Bửu Hương Tự là một trong những đền thờ nổi tiếng bậc nhất của du lịch An Giang, còn được người dân gọi với cái tên dân dã là chùa Láng Linh hay chùa Nhà Láng. Nơi đây thờ quản cơ Trần Văn Thành – Là một người anh hùng đã hi sinh oanh liệt vì dân vì nước.
Giới thiệu về Bửu Hương Tự
1.1 Bửu Hương Tự ở đâu?
Địa chỉ: Ấp Long Châu I, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, Việt Nam
Bửu Hương Tự nằm sâu trong một ngôi làng nhỏ bên bờ kênh Xáng Vịnh Tre, thuộc địa phận cánh đồng Láng Linh. Đây là đền thờ để tưởng niệm và ghi nhớ công lao của quản Cơ Trần Văn Thành – Người anh hùng có công với dân với nước.
Bửu Hương Tự nằm im lìm giữa cánh đồng Láng Linh
Khuôn viên Bửu Hương Tự được thiết kế đậm chất kiến trúc truyền thống thời nhà Nguyễn
1.2 Về quản cơ Trần Văn Thành
Quản cơ Trần Văn Thành là người được nhân dân An Giang tôn xưng là Đức Cố Quản bởi những đóng góp to lớn của ông trong công cuộc khai khẩn đất hoang và lập nên vùng đất Thạnh Mỹ Tây ngày nay.
Tương truyền, Trần Văn Thành là một vị võ quan dưới thời vua Tự Đức. Ông có công đánh đuổi giặc và bình định vùng Thất Sơn Bảy Núi nên đã được thăng chức là Chánh quản cơ. Vốn là một người chí sĩ yêu nước nên khi quân Pháp vào đánh chiếm An Giang, ông đã tự mình tổ chức chiêu mộ nghĩa quân yêu nước ở khắp lục tỉnh Nam Kỳ, huấn luyện họ và lập nên căn cứ chống Pháp tại khu vực Láng Linh – Bảy Thưa. Nghĩa quân của quản cơ Trần Văn Thành được chia thành nhiều đội. Dù họ hầu hết đều là nông dân nhưng với tinh thần yêu nước và dũng cảm chống giặc đã đánh phá thành công rất nhiều đồn bốt của quân Pháp ở Châu Đốc, Tịnh Biên.
Đến năm 1872, quản cơ Trần Văn Thành đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, lấy danh hiệu là Binh Gia Nghị. Năm 1873, trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, quân Pháp đã tập trung lực lượng để đánh dẹp cuộc khởi nghĩa này. Vì không ngang sức cả về quân số và vũ khí nên đến ngày 20/3/1873, khởi nghĩa Bảy Thưa chính thức bị đánh bại và quản cơ Trần Văn Thành hi sinh.
Trải qua hơn 20 năm từ ngày ông Trần Văn Thành hy sinh, đến năm 1897, ông Trần Văn Nhu là con trai trưởng của quản cơ đã đứng ra xây dựng nhà thờ để tưởng nhớ cha của mình. Sau đó, nơi đây còn là địa điểm tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân và tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương để chờ đợi thời cơ đánh đuổi quân Pháp.
Bửu Hương Tự với bức tượng quản cơ Trần Văn Thành
Xem thêm: Khám phá Chùa Hang (Phước Điền Tự) với vẻ đẹp thơ mộng, yên bình
1.3 Lịch sử hình thành Bửu Hương Tự
Tháng 2 năm 1913, tại Bửu Hương Tự, con trai quản cơ Trần Văn Thành cùng bà con nhân dân đã tổ chức kỷ niệm ngày ông cùng các chí sĩ yêu nước hy sinh trong khởi nghĩa Bảy Thưa. Lễ kỷ niệm được tổ chức khá lớn, quy tụ đông đảo nhân dân cùng con cháu của nghĩa quân. Biết được tin này, thực dân Pháp đã đến vây bắt và đốt đền thờ để thủ tiêu hết vết tích của Trần Văn Thành, đồng thời dập tắt làn sóng yêu nước mà chúng lo sợ lại bùng lên một lần nữa.
Đến năm 1938, ông Nguyễn Văn Tịnh là một tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã đứng ra để xây dựng lại đền thờ quản cơ Trần Văn Thành, lợp ngói và xây tường rất khang trang, rộng rãi. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là cơ sở cách mạng của xã Thạnh Mỹ Tây. Đến năm 1947, do lực lượng cách mạng tại đây liên tục tiêu diệt đồn bốt của Pháp nên đã bị chúng khủng bố và đốt đền lần thứ hai. Lúc này, Bửu Hương Tự gần như bị thiêu rụi hoàn toàn, chỉ còn lại 4 cây cột ở chính điện.
Sau đó, năm 1952, nhân dân lại tiếp tục đóng góp để xây lại đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành lần thứ ba. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi đền vẫn là nơi đóng quân, tiếp tế, liên lạc của cán bộ cách mạng. Khi đất nước được giải phóng, đền đã được tu bổ để khang trang hơn, trở thành điểm dừng chân của các tín đồ Phật giáo khi có dịp đến An Giang.
Bửu Hương Tự ngày nay đã trải qua hai lần bị đốt rụi
Kiến trúc độc đáo tại Bửu Hương Tự
Bửu Hương Tự xây dựng giữa một cánh đồng rộng lớn, sông nước yên ả và bình dị. Xung quanh đền trồng rất nhiều cây cổ thụ to lớn, tán lá xum xuê, cành rũ xuống che kín mái ngói rêu phong. Đền thờ này được thiết kế và xây dựng theo phong cách của kiến trúc đền chùa thời nhà Nguyễn, khá tương đồng với Chùa Bồng Lai (chùa Bà Bài). Khi đến đây, bạn sẽ nhận ra những dấu ấn kiến trúc truyền thống thời nhà Nguyễn, từ bố cục liền nhau, các đường nét đăng đối hài hòa đến từng chi tiết trang trí đều vô cùng tinh xảo.
Đền thờ quản cơ Trần Văn Thành thiết kế theo dạng chữ “tam”, kiểu cổ lầu với mái hai cấp lợp ngói đại ống, những cột gỗ căm xe và tường bê tông, nền gạch, tạo nên sự chắc chắn theo năm tháng. Tuy nhiên, các chi tiết trang trí tại đây thì lại khá đơn giản nếu so với những đền chùa khác tại An Giang.
Bên trong điện thờ phụ của Bửu Hương Tự, các hương án, bài vị, hoành phi đều được đặt ở vị trí trang trọng, sơn son thếp vàng và công phu tỉ mỉ. Trên tường treo những bức tranh sơn thủy hữu tình, khắc họa lại hình ảnh và cuộc sống làng quê sông nước. Bàn thờ trung tâm đặt Long đình chạm lộng tứ linh cùng các chi tiết hoa cỏ đặc sắc.
Ở chánh điện đặt hương án thờ Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, ông là người có công xây nên Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) và giúp đỡ người dân khai khẩn đất hoang. Hai bên là bàn thờ Trần Văn Chái và Đội nhất Năng. Vách hậu thờ Trần Văn Nhu, Đội chín Văn, Đề đốc Nguyễn Kế Trung. Hậu tổ là bàn thờ quản cơ Trần Văn Thành, hai bên thờ ông Từ Ba, Đinh Văn Sang, Phạm Văn Khuê. Tất cả họ đều là những nghĩ sĩ đã theo quản cơ chống giặc và hi sinh vì dân, vì nước.
Hàng năm, tại Bửu Hương Tự sẽ tổ chức hai lễ hội lớn:
– Ngày 20 – 21 – 22/2 âm lịch: Kỷ niệm ngày ngày hy sinh của quản cơ Trần Văn Thành.
– Ngày 5/5 âm lịch: Kỷ niệm ngày mất của vợ quản cơ Trần Văn Thành.
Không gian bên trong chánh điện của Bửu Hương Tự
Hàng năm, người dân lại đổ về đây để tổ chức lễ hội tưởng nhớ quản cơ Trần Văn Thành
Trên đây là những thông tin về Bửu Hương Tự mà bạn có thể tham khảo để có hành trình thuận lợi. Cẩm nang du lịch 3vi.vn hi vọng bạn sẽ có dịp ghé đến tất cả những đền chùa nổi tiếng của An Giang nhé.