Mộc Châu không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và thiên nhiên trù phú, mà còn là một bảng màu đa sắc với những bản làng các dân tộc thiểu số khác nhau. Trong bài viết ngày hôm nay, 3vi.vn sẽ dẫn bạn đến thăm đồng bào H’Mông tại Mộc Châu nhé!
Những thông tin cơ bản về đồng bào dân tộc H’Mông
Dân tộc H’Mông được xem là thành viên quan trọng trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở nước ta, có dân số hiện nay hơn 1 triệu người. Đặc biệt, người H’Mông có độ phân bố rất rộng, cư trú tại 62 trên 63 tỉnh thành Việt Nam. Tuy nhiên, nếu bạn muốn gặp cộng đồng dân tộc thiểu số này bạn nên đến các vùng núi cao nhé, vì họ thường tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như : Lai Châu, Điện Biên,Yên Châu, Sơn La và đặc biệt hơn cả là tại huyện Mộc Châu
Đồng bào dân tộc H’Mông trên các vùng núi cao
3vi.vn đố bạn dân tộc này có bao nhiêu nhóm nè? 2, 3 ư? Sai rồi họ có tận 6 nhóm (ngành) lận đấy, gồm các nhóm Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Trắng (Mông Đơư), Mông Đen (Mông Đu), Mông Đỏ (Mông Si), Mông Xanh (Mông Sua) và Na Miểu (Mèo nước). Hú hồn chưa, mà thậm chí tên gọi dành cho họ cũng dài và đa dạng y như vậy đó! Họ tự gọi mình là Mông, Na Miẻo, còn các dân tộc khác gọi họ là: Mẹo, Mèo, Miêu Hạ, Mán Trắng. Thêm một điều đặc biệt ở đây nữa là họ có nguồn gốc từ Trung Quốc, di cư sang nước ta sớm nhất là vào 500 năm trước và muộn nhất là 100 năm trước. Chính điều này mà họ đã góp phần làm phong phú cho nền văn hoá các dân tộc Việt Nam đó! Phong phú như thế nào thì 3vi.vn mời bạn đọc tiếp các phần sau về dân tộc thiểu số ở vùng núi Tây Bắc này nha.
Những nét độc đáo trong lối sống của người dân tộc H’Mông trên Mộc Châu
2.1 Lối sống của người dân tộc H’Mông
Nếu nói theo cách người trẻ hay nói hiện nay thì từ miêu tả chính xác nhất cho lối sống của dân tộc này là…xê dịch, hoặc theo cách nói chuẩn hơn chính là du canh, du cư. Họ sống rải rác theo lối sống du canh du cư để làm nương rẫy trên các vùng núi cao ở khắp Việt Nam. Nếu bạn trông thấy những sản phẩm nông nghiệp do chính tay họ làm ra, bạn sẽ vô cùng kinh ngạc vì độ thuần khiết đến khó tin của những sản phẩm này. Từ những trái dưa xanh non đến những hạt gạo trắng thơm, tưởng tượng thôi cũng làm chúng ta thèm được ăn một nắm xôi dẻo thơm nóng hổi rồi!
2.2 Đặc sản của dân tộc H’Mông
Nhắc đến xôi 3vi.vn mới nhớ, kể cho bạn nghe về dân tộc H’Mông thì không thể không mách cho bạn thêm về một món ăn nhất định phải thử khi đến thăm cộng đồng này, đó chính là món mèn mén. Tuy rằng nghe thành phần của món này rất đơn giản, là từ những hạt ngô ngon ngọt đem đi xây nhỏ và đồ như đồ xôi, nhưng để có thể thưởng thức món này phải trải qua những công đoạn rất cầu kỳ và người làm món này thường là người có kinh nghiệm nấu nướng trong gia đình, để đảm bảo chuẩn và giữ nguyên hương vị của mèn mén. Bạn hãy tưởng tượng đến một phiên chợ của người H’Mông và mua một bát phở hoặc mì hòa với mèn mén, hay một bát cơm trộn với mèn mén xem. Cái vị ngọt, bùi, thơm của ngô và vị mềm dẻo của cơm, hay nước súp nóng hổi của phở và mì giữa cái trời lạnh buốt nơi vùng cao Mộc Châu, dù trước đó bạn đã phải cất công đi đoạn đường xa xôi để đến được đây thì âu nó cũng hoàn toàn xứng đáng phải không nào!
Mèn mén- món ăn đặc sản dân dã nhưng cũng không kém phần độc đáo của người H’Mông
Phải nói rằng ẩm thực của người H’Mông đặc biệt ở chỗ đa phần chúng đều có nguyên liệu từ sản phẩm nông nghiệp và rất dân dã, ngoài mèn mén làm từ ngô ra còn có các món từ sắn, đỗ lạc, trong đó phải kể đến món Cải mèo Mộc Châu. Món rau cải ấy đã trở thành một đặc sản mà cứ mỗi khi tới Mộc Châu là nhất định phải ăn. 3vi.vn bật mí thêm cho bạn nè, đã lặn lội tìm đến đồng bào H’Mông ở Mộc Châu rồi thì bạn phải “xách” về thêm vài cân rau cải mèo cho bõ công đó nha. Loại rau này được xem là tinh hoa của đất trời Tây Bắc, có thể sinh trưởng rất tốt nơi khí hậu lạnh giá mà không cần chăm bón quá nhiều, vì thế từ lâu rau cải mèo được xem là thức quà quý của thiên nhiên, lại thêm công dụng hỗ trợ sức khỏe tốt nên du khách khi ghé thăm đều muốn tìm mua và thưởng thức món rau này.
Rau cải mèo- món rau nhất định phải thử khi đến thăm các bản làng của người H’Mông tại Mộc Châu
2.3 Trang phục và đồ thủ công của người H’Mông
Ngoài “xách” thêm vài cân rau cải mèo về nhà ra, 3vi.vn đảm bảo tay của bạn sẽ còn vất vả hơn nữa đó. Bạn có đoán ra được vì sao không? Đó là vì tại đây, mọi người không chỉ có hoa tay trong việc bếp núc mà còn là những bậc thầy của thủ công mỹ nghệ, đa dạng từ đan lát, làm đồ gỗ, trang sức …Thực ra ban đầu thợ thủ công H’Mông thường không chuyên nghiệp, họ rèn dao, cuốc, lưỡi cày chủ yếu để để phục vụ việc săn bắn và nuôi trồng. Tuy nhiên, như ông bà ta có câu “có công mài sắt có ngày nên kim”, dần dà các sản phẩm này lại đạt trình độ kỹ thuật cao và đã trở nên vô cùng nổi tiếng bởi sự sắc bén và độ bền đáng kinh ngạc.
Người H’Mông luôn gắn liền với những món thổ cầm được may dệt vô cùng khéo léo và hút mắt với đa sắc màu
Bên cạnh đó người H’Mông còn nổi tiếng về độ tinh xảo trong trang phục và trang sức của dân tộc mình. Trang phục của phụ nữ H’Mông bao gồm: váy, yếm, áo, xà cạp, vấn đội đầu, vải trùm tóc và rất nổi bật với lớp họa tiết nhiều màu sắc. Ngoài ra họ còn rất khéo léo tôn thêm vẻ đẹp yêu kiều cho mình bằng những món trang sức như khuyên tai và kiềng cổ bản to, vòng tay, nhẫn đồng, nhẫn bạc, nhẫn vàng. Đặc biệt phụ nữ H’Mông thích dùng những chiếc ô màu sắc đẹp, vừa có tác dụng che mưa, che nắng vừa làm vật trang sức cho mình, tạo nên nét duyên dáng.
Người H’Mông luôn nổi bật trong trang phục truyền thống với những lớp họa tiết rực rỡ đầy màu sắc…
… cùng với các món đồ trang sức bạc tinh xảo đã làm nên dấu ấn khó phai của du khách Mộc Châu về người H’Mông
Thế nên 3vi.vn đã bảo bạn rồi, thể nào đi núi thăm đồng bào H’Mông về, bạn nào cũng đều lỉnh kỉnh xách đầy túi quà lưu niệm cho mà xem!
Phong tục ngày Tết của người H’Mông tại Mộc Châu
Đây sẽ là một phần vô cùng đặc biệt mà 3vi.vn dành cho bạn. Nếu bạn vừa có ý định thăm Mộc Châu vào mùa xuân, vừa có mong muốn được thăm quan cuộc sống của người dân tộc thiểu số H’Mông tại đây thì 3vi.vn khuyên bạn hãy “triển” liền nha, vì đây sẽ là dịp để bạn quan sát cách họ tổ chức ngày Tết đó!
Người H’Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo, từ ngày 26 tháng 1 âm lịch họ đã bắt đầu nghỉ làm nương rẫy để mua sắm chuẩn bị cho Tết truyền thống. Đây là lúc trong bản làng H’Mông rất tất bật bận rộn, phụ nữ thì miệt mài may thêu quần áo cho các thành viên nhà mình có áo mới, đàn ông thì mua sắm đồ hay thịt lợn, gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình.
Bận bịu đến ngày 30 Tết thì cũng là lúc họ thực hiện công việc quan trọng cuối cùng trong năm: dọn dẹp nhà cửa và trang trí bàn thờ tổ tiên. Đặc biệt, vào khoảng thời gian từ khoảng 3 đến 4 giờ sáng ngày 30 Tết, người chủ trong gia đình sẽ thực hiện công việc quét nhà. Họ sẽ chọn một cành tre còn xanh lá và buộc 3 sợi dây có màu xanh, đỏ, vàng cắm thêm một que hương để làm chổi quét nhà với quan niệm rằng chiếc chổi sẽ quét đi bệnh tật, ốm đau, những điều không may của năm cũ và mang lại may mắn cho gia chủ vào năm mới.
Ngoài ra, trong mâm cỗ cúng tổ tiên vào ngày 30 Tết của người H’Mông không thể thiếu bánh dày. Người H’Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời – là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất, chính vì thế trong mâm cỗ cúng của họ phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất.
Trẻ em H’Mông trên Mộc Châu xúng xính váy áo mới và háo hức nô đùa trong dịp Tết cổ truyền dân tộc
Trong dịp Tết, người H’Mông ở Mộc Châu cũng tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Từ ngày mùng 4, người H’Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu trang nhã, dịu dàng của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là những gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên cánh đồng cải trắng ngút ngàn, là tiếng leng keng đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ đi chơi xuân.
Bên cạnh đó, nếu như bạn không kịp đến Mộc Châu thăm đồng bào H’Mông vào ngày Tết Nguyên Đán thì đừng lo, hãy bù chuyến đi đó vào kỳ nghỉ lễ 2/9 nhé! Đặc biệt, bạn còn được “ăn” Tết bù luôn đấy, vì vào tháng 9 tại đây người Mông sẽ tổ chức Tết Độc Lập Mộc Châu- một ngày lễ siêu lớn để họ ăn mừng ngày Quốc khánh và tỏ lòng biết ơn công lao của Đảng và Nhà nước. Đến chơi ngày lễ này, bạn sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa nghệ thuật vô cùng đặc sắc và được người Mông đãi “tới bến” những món ăn ngon nhất trong dịp Tết Độc Lập này. Còn chần chờ gì nữa mà hãy đưa chuyến vi vu thăm người Mông Mộc Châu vào ngay wishlist của bạn nhé!