Giữa cuộc sống hiện đại, ít ai ngờ rằng ở nơi Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm, những người nghệ nhân vẫn ngày đêm tỉ mẩn với từng đường kim mũi chỉ. Những người ấy, họ thêu cốt để giữ gìn nét đẹp truyền thống của cha ông, cốt để mang đến cho bạn bè khắp bốn phương những tác phẩm được hoàn thành từ những sợi ren ‘nhỏ mà có võ. Để rồi mặc thời gian thoi đưa, họ vẫn ở đó, bền bỉ và cần mẩn theo tháng năm, chủ yếu để lớp trẻ sau này có cái mà nhận ra đất nước mình còn đó những nghề truyền thống đặc biệt…
Định vị chính xác tọa độ của Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm
Địa chỉ: làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, tỉnh Ninh Bình
Là một trong 6 làng nghề truyền thống vinh dự được nhận bằng khen, được Nhà Nước hỗ trợ phát triển, Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm là nơi phát tích, hội tụ đủ đầy những tinh hoa của nghề thêu ren truyền thống. Nằm trong quần thể danh thắng Tam Cốc Bích Động, làng là nơi hiếm hoi mà người dân nơi đây vẫn còn kiếm sống qua ngày bằng nghề thêu, sản xuất nông nghiệp, đồng thời trở thành một trong những điểm tham quan tại Ninh Bình được bao người yêu mến.
Xem thêm: Động Am Tiên – Vẻ đẹp nao lòng nơi thâm sơn cùng cốc
Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm đã tồn tại từ rất lâu và nổi tiếng cả một vùng
Bạn có thể đến tham quan Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm bằng những loại phương tiện nào?
Chỉ cách trung tâm thành phố Ninh Bình tầm chừng 7km, thế nên có cực kỳ nhiều cách để bạn có thể đến Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm. Phổ biến hơn cả là xe máy, xe khách và tàu hỏa. Nếu đi bằng xe máy, bạn có thể đi theo lộ trình Hà Nội – QL 1A cũ – Ninh Bình. Lưu ý là bạn nên đi theo hướng Ninh Bình Thanh Hóa, tránh đi nhầm sang phía đi về Nam Định – Thái Bình nhé.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn đi Ninh Bình từ Hà Nội hoặc Sài Gòn bằng tàu hỏa nếu dư dả thời gian. Từ Hà Nội, bạn có thể đón các tuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7 hoặc SE19. Tại Sài Gòn, tuyến tàu SE8 sẽ đưa bạn đến với hành trình khám phá Ninh Bình.
Ngược dòng thời gian, tìm hiểu về lịch sử của Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm
Nằm ngay cạnh khu vực quần thể danh thắng, di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới như Quần thể danh thắng Tràng An, làng Văn Lâm là một trong những nơi hiếm hơi còn gìn giữ được cái hồn của nghề thêu ren truyền thống và vang danh khắp cả nước.
Hiện nay, thông qua những di tích lịch sử vẫn còn tồn tại trong khắp khuôn viên làng, mọi người có thể dễ dàng nhận ra nghề thêu đã xuất hiện ở vùng đất này từ hơn 700 năm trước. Vốn trước kia, làng Văn Lâm là nơi chuyên thêu các loại trang phục, chẳng hạn như quần, áo, mũ của đội tế, tàn, lọng, y môn, để phục vụ nghi thức, nghi lễ đời sống văn hóa tâm linh của các triều đại phong kiến nước ta.
Những đứa trẻ ngồi quây quần bên cạnh người nghệ nhân già để xem ông khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ. Ảnh: Quang Đức
Có nhiều giai thoại, truyền thuyết khác nhau về lịch sử hình thành của nghề. Tuy nhiên, theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề thêu ren của làng đã xuất hiện từ rất sớm, cụ thể là từ thời nhà Trần. Vốn trước kia, khi vua tôi nhà Trần rút lui chiến lược từ Thăng Long về Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần hai, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ của thái sư Trần Thủ Độ đã cho các cung nữ truyền dạy cho người dân địa phương nghề thêu ren cung đình.
Chính giai thoại này đã luôn là một chứng cứ vẻ vang, tự hào của người dân về nghề thêu ren của họ. Dẫu chẳng có một văn bản thành văn hay bất kì sắc phong nào của các vua triều đại trước đề cập đến quá trình hình thàng nghề thêu hay người có công truyền dạy, họ vẫn luôn tự hào về xuất xứ của cái nghề đã gắn bó suốt bao tháng năm qua. Bởi thế nên người dân nơi đây mỗi khi nhắc về cái nghề đã luôn là ‘cần câu cơm’ của mình, họ đều bày tỏ trọn vẹn sự biết ơn thành kính nhất định, đặc biệt là đối với những bậc tiền nhân có công truyền nghề ngày trước.
Ngoài ra, còn có một sự kiện quan trọng gắn liền với Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm để mỗi khi nhắc đến, người dân luôn có thể kể vanh vách rõ ràng. Vào năm 1910 dưới thời Pháp thuộc, chính hai cụ Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan, vốn là người làng Văn Lâm, đã cất công lặn lội lên tận Hà Nội để học nghề thêu ren của người Pháp. Khi đã học được nghề, hai cụ đã quay trở về dạy lại cho người dân. Từ dạo ấy, cái làng nhỏ này đã thật sự bước qua một giai đoạn mới, với nghề thêu ren đã liên tục được người dân phát triển với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã cùng các phương thức sản xuất mới, cốt để đáp ứng được nhu cầu của thời cuộc.
Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm đã khéo léo thay đổi để phù hợp với nhu cầu của mọi người
Từ đó, Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm như được khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới và tồn tại mãi cho đến tận ngày nay với một loạt những sản phẩm mới mẻ, mang hơi thở hiện đại hơn: khăn trải bàn, khăn ăn, rèm, vỏ chăn ga, gối, quần áo thời trang, tùng, cúc, trúc, mai, tranh sơn thủy hữu tình, trang mừng thọ, tranh con vật, v.v. Không chỉ vậy, Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm chính thức được tỉnh Ninh Bình công nhận vào năm 2006, và tháng 11/2007 được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước. Từ dạo ấy, làng Văn Lâm đã trở thành một trong những điểm tham quan tại Ninh Bình được bao người yêu mến.
Những trải nghiệm thú vị đang chờ bạn tại Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm
4.1 Tham quan đền thờ 3 vị tổ sư nghề thêu tại Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm
Nếu đến khu vực gần bến đò làng, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy một ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc truyền thống với mái đỏ nổi bật. Đây là nơi thờ phượng ba vị tổ sư nghề thêu, bao gồm Quốc tổ nghề thêu Lê Công Hành cùng hai cụ ông Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan. Ngôi đền là nơi để dân làng bày tỏ lòng ngưỡng vọng cũng như sự trân trọng, biết ơn đối với những bậc tiền nhân đã có công truyền nghề cho con cháu.
Đến với đền, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cột đá được tạc hai câu đối có ý nghĩa quan trọng: “Mỹ nghệ hoa văn truyền hậu thế – Tài hoa cẩm tú ngưỡng tiên sinh”. Thông qua hai câu đối này, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sự biết ơn và trân trọng thành tâm của những người dân nơi đây. Ngoài ra, đền còn là một minh chứng rõ nét nhất phản ánh truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của người dân nơi đây dành cho những người có công mang nghề thêu về làng, giúp cho họ có được cuộc sống ấm no, sung túc hơn.
4.2 Gặp gỡ các vị nghệ nhân tài hoa và chiêm ngắm quy trình thêu tỉ mẩn
Hiện nay, có đến hơn 700 trong số 830 hộ gia đình tại làng theo nghề ren truyền thống. Không chỉ ngày đêm tỉ mẩn cho ra đời những sản phẩm thêu ren nổi bật, sống động để đưa những ‘đứa con tinh thần’ đi xa khắp mọi miền và cả nước ngoài, người dân nơi đây còn kết hợp tổ chức những hoạt động sinh hoạt với người nghệ nhân, giúp mọi người có thể tìm hiểu rõ hơn về sự tinh tế trong từng khâu, từ đó thêm yêu hơn cái nghề truyền thống cha ông truyền lại từ bao đời nay.
Nếu đến Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm, bạn có thể tìm gặp những người nghệ nhân nổi tiếng trong làng, chẳng hạn như ông Chu Quý Tháp, một trong những nghệ nhân thêu ren có tiếng của làng. Ông cũng chính là tác giả của bức tranh thêu Về nguồn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với chiều dài 4m đầy ấn tượng. Đến gặp ông vào một ngày đẹp trời, bạn sẽ được ông kể cho nghe về quy trình để làm nên một bức tranh hoàn hảo, từ lên ý tưởng, thuê họa sĩ thiết kế trước khi bắt tay vào thêu. Phải có dịp tận mắt chiêm ngưỡng quy trình thêu ren tỉ mẩn, bạn mới càng yêu hơn sự đặc biệt của cái nghề truyền thống đã luôn đứng vững giữa cuộc sống hiện đại này.
Người nghệ nhân già ngày đêm cần mẩn để làm nên một sản phẩm thêu ren hoàn hảo
Họ khéo léo từ khâu châm mẫu trước khi thêu
Cho đến công đoạn định hình để in lên trên vải
Họ khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ
Những sản phẩm mang đậm dấu ấn của những người nghệ nhân nơi Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm
Mặc thời gian thoi đưa, Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm vẫn luôn ở đấy. Những người nghệ nhân vẫn cần mẩn ngày đêm để cho ra đời những tác phẩm đặc biệt, để đưa cái nghề của cha ông đến được với bao thế hệ trẻ và giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết chẳng thể tắt. Qua từng đường kim mũi chỉ, dường như ta có thể cảm nhận được trọn vẹn hồn Việt năm nào. Bạn ơi, hẹn một ngày đẹp trời tụi mình cùng về thăm làng Văn Lâm nhé!