Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng không chỉ là hội làng có truyền thống văn hóa trải dài theo bề dày lịch sử mà hứa hẹn còn là trải nghiệm bạn không thể bỏ lỡ khi du lịch Hải Phòng.
Câu chuyện về sự ra đời của lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng
Mùa thu không chỉ là mùa đẹp trong năm, mùa thu Vĩnh Bảo còn là mùa Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng – một trong những Lễ hội Hải Phòng đặc sắc có truyền thống lịch sử lâu đời bắt nguồn từ trò chơi đánh pháo đất, bao gồm hai loại là pháo tung và pháo đập úp.
Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc trò chơi dân gian này. Có cái lưu truyền rằng pháo đất xuất hiện thời đắp đê ngăn lũ ở đồng bằng Bắc Bộ. Một truyền thuyết khác lại kể, năm 1288, trong trận Bạch Đằng ác liệt, con voi của Trần Hưng Đạo đã sa lầy ở khúc sông Hóa bị cuốn qua khu vực này. Người dân trong vùng thấy vậy dùng những nắm đất khô ném xuống chỗ voi đứng để giải cứu con vật dũng cảm. Khi ném nghe tiếng nổ rất lạ và vui tai. Từ đó, họ tổ chức lễ hội đánh pháo.
Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng là một trong những hội làng “đi liền khúc ruột” với bề dày lịch sử thành phố Hải Phòng nói riêng và dải đất hình chữ S – Việt Nam nói chung. Ảnh: lehoi.info
Dựa theo truyền thuyết về con voi của Trần Hưng Đạo, Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng không chỉ được tổ chức nhằm ghi nhớ chiến tích nhân dân đoàn kết cứu voi giúp nước năm xưa, mà còn để khắc cốt ghi tâm những ngày tháng gian lao cả nước cùng nhau chung tay góp sức đánh giặc tại Hải Phòng.
Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng
Nếu Lễ hội rước lợn ông Bồ diễn ra vào tháng Giêng âm lịch thì đều đặn hằng năm, vào ngày 3 tháng 8 âm lịch, tại các xã Tân Hưng, Tân Liên, Tam Đa trực thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố hoa phượng đỏ, Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng lại diễn ra. Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng mang theo không khí háo hức trải dài cả thành phố và thu hút đông đảo các bạn du lịch từ mọi miền tổ quốc ghé lại đây tham gia lễ hội
Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng thường diễn ra vào ngày 3 tháng 8 âm lịch hằng năm tại các xã thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố hoa phượng đỏ – Hải Phòng
Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng có gì đặc sắc?
3.1 Phần lễ của Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng
Trước thời điểm Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng bắt đầu, người dân nơi đây thường hào hứng cùng nhau làm pháo đất. Để làm ra loại pháo này, trước hết, người ta phải lấy đất từ khu vực đáy sông hoặc ở chỗ sâu trên đồng ruộng. Sau khi lấy về từ chiều hôm trước, họ lựa lấy những miếng đất không có lẫn tạp chất như rễ cây, cát, sỏi…, rồi mang về nhà để thái lát, mang úp vào tường để hút bớt nước.
Cũng vào khoảng thời gian này, người dân Vĩnh Bảo sẽ mời 1 cụ già làm lễ cáo yết với Thành Hoàng làng. Lễ vật thường sẽ bao gồm hương hoa và một nắm đất để làm pháo. Lễ cáo yết không chỉ với mục đích kính cáo với bề trên nhằm nhận được sự chứng giám của Thành Hoàng các làng trong vùng, mà còn cốt cho cuộc chơi hanh thông, thuận lợi.
Việc nhào nặn pháo đất trước thềm cuộc thi không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết mà còn phải có cả kinh nghiệm và tay nghề điêu luyện
Ngay sau phần lễ của Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng, các pháo thủ sẽ tập trung giã đất. Tiếp đến, họ dùng dây xén đất sao cho thành từng mảnh mỏng, dễ dàng làm sạch các xơ cỏ, rễ cây. Rồi họ nhào nặn các mảnh thật nhuyễn và mịn thành hình khối, miệng có thể là hình tròn hay hình chữ nhật, đặt “cạnh pháo” là một thoi đất mềm dài, nối hai thành pháo.
3.2 Phần hội – Cuộc thi đánh pháo đất
Tuy thường có sự góp mặt của phần đông là những chàng trai, mọi người đều có thể tham gia cuộc thi đánh pháo đất. Chủ quản chia những pháo thủ thành nhiều “cỗ pháo” từ 3 đến 4 người. Đầu tiên, họ sẽ được nhận từ 25 kg đến 30 kg đất để thi đua làm pháo nhanh.
Đất nhanh chóng được dàn ra và để lên khuôn. Theo thứ tự, cánh pháo là tiền đề, sau đó đến làm “mép pháo” – chỗ mỏng nhất ở phần cánh thường giúp pháo mở khi tung ra. Song song đó là làm “nắm kế” – nắm đất tròn có tác dụng đỡ cho cánh pháo khỏi bị rã. Chuốt thêm bụng. kiểm tra lại cánh, ấy là đã xong chiếc pháo lạ mắt, được đặt oai vệ trên những nắm kê.
Sau khi các “cỗ pháo” và pháo thủ dự thi hoàn toàn phần làm pháo nhanh, phần thi tung và đập úp pháo sẽ bắt đầu
Nhanh chóng bước vào cuộc thi, ông quản pháo trong các lần đánh pháo của người tham gia sẽ thúc một hồi trống. Hòa vào âm vang rộn rã, các cỗ pháo rắn chắc sẽ lần lượt trình diện trên sân bãi bằng phẳng, được bao quanh bởi tiếng reo hò cuồng nhiệt của người xem. Mỗi cỗ sẽ chọn một người khỏe nhất vào thi, những người còn lại giữ trọng trách nâng pháo.
Bước đầu, họ sẽ tung pháo. Những chiếc pháo đã củng cố sẽ được người dự thi nâng lên ngang mặt, rồi xoay hai thật mạnh để tung lên càng cao càng tốt và không bị chao đảo. Sau ba lần tung pháo lên như vậy thì phần này sẽ kết thúc, chuyển qua ba lần đập úp ba quả pháo khác.
Cuộc thi thường thu hút phần đông người tham gia là thanh niên trai tráng tháo vát và có sức khỏe cực kỳ tốt, tuy nhiên mọi người đều có thể dự thi
Đối với đập úp, pháo thủ sẽ nâng pháo lên ngang ngực, đập úp quả pháo xuống mặt đất thật mạnh và nhanh. Miệng pháo rơi xuống, làm xuất hiện sự chênh lệch áp suất giữa không khí trong lòng pháo và phần ngoài thân tạo tiếng nổ lớn do hộp pháo mỏng bị phá vỡ, cánh pháo mở ra theo chiều dài khoảng 1 mét.
Pháo nổ càng to, cánh mở càng dài, chứng tỏ tay nghề của người đánh pháo và kỹ thuật của người làm pháo càng điêu luyện. Giải thưởng sẽ được trao cho “cỗ pháo” có tổng chiều dài cánh pháo qua ba lần tung và đập úp pháo.
Lưu ý khi tham gia lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng
– Những lễ hội thường là hoạt động vui chơi giải trí có liên quan đến tập tục, văn hóa, đời sống tinh thần của từng địa phương hoặc quốc gia, do đó khi tham gia các lễ hội nói chung và Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng nói riêng, bạn nên tôn trọng và tuân thủ các quy tắc được đề ra tại nơi tổ chức lễ hội.
– Để có thể trải nghiệm trọn vẹn lễ hội tại Vĩnh Bảo Hải Phòng, bạn nên ghé đến thành phố trước thời gian diễn ra lễ hội từ 1 đến 2 ngày. Tốt nhất là nên đặt phòng trước phòng trường hợp các khách sạn hay nhà nghỉ hết phòng do phải đáp ứng một số lượng lớn các bạn du lịch thập phương đến thành phố và tham gia lễ hội.
“Cỗ pháo” được xem như một hình tượng tiêu biểu cho sức mạnh đồng lòng, chung sức trong cuộc thi đánh pháo đất
– Muốn tham gia lễ hội pháo đất, trước hết bạn phải đến được thành phố Hải Phòng. Nếu bạn xuất phát từ thủ đô, có rất nhiều Cách di chuyển từ Hà Nội đến Hải Phòng, một trong những phương tiện được đánh giá là thuận tiện nhất cho bạn du lịch là xe máy. Các phương tiện di chuyển khác bạn có thể quan tâm là tàu hỏa, xe khách.
– Bởi vì Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng là một lễ hội ngoài trời, việc kiểm tra thời tiết và chuẩn bị trước trang phục nhẹ nhàng thoải mái cũng như đồ dùng cần thiết là một trong những lưu ý khi tham gia. Chú ý đừng mang theo quá nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh bên mình để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra tại nơi đông đúc.
– Nếu đi theo nhóm khi tham gia các lễ hội đông đúc, hãy chắc rằng bạn sẽ không để lạc mất các thành viên trong nhóm của mình. Đừng nên tách đoàn, hãy luôn theo sát nhau. Trong những trường hợp không đáng có, một cục sạc dự phòng và chiếc điện thoại đầy pin sẽ giúp bạn dễ dàng liên lạc với bạn bè. Ngoài ra cũng nên để ý các cột mốc, bảng hiệu nếu lỡ bị lạc.
Video đặc sắc về Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng
Lễ hội pháo đất tại huyện Vĩnh Bảo Hải phòng. Video: Youtube/BoongTV
Vậy là 3vi.vn vừa gửi đến các bạn những thông tin về Lễ hội đánh pháo đất Hải Phòng nổi tiếng – một trong những hội làng có truyền thông văn hóa đi cùng với thời gian. Đến với lễ hội, bạn không chỉ có thể cảm nhận sâu sắc thêm nét đẹp phong tục, tập quán tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, mà còn có cơ hội trải nghiệm một trò chơi, một lễ hội ý nghĩa, hứa hẹn sẽ mang đến những khoảnh khắc đáng nhớ cho bạn trong chuyến du lịch Hải Phòng. Đừng quên thêm ngay vào Cẩm nang du lịch để không bỏ lỡ lễ hội có “1 không 2” này bạn nhé.
Xem thêm: Lễ hội rước lợn ông Bồ – nét đẹp văn hóa độc đáo Hải Phòng