Chùa Viên Minh Bến Tre, ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tông

Chùa Viên Minh Bến Tre là một trong những ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính vốn có. Dừng chân tại đây trong hành trình du lịch Bến Tre, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, tận hưởng cảm giác bình yên, thư thái và tham dự các lễ hội đặc sắc.

Giới thiệu vài nét về chùa Viên Minh Bến Tre

1.1 Chùa Viên Minh nằm ở đâu?

Chùa Viên Minh Bến Tre là một ngôi cổ tự thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, tọa lạc tại số 1 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngay trong trung tâm thành phố. Ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1874 do người dân địa phương góp sức với tổng diện tích hơn 3.3000m2 và thiết kế ban đầu khá đơn sơ. Sau khi được tôn tạo lại, chùa Viên Minh hiện đang là một trong những địa điểm du lịch tâm linh ở Bến Tre cực kỳ nổi tiếng. Hằng năm, rất nhiều khách thập phương ghé thăm, vãn cảnh chùa Viên Minh Bến Tre với mong muốn tìm đến chốn bình yên, thanh tịnh, giúp xua tan đi mọi phiền muộn, mệt mỏi của cuộc sống thường ngày và cũng để khám phá những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc nơi đây. 

Chùa Viên Minh Bến Tre, ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tôngChùa Viên Minh Bến Tre là một trong những địa điểm hành hương, vãn cảnh được nhiều người biết đến ở xứ dừa

1.2 Lịch sử hình thành và phát triển của chùa Viên Minh Bến Tre

Chùa Viên Minh Bến Tre ban đầu vốn là một miếu thờ Quan Công nhỏ và đơn giản. Sau đó theo thời gian, miếu thờ này nhiều lần được trùng tu và xây sửa thành một ngôi chùa khang trang hơn để làm nơi cho các Phật tử tu tập. Vào năm 1951, chùa Viên Minh Bến Tre được tôn tạo lại với quy mô lớn và giữ nguyên kiến trúc như vậy cho tới ngày nay. 

Lúc bấy giờ, nguyên trụ trì của chùa Viên Minh là Hòa thượng Vĩnh Thiện. Đến năm 1961, Hòa thượng Vĩnh Thiện giao lại cho ba đệ tử là Hòa thượng Thiện Tín, Hòa thượng Huyền Vi và Hòa thượng Thanh Từ tiếp tục trông nom chùa. Từ sau năm 1975, chùa Viên Minh Bến Tre được Hòa thượng Thiện Tín giao cho đệ tử của mình tiếp quản là Hòa thượng Thích Thiện Phước và cho đến thời điểm hiện tại, trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Huệ Trí.

Xem thêm: Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống nơi ghi công vị tướng bưng biền

Chùa Viên Minh Bến Tre, ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tôngTừ một miếu thờ Quan Công nhỏ, chùa Viên Minh được trùng tu, xây dựng lại với quy mô lớn và khang trang như hiện nay

Hướng dẫn đường đi đến chùa Viên Minh Bến Tre

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đi bằng xe khách hoặc phượt xe máy đến chùa Viên Minh Bến Tre. Nếu đi theo nhóm đông người và muốn kết hợp tham quan nhiều điểm đến khác ở xứ dừa thì bạn có thể tham khảo một số nhà xe chạy tuyến bến xe miền Tây đi Bến Tre với giá vé chỉ khoảng 150.000 VND/người. Sau khi tới được bến xe Bến Tre ở trung tâm thành phố, bạn chỉ cần đi taxi hoặc Grab đến số 1 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 2) là sẽ tới nơi. 

Chùa Viên Minh Bến Tre có gì đặc sắc?

3.1 Kiến trúc của chùa Viên Minh

Chùa Viên Minh Bến Tre là một ngôi chùa thờ Phật cùng với tượng Quan Thánh Đế để phù hợp với phong tục tập quán cũng như tín ngưỡng của người Hoa và người Việt. Cổng chùa được xây theo kiểu tam quan truyền thống với cánh cửa khắc hình đài sen, phần mái lợp ngói âm dương và hai bên chạm trổ hình tượng lưỡng long tranh châu vô cùng bắt mắt. Bước qua cổng là đến khu vực khuôn viên hết sức rộng lớn, thoáng đãng và được trồng rất nhiều cây xanh, hoa kiểng để tăng thêm mỹ quan. Ở sân chùa có đặt một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 3m đứng uy nghi trên đài sen với gương mặt thanh thoát, trang nhã, tay trái cầm bình cam lộ còn tay phải cầm cành dương liễu trong tư thế phổ độ chúng sinh. Bên cạnh tượng Bồ Tát Quan Thế Âm là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 7m, ngồi trên tòa sen với thần thái phúc hậu và trang nghiêm. 

Chùa Viên Minh Bến Tre, ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tôngCổng chùa Viên Minh được xây theo kiểu tam quan với mái ngói âm dương truyền thống

Chùa Viên Minh Bến Tre, ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tôngTượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 3m đứng uy nghi trên đài sen

Chùa Viên Minh Bến Tre, ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tôngTượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 7m với thần thái với hiền từ, phúc hậu

Đi hết sân chùa Viên Minh Bến Tre, bạn sẽ đến với khu Chánh điện cực kỳ khang trang. Chánh điện được thiết kế theo phong cách cổ truyền của đền chùa Việt Nam kết hợp hài hòa với bản sắc văn hóa Trung Hoa, tạo nên lối kiến trúc vừa độc đáo vừa thân thuộc. Bên trong Chánh điện đặt bàn thờ Phật quanh năm nghi ngút hương khói cùng với hai bức tượng Phật A Di Đà và Thích Ca Mâu Ni có cốt bằng nan tre rất đặc biệt. Nhờ những nét kiến trúc ấn tượng như vậy nên nơi đây luôn nằm trong top chùa nổi tiếng ở Bến Tre. Đến vãn cảnh chùa Viên Minh Bến Tre, lắng nghe tiếng chuông ngân vang hòa quyện trong tiếng gió thổi xào xạc, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình thư thái hơn và được lấp đầy bởi sự yên bình, thanh tịnh toát ra từ cửa Phật.

Chùa Viên Minh Bến Tre, ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tôngChánh điện mang vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm

Chùa Viên Minh Bến Tre, ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tôngBàn thờ Phật bên trong Chánh điện

3.2 Các hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ hội tại chùa

Vì sở hữu khuôn viên rộng rãi nên vào những ngày lễ lớn của Phật giáo như lễ Vu Lan, lễ Phật Đản, Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu… chùa Viên Minh Bến Tre đều tổ chức các buổi đại lễ hết sức long trọng, thu hút hàng nghìn tín đồ Phật tử bốn phương đến tham dự. Ngoài ra, chùa còn thường xuyên tổ chức các khóa an cư, kiết hạ cho giới tăng ni của tỉnh Bến Tre, lễ sám hối và lễ thọ bát quan trai cho chúng Phật tử… Dần dần, chùa Viên Minh Bến Tre được nhiều người biết đến hơn và trở thành một trong những điểm hành hương, vãn cảnh, du lịch tâm linh nức tiếng ở xứ dừa. 

Chùa Viên Minh Bến Tre, ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tôngChùa thường xuyên tổ chức lễ sám hối, thọ bát quan trai và các khóa an cư, kiết hạ cho giới tăng ni, Phật tử tỉnh Bến Tre. Ảnh: Ban TT – TT Phật Giáo Bến Tre 

Kết luận

Mặc dù không phải là một ngôi cổ tự quá lâu đời hay sở hữu kiến trúc lộng lẫy, bề thế, chùa Viên Minh Bến Tre vẫn níu chân nhiều khách thập phương bởi sự bình yên, thanh tịnh hiếm có. Nếu có dịp về thăm xứ dừa, bạn hãy ghé qua vãn cảnh nơi đây để cảm nhận trọn vẹn những nét đặc sắc của ngôi chùa này nhé. Đừng quên đem theo cẩm nang du lịch Bến Tre trước khi xuất phát vì vẫn còn vô số điểm đến thú vị khác đang chờ đợi bạn khám phá đấy!

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.