Địa điểm du lịch Ninh Bình không chỉ được tìm kiếm bởi khách du lịch trong và ngoài nước, mà đến cả những đạo diễn lừng danh cũng đã nghiên cứu rất nhiều và lựa chọn để gửi gắm bộ phim tâm huyết của mình. Vậy, Ninh Bình đã nên thơ như thế nào trong khung hình của từng bộ phim? Cùng 3vi.vn khám phá nhé!
Vì sao Ninh Bình lại được nhiều đạo diễn “chọn mặt gửi vàng”?
Du lịch miền Bắc, ta thường hay nhắc đến Sapa, Hạ Long, và bên cạnh đó thì Ninh Bình cũng chính là một “viên ngọc ẩn giấu” với khung cảnh sơn thủy hữu tình, thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Bạn có thể thấy rõ vẻ trùng điệp của những rặng núi đá vôi, thả mình trên con thuyền trôi lênh đênh trên mặt nước hay khám phá vẻ đẹp cổ kính, uy nghi của những ngôi đền, ngôi chùa ngàn năm tuổi. Chính vì thế, địa điểm du lịch Ninh Bình không chỉ được du khách yêu thích mà còn là “đứa con vàng” của nhiều đạo diễn lừng danh.
Tổng hợp địa điểm du lịch Ninh Bình thông qua các bộ phim đình đám
2.1 Kong: Skull Island – Đầm Vân Long, Tam Cốc – Bích Động và Tràng An
Kong: Skull Island là một dự án phim bom tấn của Hollywood, được tiến hành quay ở nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Úc và Việt Nam. Tại Việt Nam thì Kong: Skull Island đã chọn 4 địa điểm Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng để “bấm máy”, trong đó, thời lượng lên hình của Ninh Bình là nhiều nhất, cũng như là những phân đoạn hấp dẫn nhất của bộ phim. Ninh Bình xuất hiện trên Kong thông qua 3 địa điểm du lịch chính đó là khu bảo tồn thiên nhiên đầm Vân Long, Tam Cốc – Bích Động và khu du lịch sinh thái Tràng An. Cả ba đều nổi tiếng với địa hình núi non hùng vĩ với dòng sông uốn lượn, êm đềm và trong xanh. Mặt hồ của đầm Vân Long thì phẳng lặng, thích hợp để đặc tả những cảnh hồi hộp, cần chiều sâu. Còn Quần thể Di thắng Tràng An thì có hệ thống dãy núi đá vôi, 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động vô cùng hùng vĩ và tráng lệ.
Trường phim của Kong: Skull Island đã tồn tại ở Ninh Bình đến 2 năm trước khi bị dỡ bỏ vào 2019
Dù chỉ là background mờ phía xa nhưng cũng đã cho thấy vẻ hùng vĩ của Ninh Bình
Bộ phim công chiếu vào năm 2017, là dự án phim Hollywood lớn nhất được thực hiện ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng, góp phần quảng bá hình ảnh của Ninh Bình ra toàn thế giới. Nhiều nhà phê bình dự đoán rằng, du lịch Việt Nam sẽ rất phát triển nhờ vào hiệu ứng của bộ phim. Jordan Vogt Roberts, đạo diễn của bộ phim chia sẻ rằng mình “chẳng bao giờ thấy chán khi đăng những tấm ảnh ở Việt Nam” hay “rất nhớ Ninh Bình khi trở về nước”.
Các hoạt cảnh được vẽ ra cực kỳ chân thật với công nghệ CGI
2.2 Tấm Cám: Chuyện chưa kể – Di tích cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, hang Múa và Tràng An
Đa số những cảnh quay của Tấm Cám: Chuyện chưa kể đều được quay chủ yếu ở Ninh Bình tại các điểm tham quan nổi tiếng như Di tích cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, hang Múa hay Quần thể Di sản thế giới Tràng An. Chinh phục người xem bằng những thước phim lột tả khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục, cùng những cảnh quay cổ trang ở chùa Bái Đính, bộ phim đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh Ninh Bình đến với du khách nội địa. Đoàn phim đã nắm bắt được rất nhanh nhạy khi chọn đền vua Đinh Tiên Hoàng ở di tích cố đô Hoa Lư để thực hiện những cảnh kinh thành hoành tráng thời phong kiến. Bên cạnh đó, còn khéo léo khoe ra được vẻ đẹp hữu tình, thơ mộng sông nước và núi non hùng vĩ của Tràng An. Hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng ươm được lột tả xuất sắc qua từng khung cảnh, khiến cho người xem phải thốt lên “Không ngờ Việt Nam mình lại đẹp đến thế”! Nếu chưa xem qua thì 3vi.vn rất khuyến khích bạn xem một lần để thấy được vẻ đẹp hữu tình lại tráng lệ của Ninh Bình nhé! Chắc chắn chẳng làm bạn thất vọng đâu!
Xem thêm: Linh thiêng Chùa Bái Đính cổ tọa lạc giữa lòng núi hơn 1.000 năm
Tấm Cám với bối cảnh cổ trang nên quay tại đền Đinh Tiên Hoàng và chùa Bái Đính là chuẩn bài rồi
Khung cảnh trong phim yên bình như một bức tranh
Núi non hùng vĩ với thuyền bè ở ngoài đời thật
2.3 Thiên Mệnh Anh Hùng – Di tích cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động và Tràng An
Được sản xuất năm 2012 dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Victor Vũ, Thiên Mệnh Anh Hùng là một bộ phim đình đám thời bấy giờ với sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng như Midu, Vân Trang, Kim Hiền, Huỳnh Đông… Các thắng cảnh ở Ninh Bình lần lượt hiện lên một cách sống động thông qua từng thước phim, khung ảnh. Thiên Mệnh Anh Hùng chính là một trong những bộ phim tiên phong trong việc tìm ra và mang vẻ đẹp ẩn giấu của Ninh Bình lên màn ảnh. Ninh Bình qua từng thước phim mang một nét cổ kính, lại nên thơ, lãng mạn. Từ các cảnh sắc thiên nhiên như Tam Cốc – Bích Động, Tràng An hay kiến trúc như cố đô Hoa Lư đều hiện lên chân thật, không chỉnh sửa, không hiệu ứng, bình dị và chân chất như chính vùng đất Ninh Bình. Cũng giống như Tấm Cám, góc máy của Thiên Mệnh Anh Hùng rộng, lấy được toàn vẹn vẻ đẹp làm cho thiên nhiên vùng đất cố đô xưa thêm phần mới mẻ và hoành tráng. Dù đã là một bộ phim 10 năm trước nhưng nếu đam mê lịch sử cũng như xem thêm về Ninh Bình thập kỷ trước thì đừng bỏ qua bộ phim này nhé!
Thiên Mệnh Anh Hùng là 1 trong những bộ phim tiên phong lựa chọn địa điểm du lịch Ninh Bình làm nơi quay phim
Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về diễn xuất và kịch bản nhưng khung cảnh của bộ phim thì không ai chê được
2.4 Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc – Tam Cốc – Bích Động
Bộ phim này được đạo diễn bởi Đới Tư Kiệt – Một đạo diễn người Pháp gốc Trung Quốc và công chiếu vào năm 2006. Quả là một bộ phim rất lâu về trước đúng không? Thế nhưng ở những bộ phim xưa cũ đều có một tông màu cũng như góc quay rất thơ và lãng mạn – Điều mà khó có thể tìm thấy ở những bộ phim hiện đại. Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc được bấm máy và thực hiện toàn ở Việt Nam, trong đó Ninh Bình chiếm đa số bên cạnh Sapa và Hà Nội (khu vực Hà Tây cũ). Phim kể về cuộc tình đồng tính lãng mạn và cũng đầy bi kịch của hai cô gái mang lại nhiều cảm xúc nhất lúc bấy giờ, khi mà thời điểm này có rất ít bộ phim dám nhắc đến. Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc được tái hiện chân thật và bình dị dưới sự diễn xuất của Lý Tiểu Nhiễm và diễn viên người Pháp Mylene Jampanoi. Chất thơ của bộ phim càng được nhấn mạnh nhờ vào cảnh núi rừng trùng điệp của Tam Cốc – Bích Động, xoáy mạnh hơn vào nội tâm nhân vật An và Ming.
Ninh Bình nên thơ và trữ tình trong từng thước phim
Chuyện tình lãng mạn và bi kịch của hai cô gái An và Ming
2.5 Người Mỹ trầm lặng – Vườn Quốc gia Cúc Phương
Đây chính là bộ phim cổ nhất trong 5 bộ phim được thực hiện tại Ninh Bình. Khác với những bộ phim khác, Người Mỹ trầm lặng lấy bối cảnh thời chiến tranh Đông Dương đang ở giai đoạn cuối, trải dài các khung cảnh quay phim khắp 3 miền đất nước, từ Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng cho đến Ninh Bình. Tại Ninh Bình, hình ảnh Vườn Quốc gia Cúc Phương hiện lên thân thuộc cùng với những ngọn núi trùng điệp – Background điểm nhấn của chiến tranh lúc bấy giờ. Bên cạnh nói về chiến tranh thì Người Mỹ trầm lặng còn kể về mối tình tay ba giữa Thomas Flowler, Pyle và Phượng. Đạo diễn Phillip Noyce đã từng đến Việt Nam, trở lại rất nhiều lần và tìm hiểu khá nhiều về địa hình Ninh Bình nên trong bộ phim đã đặc tả được rất nhiều khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cũng như làng quê Việt Nam lúc bấy giờ.
Bộ phim quay ở khắp 3 miền đất nước, từ Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng cho đến Ninh Bình
Có thể thấy, các địa điểm du lịch Ninh Bình cũng là sự lựa chọn lý tưởng cho các đạo diễn từ phim quốc tế chiếu rạp đến phim Việt Nam. Vậy thì còn chần chờ gì khám phá Ninh Bình mà không nhanh chân đi đến những địa điểm này?