Nhà cổ Huỳnh Phủ, kiến trúc độc đáo hơn trăm năm tuổi

Nhà cổ Huỳnh Phủ được xem như công trình kiến trúc xưa nhất còn tại mảnh đất Bến Tre. Dù đã có tuổi đời hơn 100 năm nhưng nơi đây vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng vốn có. Nếu có dịp du lịch Bến Tre, hãy đến thăm ngôi nhà cổ này và bạn chắc chắn sẽ phải kinh ngạc với kiến trúc độc đáo ở đây.

Vào Nam lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng nhưng với sự cần mẫn của người nông dân thì cụ Hương Liêm đã xây dựng nên những cơ ngơi đồ sộ như ngày hôm nay. Minh chứng cho sự đồ sộ đó là nhà cổ Huỳnh Phủ, một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo của người xưa.

Nguồn gốc ra đời của nhà cổ Huỳnh Phủ

Địa chỉ: Xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Để đến thăm nhà cổ Huỳnh Phủ bạn có thể đi bằng taxi Bến Tre hoặc bất kỳ phương tiện nào mà phù hợp nhất cho chuyến tham quan của bạn. Chủ nhân của ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ là ông Huỳnh Ngọc Khiêm hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là Hương Liêm. Theo như cháu đời thứ 6 của chủ nhân ngôi nhà kể lại thì ngày xưa khi ông Hương Liêm cùng vợ mình từ miền Trung dùng ghe bầu vào Nam, đến mé sông Hàm Luông thì bị đứt quai chèo liên tục 2 lần. Không những thế, ở khu rừng núi hoang sơ không một bóng người như vậy mà ông còn nghe thấy 2 câu hát ru “Cây khô tưới nước cũng khô. Phận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo”. Khi kết hợp những điều đó lại ông cụ nghĩ rằng là trời cho mình đến đây lập nghiệp và quyết định cùng vợ mình lên bờ, định cư tại mảnh đất này.

Ngày trước, nơi đây chỉ toàn là rừng cây còn ông cũng chỉ có hai bàn tay trắng nhưng sau một khoảng thời gian kiên trì, nỗ lực, chí thú làm ăn thì điền sản của gia đình cụ Hương Liêm đã lên tới 2.000 mẫu đất. Gia đình ông đã trở thành người giàu có nhất vùng, được quan trên trọng dụng và mời vào bàn hương chức. Đây cũng chính là lý do cho cái tên Hương Liêm của ông. Sau khi gia đình khá giả cũng là lúc ông quyết định xây nên ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ. Ông đã trở về Huế để mua sắm nguyên vật liệu và mời thợ ở nơi đây vào Nam xây nhà. Ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn bằng thủ công trong 14 năm.

Nhà cổ Huỳnh Phủ, kiến trúc độc đáo hơn trăm năm tuổi

Cảnh quang xung quanh nhà cổ Huỳnh Phủ khi nhìn từ bên ngoài

Xem thêm: Đến Đình Phú Tự Bến Tre chiêm ngưỡng lối kiến trúc cổ xưa

Nét kiến trúc độc đáo của nhà cổ Huỳnh Phủ 

2.1 Tổng quan về kiến trúc nhà cổ Huỳnh Phủ

Vào năm 1904, nhà cổ Huỳnh Phủ được hoàn thành và mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của xứ Huế. Ngôi nhà được xây dựng theo cấu trúc xuyên trính (có hai cột ở trung tâm, vì kèo nằm về hai phía đối xứng đòn đông và được nối với nhau bằng một thanh dầm ngang còn được gọi là trính hay trến). Nền nhà cổ Huỳnh Phủ thì được xây tam cấp, lót gạch Tàu với kiến trúc hình chữ nhất, gồm 3 phòng chính và thêm 2 phòng nhỏ ở đầu hồi. Gian thứ nhất là nơi thờ Phật, tổ tiên trong gia đình và thường được dùng để sinh hoạt chung với bề ngang khoảng 17m, chiều dài tầm 25m.

Nhà cổ Huỳnh Phủ được xây dựng hoàn toàn bằng thủ công với 48 cột lớn bằng gỗ lim, căm xe còn lại 32 cây bằng xi măng. Bước vào trong, bạn chắc chắn sẽ hiểu được  lý do nên đi khám phá Bến Tre của bản thân là gì bởi vì bạn chắc chắn sẽ bị choáng ngợp khi được tận mắt chiêm ngưỡng những hoa văn chạm khắc vô cùng tỉ mỉ, tinh tế và công phu.

Nhà cổ Huỳnh Phủ, kiến trúc độc đáo hơn trăm năm tuổi

Kiến trúc độc đáo của nhà cổ Huỳnh Phủ

2.2 Hoa văn độc đáo, sống động của nhà cổ Huỳnh Phủ

Hệ thống vì kèo, xuyên trính của nhà cổ Huỳnh Phủ đều được chạm trổ công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Nếu nhìn lên trên trần nhà, bạn sẽ thấy có một vài mái ngói mà mặt âm của nó được vẽ hoa văn mây nước vô cùng tinh xảo. Ngày xưa, toàn bộ mái ngói ở nhà cổ Huỳnh Phủ đều được vẽ hoa văn nhưng vào cuối năm 2006, cơn bão cấp 9 đã làm cho phần ngói bị hư hỏng khá nhiều nên gia đình phải lựa những viên còn sử dụng được để lợp lại giữ kỷ niệm.

Các đôi liễn của nhà cổ Huỳnh Phủ cũng vô cùng đặc biệt khi được làm từ thân của một cây gỗ to và ốp lên cột. Trong khi đó, ở những nhà cổ khác thì liễn chỉ được làm trên miếng ván ngang để treo lên cột mà thôi. Cây dùng làm liễn được móc ruột để khớp và ôm chặt vào thân cột tạo nên sự cứng cáp, vừa đẹp lại còn sang trọng. Trên liễn cũng được chạm trổ vô cùng tinh tế với những đề tài quen thuộc như: nhị thập tứ hiếu, ngư tiều canh mục,… Từ chân cột đến bao lam đều được điêu khắc bằng rất nhiều hình thù quen thuộc của những người nông dân như cua, tôm, cá, cò, kỳ lân, phụng hay những loại hoa quả khác.

Điều đó cho thấy chủ nhân căn nhà là một người vô cùng giản dị, ông biết ơn và có lòng yêu thương sâu sắc với từng cảnh vật nơi đây bởi chính những điều đó đã giúp cho cụ Hương Liêm sở hữu được cơ ngơi như bây giờ. Không những thế, các tấm trám trên vách mặt tiền gian chính đều có hai lớp nếu ở phía trước là các sản vật quen thuộc thì sau được chạm lọng lưới tổ ong. 

Nhưng nơi được xem là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc có thể nói là bàn thờ tổ tiên của nhà họ Huỳnh bởi các phiến gỗ của khu vực này đều được chạm trổ nổi vô cùng chân thật và sơn son thếp vàng thể hiện sự sang trọng, giàu có của chủ nhà nhưng không một chút khoa trương. Phòng ngủ của gia đình là nơi được giữ nguyên vẹn nhất với 2 chiếc giường lớn bằng gỗ lim nằm đối diện nhau. Để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao như vậy thì người thợ xưa phải đạt đến trình độ thượng thừa khó kiếm được. Vì thế mà theo lời cha ông kể lại thì ngày xưa khi cụ Hương Liêm mướn nghệ nhân chạm khắc, ông đã không tính ngày công mà bằng khối lượng dăm bào, mỗi chén sẽ được trả 5 cắc.

Nhà cổ Huỳnh Phủ, kiến trúc độc đáo hơn trăm năm tuổi

Hoa văn tô điểm cho ngôi nhà này được chạm khắc nổi và mạ vàng vô cùng tinh tế

Nhà cổ Huỳnh Phủ, kiến trúc độc đáo hơn trăm năm tuổi

Đường nét chạm trổ tinh tế ở mọi góc nhà cổ Huỳnh Phủ

Nhà cổ Huỳnh Phủ là di tích đáng tự hào của Bến Tre

Dù đã trải qua hơn 100 năm với nhiều sự thay đổi, không còn dáng vẻ nguyên vẹn như lúc đầu nhưng nhà cổ Huỳnh Phủ vẫn mang đầy bản sắc văn hóa. Cũng giống với   Di tích Cây da đôi, nơi đây cũng chính là niềm tự hào to lớn của người dân Bến Tre. Khi tới đây bạn còn được nghe cháu của chủ nhân căn nhà tự hào kể với bạn về những lịch sử của dòng họ Huỳnh, một trong những dòng tộc có công khai phá vùng đất Duyên hải Tây Nam Bộ cách đây 100 năm. Với những giá trị tiêu biểu cùng lối kiến trúc độc đáo của nhà cổ Huỳnh Phủ mà vào ngày 14/4/2011, nơi đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Nhà cổ Huỳnh Phủ hơn 1 thế kỷ tại Bến Tre. Video: Nhật Bảo Gia Lai

Hi vọng rằng bài viết này đã giúp cho các bạn tìm thấy được một địa điểm du lịch mới đầy thú vị. Hãy lưu ngay bài viết này vào cuốn cẩm nang du lịch của bạn để chắc chắn rằng mình sẽ không bỏ lỡ một Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vô cùng độc đáo như thế này.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.