khoảng 10.000 VND – 15.000 VND. Cùng với gà nướng cơm lam Pleiku, phở hai tô, muối kiến K’Bang… bún cua thối đã trở thành một trong những món đặc sản độc đáo của ẩm thực Gia Lai.

Bún cua thối, hương vị độc lạ giữa lòng phố núi Pleiku

Bún cua thối ăn cùng trứng vịt om sẽ tăng thêm độ béo ngậy, đậm đà

Bún cua thối, hương vị độc lạ giữa lòng phố núi Pleiku

Người bán thường sẽ dọn kèm chả, nem… để bạn dùng chung nếu thích

Bún cua thối, hương vị độc lạ giữa lòng phố núi Pleiku

Theo người dân địa phương, thời điểm lý tưởng để thưởng thức món ăn này là vào mùa mưa

Bún cua thối là món ăn mang trong mình những điểm hấp dẫn riêng biệt, khiến mọi người nhớ mãi hương vị đặc trưng tưởng như khó ngửi nhưng lại có sức cuốn hút kỳ lạ. Tuy nhận về nhiều ý kiến khác biệt nhưng bất cứ ai cũng phải công nhận món ăn này đã góp phần tạo nên nét đặc sắc cho nền ẩm thực của vùng đất Gia Lai. Nếu có dịp về thăm nơi đây, bạn đừng quên thưởng thức món đặc sản độc đáo này nhé! 

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.