Khám phá cuộc sống của đồng bào dân tộc La Ha tại Mộc Châu

Dân tộc La Ha là một trong mười sáu dân tộc rất ít người tại Việt Nam với dân số chỉ khoảng 10000 người. Tuy nhỏ bé đến vậy nhưng dân tộc này vẫn có những nét riêng biệt trong văn hóa và đời sống của mình. Hãy cùng 3vi.vn dạo quanh một vòng tham quan cuộc sống của đồng bào dân tộc La Ha tại Mộc Châu nhé!

Thông tin sơ lược về dân tộc La Ha tại Mộc Châu 

Dân tộc La Ha- còn có những tên gọi khác như Xá Cha, Xá Khao, Bủ Hà, Klá…đã được Nhà nước công nhận là 1 dân tộc trong hệ thống 54 dân tộc tại Việt Nam. Dân tộc La Ha sinh sống chủ yếu tại Sơn La và Lào Cai, đặc biệt ở tỉnh Sơn La họ cư trú tại các vùng Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Mộc Châu. Do có mặt tại vùng Tây Bắc từ rất sớm, cộng thêm việc cộng cư lâu đời cùng với dân tộc Thái nên dân tộc La Ha có sự giao thoa văn hóa đậm nét với dân tộc này. 

Khám phá cuộc sống của đồng bào dân tộc La Ha tại Mộc Châu

Dân tộc La Ha- một trong mười sáu dân tộc rất ít người tại Việt Nam. Ảnh: VietNamNet 

Con người và cuộc sống tại dân tộc La Ha tại Mộc Châu

2.1 Tiếng nói và chữ viết

Người La Ha cũng có tiếng nói riêng là tiếng La Ha, tuy nhiên rất ít người ở một số vùng có thể nói tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó hệ thống chữ viết của họ cũng không có văn tự, thay vào đó đa phần người dân tộc La Ha sử dụng tiếng Thái là chủ yếu, từ những giao tiếp sinh hoạt hằng ngày cho đến các hoạt động cộng đồng như hát dân ca, cúng tế,… cũng đều sử dụng tiếng Thái.

2.2 Trang phục dân tộc La Ha

Người La Ha có trồng bông dệt vải nhưng sản phẩm làm ra không được nhiều, chủ yếu là trao đổi hàng hóa với dân tộc Thái bằng lâm thổ sản, lương thực để đổi lấy vải, trang phục của người Thái. Chính vì vậy người La Ha mặc giống với người Thái đen, nhất là khi phụ nữ trong tộc La Ha có chồng, tóc sẽ búi lên đỉnh đầu và đội khăn piêu như người Thái nhưng đàn ông trong tộc hiện nay hầu như không mặc trang phục truyền thống mà mặc âu phục. 

Khám phá cuộc sống của đồng bào dân tộc La Ha tại Mộc Châu

Trang phục của phụ nữ dân tộc La Ha giống với trang phục truyền thống của người Thái đen. Ảnh: VnExpress

2.3 Nhà ở của người dân tộc La Ha

Người La Ha thường sống tập trung thành bản, làng nhỏ hoặc sống xen kẽ với người Thái, Khơ Mú. Trước đây, người La Ha thường sống du canh, du cư, làm nhà tạm bợ nhưng hiện nay họ đã sống định canh, làm ruộng nước kết hợp với nương rẫy, nhà cửa làm giống người Thái: nhà sàn với khung bằng gỗ, tre đơn giản, ít được gia công chắc chắn, tường nhà làm bằng phên nứa, mái được lợp bằng lá cây hoặc cỏ gianh. Nhà thường chia thành hai phần tương ứng với hai cửa ra vào với hai cầu thang lên xuống tại hai đầu nhà, một là cửa vào phòng khách, một là cửa vào chỗ sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên cách bài trí bên trong ngôi nhà (như gian thờ, bếp, phòng ngủ,…) vẫn giữ nét truyền thống của dân tộc La Ha.

2.4 Kinh tế

Về phát triển kinh tế, người La Ha sống chủ yếu dựa vào nghề làm rẫy theo lối du canh,  do đó việc hái lượm đóng vai trò quan trọng hơn so với săn bắn và đánh cá và đến nay thói quen săn bắt hái lượm vẫn được duy trì. Một số nơi trồng thêm lúa nước và làm vườn. Họ cũng chăn nuôi trâu, bò để lấy sức cày, bừa, kéo và gia cầm như gà, lợn để làm thực phẩm. Ngoài ra người Ha La còn biết đắp bờ chống xói mòn nương; có nơi đã biết dùng phân bón. 

Ngày nay, để hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ định canh, định cư và điều này đã cải thiện cuộc sống của họ phần nào rõ rệt. Bên cạnh đó còn  các chương trình như chương trình 134 và 135 đã giúp đồng bào La Ha nâng cao trình độ dân trí, xóa đói giảm nghèo và bắt kịp xu hướng phát triển chung của cả nước. 

Đời sống văn hóa và tinh thần dân tộc La Ha

3.1 Hôn nhân trong dân tộc La Ha

Trong gia đình của người La Ha, chế độ phụ quyền hoàn toàn chiếm ưu thế. Người vợ phải phụ thuộc vào chồng, mang họ chồng sau khi cưới và cũng không được chia tài sản nếu chồng chết trước. Con gái cũng phải theo họ bố và cũng không được thừa kế tài sản. Điểm độc đáo trong đời sống hôn nhân của người La Ha là trai gái được tự do tìm hiểu nhau thông qua lời hát, tiếng sáo, nhị. Sau 3 đến 10 ngày người tìm hiểu, người con trai nói với bố mẹ cử người đi dạm. Nhà gái nhận trầu và đưa áo của cô gái cho bên nhà trai xem bói. Nhà gái chia trầu cho họ hàng để hỏi ý kiến, ai không đồng ý thì trả lại trầu. Trong 5 ngày nếu nhà gái không trả lại trầu cho nhà trai có nghĩa là nhà gái đồng ý, 10 ngày sau người con trai đến nhà gái bắt đầu ở rể làm công cho bố mẹ vợ từ 4-8 năm. Hết hạn đó sẽ tiến hành tổ chức lễ cưới. Cô dâu được về ở nhà chồng, đổi theo họ chồng và không được quay về ở với bố mẹ đẻ nữa, dù chồng chết.

Hiện nay các nghi lễ cưới xin truyền thống vẫn được bảo tồn nhưng tục ở rể đã bỏ, chỉ mang tính chất hình thức, thay vào đó là nhà trai đem tiền đến để trả tượng trưng số năm ở rể và cô dâu cũng không cần phải đổi họ theo họ chồng.

3.2 Tang ma

Về ma chay, Người La Ha có niềm tin vào thế giới bên kia- tức thế giới sau khi chết. Chính vì thế họ tổ chức tang lễ theo tục địa táng: người chết được đem ra huyệt rồi mới cho vào quan tài chôn,  sau đó dựng nhà mồ ở trên. Khi chôn cất,  người đã chết sẽ được người thân của mình chôn theo cả tiền lẫn thóc và người chết được đặt theo hướng đầu quay về bản, chân hướng mặt trời mọc; nhà mồ được xây đơn giản trên mộ, người ta xem nhà mồ như là nơi trú ngụ của linh hồn người đã khuất nên họ đặt trong nhà mồ những thứ cần thiết cho một cuộc sống như: giỏ cơm, quần áo, chăn, đệm v..v

Hiện nay, một số nghi lễ trong an táng đã được bãi bỏ để theo nề nếp sống của văn hóa mới. Thay vào đó họ cho người chết vào trong quan tài rồi mới đem đi chôn cất, không để người chết trong nhà quá 48 giờ như ngày trước. 

3.3 Tục lệ và tín ngưỡng truyền thống của người La Ha

Dân tộc La Ha theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh, ngoài ra họ cũng thờ các vị thần như thần Linga (thần dương vật), thần cung kiếm,… Chính vì vậy bàn thờ trong gia đình của họ lúc nào cũng có hình nộm dương vật, kiếm và cái mộc.

Bên cạnh đó, vì theo chế độ phụ quyền nên việc thờ cúng cha rất được coi trọng. Hằng năm hoặc 2-3 năm một lần, vào mùa hoa ban nở, người La Ha  tổ chức lễ mừng xuân (lễ tạ ơn tổ tiên) để đền ơn cha. Trong dịp này, con dâu sẽ thực hiện nhiệm vụ đồ các món để cúng như  xôi trắng và xôi cẩm, thịt thú rừng đã sấy, khoai sọ, bầu bí, rau, sau đó gói các món đã được đồ này thành từng gói riêng trên mâm rồi để lên bàn thờ của cha. Đây là lễ bày tỏ công ơn cha mẹ sinh thành, đồng thời còn để cầu cho mùa màng tươi tốt trong năm tới.

Về các lễ nghi truyền thống, người La Ha có một số lễ hội tiêu biểu như Pang a nụn ban (Đậu Pang ả). Trong lễ hội này, thầy mo tổ chức cúng để chữa khỏi bệnh cho người bệnh và nhận họ làm con nuôi; hằng năm các thầy mo sẽ tổ chức lễ hội và mời con nuôi mình đến dâng lễ, vui chơi. Bên cạnh con nuôi sẽ còn có cả người dân bản tham dự, chính vì thế đây là lễ hội mang tính chất cộng đồng rất cao. Trong lễ hội, ngoài lễ cúng ra còn có các trò diễn tái hiện lại các hoạt động sản xuất, các động tác của các con vật trong tự nhiên, hoặc các lễ cầu cho cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc như cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh… 

Khám phá cuộc sống của đồng bào dân tộc La Ha tại Mộc Châu

Thầy cúng đang làm các nghi thức cúng tế trong buổi lễ cầu an của người La Ha . Ảnh: VnExpress

Dân tộc La Ha còn có nhiều truyện kể dân gian về các nhân vật anh hùng. Ngoài ra họ còn có thể ca hát và làm thơ bằng tiếng Thái khá thạo. Hai điệu múa đặc trưng của dân tộc là múa linga (dương vật) và múa kiếm hiện nay vẫn được bảo tồn giá trị

Ngoài người La Ha ra, bạn có thể đến Mộc Châu để thăm một số dân tộc thiểu số khác như Dân tộc Xinh Mun, Đồng bào dân tộc H’Mông và đi thăm những điểm đến hấp dẫn như Rừng Thông Bảng Áng, Thung Lũng Mận Nà Ka, Thung lũng Mận Mu Nấu,… 

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.