Điện Thái Hòa nằm trong Hoàng Thành Huế là nơi đăng quang của 13 đời vua triều Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại. Nơi này được xem là trung tâm của cả đất nước trong thời đại phong kiến. Vậy hôm nay hãy cùng 3vi.vn tìm hiểu thêm về điện Thái Hòa – Hoàng Thành Huế để xem xem vì sao nơi này lại quan trọng như thế nhé!
Điện Thái Hòa và 1001 điều “bí mật” hay ho
1.1 Giới thiệu về Điện Thái Hòa – Hoàng Thành Huế
Điện Thái Hòa có vai trò là điện thiết triều, là địa điểm diễn ra những sự kiện quan trọng của triều đình – Những cuộc họp với quan thần hay những đại tiệc lớn như sinh thần của Vua và những người trong hoàng tộc.
Vì tính chất tôn nghiêm cũng như quan trọng, chỉ có nhà vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần trong triều mới có thể ra vào. Đến với nơi đây, bạn sẽ khám phá được những đường nét kiến trúc xa hoa cũng như tìm hiểu thêm về văn hóa của hoàng cung triều Nguyễn.
Tên gọi “Thái Hòa” trong công trình kiến trúc cung điện cũng mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Chữ “Thái” có ý nghĩa là sự to rộng, lớn lao, trong khi chữ “Hòa” ý chỉ sự hòa hợp giữa cương và nhu, giữa âm và dương, giữa người với người…
Vì thế khi kết hợp lại có ý nghĩa là khi mọi thứ đều hòa hợp với nhau thì vạn vật giữa trời và đất đều tốt tươi, thịnh vượng. Cái tên này dường như muốn thể hiện mong muốn của các vị vua triều Nguyễn là đem lại một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Từ đó, “dân giàu nước mạnh” đưa vương triều ngày một thịnh vượng và vững mạnh hơn.
1.2 Giá vé tham quan tham khảo:
•Giá vé đối với khách Việt Nam: 150k vé người lớn, 30k vé trẻ em
•Giá vé đối với khách quốc tế: 200k vé người lớn, 40k vé trẻ em
Lưu ý rằng đây là giá vé để tham quan Đại Nội thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế bạn nhé! Vì thế, bạn sẽ không chỉ được tham quan điện Thái Hòa mà còn được chiêm ngưỡng lối kiến trúc khác nhau của các khu vực Cung Diên Thọ, Tử Cấm Thành, Hoàng Thành Huế, Duyệt Thị Đường…
1.3 Lịch sử xây dựng và trùng tu đến ngày hôm nay
Điện Thái Hòa mà bạn thấy được ngày hôm nay thật ra không phải là điện Thái Hòa nguyên trạng như nó được khởi công xây dựng dưới thời vua Gia Long tháng 2 năm 1805. Chỉ trong vòng 8 tháng sau, điện Thái Hòa được hoàn thành.
Sau, nó còn trải qua thêm 2 quá trình xây dựng và trùng tu nữa. Lần đầu tiên là của vua Minh Mạng vào năm 1833, điện được di dời về phía mé Nam Đại Nội, trùng tu để trở nên tráng lệ và lộng lẫy hơn. Quy trình này thuộc vào kế hoạch quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội.
Vị trí của điện Thái Hòa được duy trì đến ngày nay. Lần thứ hai, điện Thái Hòa được “đại gia trùng kiến” vào năm 1923 vì vua Khải Định cần chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng vua tròn 40 tuổi). Sau, điện cũng trải qua thêm nhiều đợt trùng tu và sửa chữa nhỏ khác dưới thời vua Thành Thái, Bảo Đại.
Kết thúc chiến tranh, nhằm bảo dưỡng cũng như duy trì được di tích lịch sử này, nhà nước đã lần được tu sửa điện Thái Hòa vào năm 1960, 1970, 1981, 1985 và 1992. Đến nay, sau khi trải qua nhiều đợt trùng tu, điện Thái Hòa đã có ít nhiều thay đổi, tuy nhiên, phần lớn những dấu ấn lịch sử, đặc biệt phần kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật vẫn được giữ nguyên.
Và mới đây, vào tháng 11/2021, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết điện Thái Hòa sẽ trải qua đợt trùng tu, bảo tồn lớn kéo dài đến 4 năm. Vì đã có tuổi đời hơn 200 tuổi, lại gặp thời tiết miền Trung khắc nghiệt, hay mưa bão, hạn hán kéo dài nên việc điện Thái Hòa xuống cấp cũng là điều dễ hiểu.
1.4 Điện Thái Hòa nằm trong Đại Nội dùng để làm gì?
Điện Thái Hòa là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn. Đây cũng là địa điểm được sử dụng cho các buổi triều nghi, lễ thức quan trọng như: Đăng Quang, sinh thần, đón tiếp sứ thần và các buổi đại triều 2 lần hàng tháng vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch.
Vào những dịp này, nhà vua ngồi trên ngai vàng đặt phía trong điện, chỉ các quan Tứ trụ và hoàng thân quốc thích vua mới được vào điện diện kiến. Còn đa số các quan thần khác phải đứng xếp hàng ở sân Đại Triều Nghi theo cấp bậc và thứ hạng từ nhất phẩm đến cửu phẩm. Quan văn sẽ đứng bên trái còn quan võ đứng bên phải. Tất cả các vị trí đều được đánh dấu bằng hai hàng “phẩm sơn” – Hai dãy đá đặt trước sân chầu.
Lối kiến trúc tại Điện Thái Hòa kinh thành Huế
Ngay khi đặt chân đến điện Thái Hòa, bạn sẽ phải ngạc nhiên vì độ rộng lớn tại nơi đây – Tổng diện tích của điện Thái Hòa lên đến 1.360 m2. Có 3 điểm đặc biệt chính làm nên sự khác biệt và độc đáo cho điện Thái Hòa, được chia ra như sau:
2.1 Hệ thống sườn nhà được làm chủ yếu bằng gỗ lim
Gỗ, bên cạnh vàng, chính là biểu tượng cho sự xa hoa và quý tộc trong thời phong kiến xa xưa. Vì thế khi cho xây dựng cung điện Thái Hòa, nhà vua cũng đã cho xây dựng hệ thống sườn nhà tại đây chủ yếu bằng gỗ lim quý hiếm, có độ bền cao với thời gian.
Nếu rảnh rỗi, thay vì đếm hạt gạo thì sao bạn không thử đếm xem có bao nhiêu cột ở điện Thái Hòa? Quá lười thì để 3vi.vn trả lời thay bạn nhé! Có tổng cộng đến hơn 80 cột được sơn vẽ rồng thếp vàng tại cung điện, tất cả đều được làm thủ công từ các nghệ nhân điêu khắc ngày xưa.
Khi đi qua tiền điện, bạn sẽ thấy ngay một tấm biển sơn son thiếp vàng với 3 từ tiếng Hán lớn, nôm na chính là Thái Hòa Điện. Bên cạnh đó cũng sẽ thấy những dòng chữ nhỏ hơn ghi thời gian xây dựng, tái xây dựng cũng năm đại tu của công trình.
2.2 Phong cách kiến trúc mái nhà trùng thiềm điệp ốc – trùng thiềm trùng lương
Dù nghe có phần “chẳng hiểu gì cả” nhưng có thể hiểu thiết kế trùng thiềm điệp ốc chính là nói đến những mái chồng lên nhau và những ngôi nhà nối liền nhau. Hệ thống vì kèo phía trước trên mái nhà là loại “chồng rường – giả thủ” có cấu trúc vô cùng tinh tế kết hợp với phần vì kèo sau thiết kế đơn giản hơn, tạo nên sự hòa hợp, đối xứng.
Ở giữa hai tầng mái trên là dải cổ diêm chạy quanh các mặt của tòa nhà. Ở các ô hộc phân cách của dải cổ diêm sẽ được trang trí hình vẽ, thơ văn vô cùng sáng tạo và độc đáo.
2.3 Con số tâm linh 5 và 9
Nói về kiến trúc Điện Thái Hòa, không thể không nhắc đến bộ đôi con số 5 và 9. Hai con số này xuất hiện nhiều nhất ở các bậc thềm của điện và hình thức trang trí nội thất. Lấy ví dụ, khi Nhà vua đi từ Đại Cung Môn đến Thái Hòa cần phải bước qua 9 cấp bậc thềm nền dưới và 5 cấp bậc thềm nền trên.
Số bậc cấp bước lên đệ nhị và đệ nhất Bái đình tổng cũng là 9. Ngoài ra, ở các khu vực quan trọng như ngai vàng, bửi tán đều được trang trí bộ 9 con rồng.
Những lưu ý khi đến với Điện Thái Hòa
Bắt đầu từ thời gian tháng 11/2021, điện Thái Hòa sẽ bước vào giai đoạn trùng tu từ những điểm hư hỏng, đến tổng diện tích cả khu cung điện. Vì thế trải nghiệm của du khách cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, bạn nên lưu ý nhé! Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025.
- Dù không có quy định nghiêm ngặt nhưng vì cũng là một di tích lịch sử tôn nghiêm của dân tộc nên bạn cũng nên chọn những bộ cánh lịch sự, không quá hở hang.
- Không được chụp ảnh, ghi hình nội thất cũng như chạm tay vào hiện vật để bảo tồn được những di tích lịch sử được vẹn toàn nhất
- Nên tìm hiểu trước bản đồ tham quan vì khu vực Đại Nội cực kỳ rộng lớn, tránh lạc đường khi di chuyển khám phá bên trong.
- Giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi để đảm bảo khuôn viên di tích sạch đẹp bạn nhé!
Chi tiết buổi tham quan đến điện Thái Hòa thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế của 3vi.vn đến đây là hết rồi. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích cũng như cụ thể nhất về Điện Thái Hòa. Bạn cũng có thể tham khảo thêm Cầu Trường Tiền hay đầm Lập An đều là những điểm đến lãng mạn tại thành phố Huế.
Xem thêm: Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao – Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà Nguyễn