Điều gì ở món Bún riêu Buôn Ma Thuột hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm bất ngờ cho người thưởng thức món ăn? Nguyên liệu, hương vị hay các món ăn kèm? Cùng theo 3vi.vn tìm hiểu ngay và luôn trong chuyến hành trình khám phá ẩm thực vùng đất Tây Nguyên nói chung và du lịch Buôn Ma Thuột nói riêng nhé!
Giới thiệu đôi nét về món ăn Bún riêu Buôn Ma Thuột
Bên cạnh nhiều món ngon phố núi nổi tiếng như Mì bà Hường Buôn Ma Thuột, bánh canh lòng gà, bún đỏ, bánh đúc…, Bún riêu Buôn Ma Thuột là một trong những món ăn gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân thành phố này. Món ăn sở hữu hương vị vừa độc đáo lại rất khó cưỡng.
Tuy không có các loại topping như ốc, huyết, đậu chiên, trứng cút, chả lụa, thịt viên và giò heo giống với món bún Sài Gòn, nhưng bún riêu Buôn Mê thường nhồi thêm tôm khô, trứng và thịt vào miếng riêu cua. Do đó, riêu cua ở đây thường rất to và béo ngậy.
Bún riêu Buôn Ma Thuột là một trong những món ăn gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân phố núi, sở hữu hương vị thơm ngon, khác biệt
Thêm vào đó, nước dùng của món Bún riêu Buôn Ma Thuột thường đậm đà hơn bún ở các vùng miền khác. Các loại rau ăn kèm cũng rất đặc trưng, bao gồm rau xà lách, bắp cải, hoa chuối, rau thơm và rau kinh giới. Mắm tôm cũng được pha chế theo công thức riêng nên khi thưởng thức mang lại cảm giác rất “độc quyền”, khó nhầm lẫn với hương vị nào.
Bổ sung ngay món Bún riêu Buôn Ma Thuột vào Cẩm nang du lịch để thưởng thức ngay món ăn này khi ghé đến phố núi nhé bạn ơi!
Xem thêm: Lần đầu đến Buôn Mê Thuột ăn gì cho ngon bổ rẻ
Bởi vì được nhồi thêm các loại nguyên liệu khác nên miếng riêu của món bún Ban Mê lúc nào cũng rất to và tròn đầy
Món bún riêu phố núi có gì đặc sắc?
2.1 Nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu Bún riêu Buôn Ma Thuột
Để nấu món Bún riêu Buôn Ma Thuột chuẩn vị, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu bao gồm: rau xà lách, rau kinh giới, cà chua, hành tím, bún sợi nhỏ, dầu màu điều, thịt xay, tôm khô, trứng gà, đậu phụ, sườn non, da heo, mỡ heo, gia vị bún riêu và các gia vị đi kèm.
Số lượng nguyên liệu tất nhiên sẽ được chuẩn bị theo định mức phù hợp với số lượng người ăn, thế nhưng bạn nên lưu ý lựa chọn các nguyên liệu tươi sạch, nhất là cà chua và các loại rau ăn kèm như rau xà lách, rau kinh giới… để thành phẩm Bún riêu Buôn Ma Thuột ngon và chuẩn vị nhất nhé.
Muốn món ăn chuẩn vị nhất có thể, bên cạnh các loại nguyên liệu nấu nước dùng, làm riêu, tóp mỡ, bạn cần phải chuẩn bị thêm các loại rau ăn kèm
2.2 Cách nấu món ăn ngon này
Chuẩn bị nguyên liệu xong xuôi, chúng ta sẽ bước qua phần chế biến món bún. Tuy công đoạn nấu bún riêu được đánh giá là có phần kỳ công hơn các món ngon phố núi khác như Bánh đúc Bà Bột Buôn Ma Thuột nhưng thành phẩm thì chắc chắn hấp dẫn và khác biệt hơn rất nhiều.
Bước 1: Trước khi bắt tay vào công đoạn nấu, bạn sẽ cần sơ chế nguyên liệu sạch sẽ trước. Đối với các loại rau củ, bạn nên rửa qua nước sạch rồi để cho ráo nước. Về phần da và mỡ heo, bạn cũng làm tương tự rồi cắt chúng thành từng miếng vuông bằng đốt tay vừa phải. Sườn non thì bạn chỉ cần rửa sạch để mang đi ninh nước dùng.
Bước 2: Tiếp theo, bạn cho mỡ heo đã làm sạch và cắt miếng vào chảo, phi đều để làm thành tóp mỡ. Đem da heo và sườn non ninh mềm trong thời gian nhất định. Để nước dùng trong và ngọt nước hơn, bạn cần chú ý thường xuyên vớt cặn và bọt.
Tóp mỡ của món Bún riêu Buôn Ma Thuột này được nhận xét rất thơm ngon, dai giòn, nhai thấy sực sực, béo ngậy
Bước 3: Trong quá trình chờ nước dùng mềm sườn và ngọt nước, bạn sơ chế thêm vài loại nguyên liệu khác để thêm vào nước dùng như cà chua cắt múi cau, đậu phụ cắt thành từng miếng vuông đầy đặn. Đối với tôm khô, bạn ngâm nước cho mềm, rồi mang đi giã nhuyễn để chuẩn bị chế biến phần riêu. Tiếp đến, bạn băm hành tím.
Bước 4: Xong xuôi, bạn trộn tôm khô đã giã nhuyễn với thịt xay, cho vào 1 muỗng cà phê tiêu, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê hành tím băm nhuyễn với 2 quả trứng gà rồi trộn đều tay để tất cả thấm gia vị.
Khác với món bún riêu Sài Gòn, bún riêu Ban Mê không có ốc, huyết, trứng cút, chả lụa, đậu viên, thịt viên, và cả giò heo
Bước 5: Hỗn hợp riêu vừa xong cũng là lúc nước dùng đã dần ngọt nước, sườn non thì bắt đầu mềm. Khi này, bạn cho vào 2 muỗng canh dầu điều để tạo màu, chú ý gia giảm để món ăn có màu đẹp mắt nhất. Sau đó tiếp tục thêm vào nồi nước dùng cà chua và 2 viên gia vị bún riêu. Bạn khuấy đều nước dùng rồi nêm nếm cho hợp khẩu vị.
Bước 6: Cuối cùng, bạn dùng thìa xắn từng miếng riêu sống (hỗn hợp thịt xay và tôm ban nãy) đã trộn, cho vào nồi. Lưu ý xắn miếng vừa phải để thành phẩm hấp dẫn hơn đồng thời tiếp tục đun thêm nước dùng tới khi riêu sống chín là có thể thưởng thức món ăn.
Không giống như món bún riêu thông thường, miếng riêu của món ngon Ban Mê này được nhồi thêm tôm khô, trứng và thịt
Bạn cho bún cọng nhỏ vào tô, múc nước dùng có màu đỏ óng ánh lưng lưng với miếng riêu cua tròn đầy và tóp mỡ rồi hưởng thức cùng với rau sống băm nhuyễn, trong đó không thể thiếu là các loại như xà lách, bắp chuối bào mỏng, bắp cải trộn, rau thơm, kinh giới và húng. Như vậy là ta đã có tô Bún riêu Buôn Ma Thuột “chuẩn bài” với phần riêu béo ngậy, hấp dẫn, ăn với các loại rau ngon.
Bí quyết cho hương vị mới mẻ của món Bún riêu Buôn Ma Thuột là các loại rau ăn kèm, trong đó có rau húng, kinh giới, hoa chuối bào mỏng…
Video đặc sắc về món ngon Bún riêu Buôn Ma Thuột
Choáng ngợp với gánh bún riêu Đoàn Kết bán ngàn tô mỗi ngày nhờ vào hương vị món bún thơm ngon, khó cưỡng. Nguồn: Youtube/Ẩm Thực và Du Lịch
Vậy là 3vi.vn vừa giới thiệu đến bạn món Bún riêu Buôn Ma Thuột thơm ngon, đặc trưng với phần riêu nhồi béo ngậy và các loại rau ăn kèm “độc quyền” như kinh giới và húng, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn một hương vị, một trải nghiệm ẩm thực rất khác khi thưởng thức món ngon này. Ngoài bún riêu, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và vùng đất Tây Nguyên nói chung còn có rất nhiều món ăn đặc sản như gỏi đu đủ kiến lửa Buôn Ma Thuột, Đọt mây gai Daklak…, đừng quên thưởng thức để có một chuyến đi thêm phần trọn vẹn nhé bạn ơi!