Mọi người thường bảo đùa nhau rằng, những phiên chợ luôn là một trong những ‘bảo tàng sống’ về đất và người nơi ấy. Và tất nhiên, Chợ phiên Mèo Vạc – một trong những phiên chợ lớn nhất nơi cao nguyên đá Đồng Văn cũng vậy. Chẳng biết từ bao giờ, phiên chợ này đã trở thành nơi người dân nơi biên giới cực bắc Tổ quốc mua bán, trao đổi hàng hóa và giao lưu, tâm tình, chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Vậy thật ra nơi phiên chợ này có gì đặc biệt, hãy cùng tìm hiểu với 3vi.vn nhé.
Chợ phiên Mèo Vạc được tổ chức ở đâu?
Là một trong những phiên chợ nổi tiếng nhất nơi vùng đất Hà Giang nơi cực Bắc nước nhà, Chợ phiên Mèo Vạc được tổ chức ngay khu vực trung tâm thị trấn Mèo Vạc Hà Giang. Khác với những buổi chợ miền xuôi ngày nào cũng họp, ngày nào cũng có thì chợ phiên Mèo Vạc duy chỉ họp vào một ngày Chủ nhật mỗi tuần mà thôi.
Xem thêm: Lãng mạn Chợ tình Khâu Vai – Khi đi lẻ bóng, khi về có đôi
Không chỉ là nơi để bà con các dân tộc huyện Mèo Vạc cùng vùng cao nguyên đá Đồng Văn lui tới mua bán, trao đổi các món nhu yếu phẩm, nông cụ, nông sản phục vụ đời sống thường ngày, chợ phiên còn là dịp để mọi người giao lưu, tâm tình. Chính bởi thế nên phiên chợ Mèo Vạc đã luôn là một trong những nét đẹp văn hóa, đồng thời mang ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống của người dân nơi đây.
Nếu có ý định tham gia Chợ phiên Mèo Vạc, bạn sẽ phải thức dậy từ sớm, khoảng độ 4 – 5 giờ sáng. Từ khi tinh mơ còn chưa tỏ mặt người thì mọi người từ các xã, huyện lân cận đã bắt đầu đổ về thị trấn Mèo Vạc trên những con đường đèo dốc quanh co. Chợ phiên Mèo Vạc thường họp chợ từ rất sớm. Đến đây, bạn sẽ được nghe thấy tiếng xe cộ qua lại, tiếng cười nói rộn ràng cùng tiếng lục lạc kêu vang cả một vùng trời, tạo nên bầu không khí náo nhiệt và sôi động đến lạ.
Ấn tượng khung cảnh rộn ràng, náo nhiệt nơi Chợ phiên Mèo Vạc. Video: Nắng Cao Nguyên
Chợ phiên Mèo Vạc bắt đầu từ khi nào?
Cứ vào những ngày khí trời nơi cao nguyên đá Đồng Văn se se lạnh, đó là lúc báo hiệu một mùa đông và mùa Tết mới lại đang đến gần. Những ngày này, dường như chợ phiên Mèo Vạc cũng trở nên đông đúc hơn và dồi dào nguồn hàng hóa hơn cả.
Phiên chợ lớn nhất nơi cao nguyên đá này xuất hiện từ bao giờ, vốn dĩ chẳng ai rõ cả. Người dân nơi đây từ trước đến giờ vẫn giữ nguyên phong vị mộc mạc, dân dã thời xưa: cái gì cũng có, cái gì cũng bán. Ấy vậy mà lạ lắm, phiên chợ này chẳng có cảnh chèo kéo, cũng chẳng hề nói thách tí nào cả. Đôi khi thấy ai có cảm tình một xíu là nhiệt tình giảm giá, hoặc sẵn sàng đổi hàng hóa ngang giá mà chẳng cần đến tiền mặt nữa.
Cứ bình dị và dân dã như thế, ấy vậy mà phiên chợ này đã tồn tại song hành cùng bao thế hệ người Mông, người Dao, Kinh, Lô Lô, Giáy nơi huyện Mèo Vạc. Đối với họ, chợ phiên Mèo Vạc không chỉ là dịp để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn mang đến cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi, kết giao, đồng thời là dịp quan trọng của sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây.
Những cách di chuyển đến Chợ phiên Mèo Vạc
Bởi vi được tổ chức ngay tại khu vực trung tâm thị trấn, thế nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến chợ bằng xe máy hoặc xe hơi đều được cả. Bạn có thể lựa chọn một trong ba tuyến đường như sau:
– Tuyến 1: Quốc lộ 34 – Quốc lộ 4C – Thị trấn Mèo Vạc. Từ đây, bạn đi thêm 400m sẽ đến chợ phiên. Tổng lộ trình dài khoảng 4 giờ 35 phút
– Tuyến 2: Quốc lộ 4C – Tỉnh lộ 182 – Tỉnh lộ 176 – DT 182 – Thị trấn Mèo Vạc. Từ đây, bạn tiếp tục đi thêm khoảng chừng 400m là sẽ đến được chợ. Tổng lộ trình dài khoảng 4 giờ 45 phút
– Tuyến 3: Quốc lộ 34 – Tỉnh lộ 176 – DT 182 – Trạm y tế thị trấn Mèo Vạc. Từ đây, bạn rẽ phải và đi thêm khoảng 850m sẽ đến chợ. Tổng lộ trnh dài khoảng 5 giờ 10 phút
Những điều thú vị nơi Chợ phiên Mèo Vạc
4.1 Chợ phiên Mèo Vạc với khung cảnh rộn ràng, náo nhiệt từ lúc tờ mờ sáng
Trong bầu không khí se se lạnh của chốn non cao Đông Bắc, khi sương sớm của miền núi vẫn còn chưa tan hết thì các ngả đường dẫn đến Chợ phiên Mèo Vạc đã rộn ràng tiếng xe cộ, nô nức tiếng nói cười. Người thì đi trên xe thồ, xe gắn máy, người thì thong thả đi bộ từ triền núi xuống chợ với vẻ háo hức và có chút khẩn trương, hồi hộp nữa.
Trong ngày diễn ra phiên họp chợ, từ lúc tờ mờ sáng thì những đồng bào người Mông, Dao, Lô Lô, Nùng, v.v. đã xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống xinh đẹp rủ nhau xuống chợ, bắt đầu cho buổi họp chợ náo nhiệt nhất của chốn này. Đối với họ, chợ phiên Mèo Vạc không chỉ là nơi để họ mua sắm các loại nông cụ, nông sản hoặc trao đổi hàng hóa, mà còn là dịp để họ đi chơi, hẹn hò và gặp gỡ mọi người nữa. Bởi thế nên ai nấy khi xuống chợ cũng đều diện lên người những bộ đồ đẹp nhất với màu sắc rực rỡ nhất, đặc biệt là cánh chị em phụ nữ.
Vốn là phiên chợ vùng cao lớn nhất chốn non cao Hà Giang với đông đảo người tham gia từ hàng chục xã trong và ngoài huyện, thế nên Chợ phiên Mèo Vạc luôn tấp nập khung cảnh người qua kẻ lại với những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, hệt như một đóa hoa ngũ sắc nở rộ nơi cao nguyên đá Đồng Văn.
Chợ phiên Mèo Vạc là dịp để mọi người mua sắm, họp mặt, giao lưu văn hóa. Ảnh: Mai Khanh
Bầu không khí rộn ràng tiếng trò chuyện, cười nói nơi chợ phiên Mèo Vạc. Ảnh: Mai Khanh
4.2 Đến Chợ phiên Mèo Vạc, dường như bạn muốn mua gì cũng có!
Trong những năm gần đây, để có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm và giao lưu của người dân, Chợ phiên Mèo Vạc đã được tổ chức quy củ hơn với những mặt hàng được phân chia theo dãy. Điều này giúp cho mọi người có thể dễ dàng tìm mua.
Ở khu vực đầu chợ là những dãy hàng bánh. Khác hẳn với miền xuôi, bánh ở chợ phiên không quá đa dạng, thường là bánh rán do người Kinh làm và bánh ngô nướng của đồng bào dân tộc mà thôi. Thế nhưng, hương vị của bánh ngô nướng ở đây thì lại thơm ngon và hấp dẫn lắm đó.
Đi thêm một đoạn, bạn sẽ đến được khu vực bán rượu, chủ yếu là rượu ngô. Đây là một trong những loại rượu đặc sản của nơi này, được chính tay những người phụ nữ dân tộc chưng cất. Đến khu vực này, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những can rượu bày san sát nhau cùng mùi thơm nức mũi. Đặc biệt hơn, khi mua rượu ở chợ phiên, bạn sẽ được thử thoải mái trước khi quyết định có mua hay không nữa đó.
Phía sau khu bán rượu chính là khu vực bán gia súc, gia cầm các loại. Một điểm khác biệt giữa chợ phiên Mèo Vạc và những chợ phiên khác là ở đây, chó, lợn, gà, v.v. sẽ không bị bỏ vào rọ mà sẽ được cắp nách hoặc buộc dây dắt đi. Trong khi đó, khu vực bán trâu bò đặc biệt hơn với những chiếc lắc được đeo vào cổ, đợi người đến xem và chọn mua. Ở đây, bạn sẽ có thể tìm thấy cả lợn Lũng Pù cắp nách bản địa nổi tiếng hoặc chú chó Mông đuôi cộc thông minh vang danh cả một vùng.
Có một điều thú vị là hầu như người nào ở chợ cũng mang theo ít nhất một sản vật quen thuộc do họ tự sản xuất mang bán, trao đổi như rau củ, nông cụ, đồ vải lanh, thổ cẩm truyền thống, gia vị, đồ ăn, thảo dược, v.v. Người dân ở đây không nói thách giá, cũng chẳng ép mua, ép bán gì cả. Nếu bán không hết, họ sẽ mang hàng hóa về và đợi đến phiên chợ sau. Ngoài ra, với tâm thế đi chơi chợ, thế nên chợ phiên Mèo Vạc còn có hẳn một khu ẩm thực cực rộng với đa dạng các thức quà như: mèn mén, thắng cố, bánh đá nướng, bánh rán, phở, v.v.
Chợ phiên Mèo Vạc là một trong những phiên chợ lớn nhất nơi cao nguyên đá, thế nên hàng hóa tại đây cũng đa dạng hơn cả. Ảnh: Mai Khanh
Cánh mày râu ngồi quây quần, vừa trò chuyện vừa nhâm nhi chung rượu ngô, rít dăm ba hơi thuốc lào trong khí trời se lạnh của những ngày cuối đông. Ảnh: Mai Khanh
Những chảo thắng cố nghi ngút khói luôn được mọi người yêu thích hơn cả. Ảnh: Mai Khanh
Những đứa trẻ nhỏ vùng cao xì xụp bát phở gà nóng hôi hổi. Ảnh: Mai Khanh
Những chú lợn ỉn ì ạch chẳng chịu đi. Ảnh: Mai Khanh
Trông ‘cu cậu’ này cũng mệt mỏi phết chứ chẳng đùa! Ảnh: Mai Khanh
Những chú chó Mông thông minh cũng xuất hiện tại phiên chợ đặc biệt này. Ảnh: Mai Khanh
Là một trong những phiên chợ lớn nhất nơi cao nguyên đá, thế nên Chợ phiên Mèo Vạc cũng thu hút đông đảo mọi người ghé đến vui chơi, mua sắm và trao đổi hàng hóa. Nếu có dịp khám phá Hà Giang trong những ngày cuối tuần, đừng bỏ qua cơ hội được trải nghiệm bầu không khí sôi động, náo nhiệt tại phiên chợ đặc biệt này bạn nhé.