Cách Hà Nội khoảng 100km về phía Nam, làng nghề Ninh Bình từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, mang đậm bản sắc dân tộc, hấp dẫn du khách cả trong lẫn ngoài nước. Cùng theo chân 3vi.vn tham gia chuyến hành trình khám phá những điểm du lịch làng nghề Ninh Bình truyền thống đang hoạt động và được yêu thích bên dưới nhé!
Du lịch làng nghề Ninh Bình
Ninh Bình là điểm du lịch đang “làm mưa làm gió” ở khu vực miền Bắc nước ta. Đây cũng là một trong những địa danh thu hút đông đảo số lượng “khủng” du khách tham quan mỗi năm. Không chỉ sở hữu những danh lam thắng cảnh như Tràng An, Khu du lịch sinh thái Thung Nham, Tam Cốc – Bích Động… mà Ninh Bình còn là vùng đất của rất nhiều làng nghề truyền thống mang giá trị lịch sử lâu đời. Hiện nay, dù nhịp sống hiện đại của thành phố đang dần len lỏi vào nông thôn, thì các làng nghề Ninh Bình vẫn giữ được bản sắc dân tộc và trở thành một trong những nét hấp dẫn, thu hút nhiều tín đồ xê dịch. Cùng “điểm mặt” các làng nghề Ninh Bình bên dưới nhé!
Xem thêm: Núi Non Nước – Khám phá ngọn núi mang trên mình nhiều bài thơ cổ tại Ninh Bình
Hành trình khám phá các làng nghề Ninh Bình truyền thống
2.1 Làng nghề thêu ren Văn Lâm – Làng nghề Ninh Bình
Vị trí: xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam
Trong các làng nghề Ninh Bình truyền thống, thì Làng nghề ren Văn Lâm được xem là một trong những nơi hội tụ tinh hoa của nghề thêu ren ở Việt Nam. Nằm ngay cạnh khu vực quần thể danh thắng, di sản văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An, nên du khách cũng sẽ dễ dàng tìm và đến được đây. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, từ năm 1285, khi vua Trần Thái Tông tròn 40 tuổi, nhường ngôi cho con lên làm Thái Thượng Hoàng, và về vùng núi Vũ Lâm tu hành. Sau đó, bà Trần Thị Dung là vợ của Thái sư Trần Thủ Đô, theo triều đình nhà Trần về đây truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm biết chăn tầm, dệt vải và thêu thùa. Cứ như thế, nghề thêu ren đã có đến nay trên 800 năm. Trải qua cùng với thời gian thì nghề này vẫn còn được gìn giữ. Cụ thể nhất là mỗi gia đình ở Ninh Hải đều có nhiều loại khung thêu, từ các cháu nhỏ 7 – 8 tuổi đến cụ già 70 – 80 tuổi đều có thể cầm kim thêu được.
Tháng 11/2007, Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận Văn Lâm là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước – Làng nghề Ninh Bình
Đường nét thêu ren rất tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại, thanh tú, nhưng lại sống động, mịn màng như những nét vẽ
Trước đây, người dân làng Văn Lâm chuyên thêu các sản phẩm phục vụ nghi thức, nghi lễ như quần, áo, mũ của đội tế, tàn, lọng, y môn trong đình, đền. Đến nay, các nghệ nhân Văn Lâm đã đổi mới, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thêu ren rất phong phú, nào là ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, tranh, ảnh…
Bạn có thể xem clip để hiểu thêm về làng nghề thêu ren Văn Lâm
Cùng 3vi.vn xem những thước phim đẹp về Làng nghề thêu ren Văn Lâm.Nguồn: Youtube/ NinhBinhTV
2.2 Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân
Vị trí: làng Xuân Vũ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam
Một trong những làng nghề Ninh Bình đã có từ rất lâu mà hội cuồng chân sẽ hối tiếc nếu bỏ qua chính là Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân. Tại đây, nghề chế tác đá mỹ nghệ đã gắn bó với người dân hơn 400 năm tuổi, và hầu như nhà nào cũng có người theo nghề đục, gọt, mài đá cả. Khác với những làng đá nổi tiếng khác, nét độc đáo khiến làng đá Ninh Vân khó bị thay thế, chính là các sản phẩm đá mỹ nghệ đều được chế tác vô cùng hoành tráng trên những công trình như đình, chùa, lăng mộ, tượng đài, phù điêu…
Bạn sẽ thích thú với cổng làng được làm bằng đá, chạm khắc rất tinh xảo – Làng nghề Ninh Bình
Xưa kia, từ thời các vua Đinh (968 – 980), Tiền Lê (980 – 1009), danh tiếng nơi đây đã vang xa khắp cả nước với nghề làm tượng đá cho Kinh thành và đền chùa ở Hoa Lư
Người dân ở xã Ninh Vân có khối óc sáng tạo, cùng với đôi bàn tay tài hoa, đã “biến” những tảng đá vô tri vô giác, thành các tác phẩm nghệ thuật có hồn, làm lay động lòng người. Còn sản phẩm đá bao gồm: tượng, chim thú, bể cảnh, bia, chậu hoa, bàn, ghế, sập, hương án, cổng… Trải qua biết bao thăng trầm, làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân vẫn tồn tại và không ngừng nỗ lực phát triển đó!
Các sản phẩm đều được người thợ chạm khắc tinh tế, sống động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại
2.3 Làng nghề mỹ nghệ cói Kim Sơn
Vị trí: nằm gần khu di tích lịch sử nhà thờ Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Trong hành trình du lịch làng nghề Ninh Bình, thì làng nghề mỹ nghệ cói Kim Sơn từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng cói và làm hàng thủ công mỹ nghệ từ cói. Qua lời của các cụ sống tại đây kể lại rằng, năm 1829, doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ theo lệnh của Vua Minh Mạng tổ chức khai hoang vùng đất hoang ven biển và đặt tên là Kim Sơn, nghĩa là “Núi Vàng”. Ông là người đã biến nơi đây trở thành vùng duyên hải màu mỡ, một vùng “núi vàng” thật sự, với lúa, kinh tế biển, và đặc biệt là cây cói.
Cói là nguyên liệu chính của ngành dệt, có chu kỳ sinh trưởng giống với cây lúa. Với người dân Kim Sơn, cây cói gắn bó với nghề, và người thợ suốt cuộc đời cần lao
Sống trong cái nôi của làng nghề cói truyền thống, những người thợ với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đã tạo ra rất nhiều sản phẩm được nhiều người yêu thích
Nổi bật nhất trong các sản phẩm bằng cói ở Kim Sơn chính là Chiếu cói – Làng nghề Ninh Bình
Sau đó, không ngừng phát triển, các sản phẩm đã có nhiều loại hơn, phong phú, tha hồ cho bạn chọn lựa, nào là thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, mũ, túi xách…Bạn biết không, hiện nay sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đã “trình làng” ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể nói, cây cói không chỉ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, mà còn là niềm tự hào khẳng định vị thế của làng nghề Ninh Bình truyền thống. À, với những tín đồ cuồng chân, sau khi đã vi vu nhà thờ Phát Diệm, có thể “tạt ngang” mua vài quà lưu niệm mang về cho gia đình đó.
2.4 Làng nghề gốm Bồ Bát
Vị trí: thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Bên cạnh những làng nghề Ninh Bình truyền thống đặc sắc, thì Làng nghề gốm Bồ Bát được ví như “cái nôi” của làng gốm Bát Tràng, có từ hàng nghìn năm trước. Nơi đây nổi danh nhất vào thế kỷ thứ 10, với nhiều sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo và tinh tế, cùng tay nghề điêu luyện của những người thợ làng Bồ Bát.
Sắc gốm trắng độc đáo của gốm Bồ Bát thời đó, ít loại gốm nào có được
Theo sử sách ghi lại, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La đã mang theo 5 dòng họ lớn của Bồ Bát nhằm xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và người dân ở đây. Sau đó, những nghệ nhân này đã quyết định sinh sống tại vùng đất ven sông Hồng, lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay.
Làng gốm Bồ Bát là tổ nghề của làng gốm Bát Tràng – Làng nghề Ninh Bình
Từ đó, nghề gốm của làng bị lãng quên theo thời gian, dần mai một và bị thất truyền từ đó. Cũng tưởng chừng đã bị lãng quên, nhưng cách đây hơn 10 năm, những sản phẩm gốm Bồ Bát đã xuất hiện trở lại trên thị trường trong nước. Sản phẩm gốm sứ Bồ Bát cũng rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… đến những sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm mỹ thuật…
Sau nhiều năm chìm vào quên lãng, nghệ nhân Phạm Văn Lang đã xây dựng và hồi sinh nghề gốm cổ
Nghệ nhân say mê làm ra những sản phẩm gốm Bồ Bát để lấy lại thương hiệu nổi tiếng xưa
Còn chờ gì mà không thực hiện một chuyến du lịch làng nghề Ninh Bình để cảm nhận rõ nét hơn về những giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, bạn còn có thêm hàng triệu niềm vui và những trải nghiệm đáng nhớ với vài điểm đến Ninh Bình như đầm Vân Long của 3vi.vn.