Rượu cần Mộc Châu – Nét đẹp độc đáo trong nền ẩm thực Mộc Châu

Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên mang đậm nét trữ tình của núi rừng Tây Bắc, Mộc Châu còn thu hút du khách nhờ nền ẩm thực phong phú mà không thể không nhắc tới Rượu cần Mộc Châu. Đối với người dân Mộc Châu nói riêng cũng như những tín đồ đam mê ẩm thực thì Rượu cần Mộc Châu không chỉ là một loại đồ uống mà còn là một nét văn hóa độc đáo. Vì vậy hãy cùng 3vi.vn tìm hiểu về nét độc đáo của Rượu cần Tây Bắc nhé!

Tổng quan về Rượu cần Tây Bắc

Quả là thiếu sót nếu có dịp ghé thăm miền đất Mộc Châu đầy thơ mộng mà chưa một lần thưởng thức Rượu cần Mộc Châu. Rượu cần còn có tên gọi khác là “lảu kép” (có nghĩa là rượu trấu), “lảu bẳng” (rượu ống), “lảu co” (rượu cây), “lảu xả” (rượu của người Xá) là loại rượu đặc trưng của người dân tộc Thái ở Tây Bắc nói chung cũng như dân tộc Thái ở Mộc Châu nói riêng. Rượu cần Mộc Châu thường được dùng trong các dịp quan trọng như lễ, cưới xin, mừng nhà mới, hay khi có khách quý tới thăm nhà và đặc biệt là Tết độc lập Mộc Châu. Tuy rượu cần đều được làm từ ngô nếp nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị khác nhau mà theo như những tín đồ ẩm thực thì chỉ có Rượu cần Mộc Châu là ngon hơn cả. Rượu cần Mộc Châu mang trong mình hương vị rất riêng khiến người ta say đắm, nhớ mãi không quên.

Xem thêm: Thưởng thức mận hậu Mộc Châu – Đặc sản miền Tây Bắc

Rượu cần Mộc Châu - Nét đẹp độc đáo trong nền ẩm thực Mộc Châu

Chum rượu cần là một nét đẹp của người dân Mộc Châu

Cách làm Rượu cần Mộc Châu

2.1 Nguyên liệu

Nguyên liệu tạo nên một chum rượu cần không quá phức tạp nhưng khá đa dạng và phong phú. Đầu tiên phải kể đến chính là men rượu. Men rượu được người dân tộc Thái làm rất công phu từ các loại lá cây rừng có tinh dầu, các loại gừng, riềng,… Tiếp đến chính là cái rượu. Cái rượu được làm chủ yếu từ các loại ngũ cốc có sẵn trong đời sống hàng ngày như: ngô, sắn, gạo nếp, gạo tẻ, hạt ý dĩ, hạt bo bo, hạt cào, hạt kê,… Ngoài ra còn cần thêm các vật dụng để đựng rượu như bình, chum, hũ,…

2.2 Cách làm ra một chum Rượu cần Mộc Châu chuẩn chỉnh

Để làm ra một chum rượu cần ngon đòi hỏi người làm rượu có thâm niên và hiểu biết nhất định trong việc làm rượu cần cũng như sự tỉ mỉ và chỉnh chu nhất định. Đầu tiên là quá trình làm men rượu: các loại lá được đem đi giã thật nhuyễn với gạo tấm, sau đó nắm thành từng miếng tròn dẹt như bánh rán, đem ủ với rơm và xếp từng lớp đều nhau. Khi đã ủ đủ 15 -20 ngày sẽ ngửi thấy mùi men bốc lên tức là đã đến lúc đem đi phơi lên gác bếp cho khô. Khi cần dùng thì đem đi giã nhỏ và cho vào làm rượu. Nhưng hiện nay, tại một số xưởng sản xuất công nghiệp, người ta đã thay loại men này bằng các loại men công nghiệp.

Cái rượu được làm bằng cách lấy vỏ củ sắn khô đem gọt và ngâm nước ở suối ba ngày, ba đêm cho hết mùi và độc tố của sắn. Sau đó vớt lên phơi khô và trộn với trấu lẫn tấm đưa lên đồ cho chín rồi cho ra mẹt và để nguội. Sau khi nguội sẽ đem đi rắc men đều từng lớp và ủ lá rừng rồi bỏ vào chum. Rượu được ủ trong chum từ 25 – 30 ngày có thể thưởng thức. 

Tuy vậy vẫn có một cách làm đơn giản hơn chính là: Gạo đem đi đãi sạch, sau đó ngâm nước lã hoặc nước ấm trong 3 – 5 giờ đồng hồ. Đến khi gạo đã mềm sẽ được đổ ra rá, dội lại bằng nước lạnh cho sạch. Đem gạo sau khi đã ngâm và rửa sạch đồ lên cho gạo chín kỹ rồi mới đổ ra mẹt. 

Lúc này không được vội vàng mà phải chờ cho gạo nguội hẳn mới đem trộn đều với vỏ trấu và men theo tỷ lệ một gạo : hai trấu : ½ lạng men (nghĩa là 1kg gạo : 2kg trấu : 1/2 lạng men). Ở công đoạn này, những người ủ rượu lành nghề sẽ thêm vào rượu những loại men bằng lá tươi để rượu thơm ngon hơn. Sau khi đã trộn xong, hỗn hợp này sẽ được ủ kỹ bằng lá hoặc bằng nilon sao cho thật kín từ 5 – 7 ngày đến khi dậy mùi thơm. 

Khi nghe thấy mùi thơm nghĩa là đã có thể đem hỗn hợp đổ vào chum hay hũ, bịt kín lại. Tiếp theo, dùng thêm tro bếp sạch, hòa nước sền sệt đắp kín miệng chum. Rượu được bảo quản noi khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ trong vòng 10 ngày thì có thể đem ra thưởng thức hoặc mời khách.

Rượu cần Mộc Châu - Nét đẹp độc đáo trong nền ẩm thực Mộc Châu

Những chum rượu cần thành phẩm

Thưởng thức Rượu cần Mộc Châu sao cho đúng điệu

Uống rượu cần cũng cần những nghi lễ độc đáo. Chủ nhà khi mở chum rượu sẽ khấn Giàng đem lại sức khỏe cũng như may mắn cho mọi người. Sau đó chủ nhà sẽ là người nếm trước một ngụm nhỏ rồi mới nâng cần trao cho khách. Lúc này, khách phải đỡ cần bằng cả hai tay, tay trái đặt lên đầu cần, tay phải phải cầm phần thân sát miệng chum rồi vuốt nhẹ và thưởng thức.

Sẽ có một người thanh niên hay thiếu nữ mặc trang phục truyền thống cầm sừng trâu tiếp nước vào chum. Có nhiều loại chum khác nhau: chum nhỏ là chum một cần, thường dùng cho vợ chồng. Ngoài ra còn có chum nhỡ dùng cho 2, 4, 6, 8 người hay chum lớn dùng cho 10, 12, 14 người.

Rượu cần Mộc Châu - Nét đẹp độc đáo trong nền ẩm thực Mộc Châu

Có nhiều loại chum rượu cần Mộc Châu khác nhau

Những khi rượu cần mở thường đi kèm ca hát, khèn, chiêng và những điệu múa vòng tròn uyển chuyển bên ánh lửa lập lòe. Bên hũ rượu sẽ là nơi người dân tại bản hội họp với nhau, gắn chặt thêm tình đoàn kết và cũng là các dịp cho trai gái mới lớn được tìm hiểu nhau cũng như vui chơi, nhảy múa.

Rượu cần Mộc Châu - Nét đẹp độc đáo trong nền ẩm thực Mộc Châu

Rượu cần Mộc Châu thường được phục vụ trong các dịp đặc biệt

Để hương vị được thêm phần đặc sắc, những tín đồ ẩm thực thường thưởng thức rượu cần cùng với thịt trâu gác bếp Mộc Châu hoặc Nậm Pịa Mộc Châu. Rượu cần thanh mát kết hợp với thịt trâu thơm ngon hay hương vị đặc trưng của nậm pịa chắc hẳn là một trải nghiệm mà bạn sẽ không thể nào quên.

Ẩm thực luôn là nét vẽ sinh động nhất để phản ánh cuộc sống người dân của mỗi vùng miền đặc biệt là văn hóa rượu cần Mộc Châu. Nếu có dịp ghé thăm mảnh đất xinh đẹp này, thì bạn đừng ngần ngại hãy thử thưởng thức văn hóa rượu cần độc đáo của người dân Mộc Châu nhé! Với những chia sẻ của mình, 3vi.vn hy vọng bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi đến Mộc Châu.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.