Nhà cổ Tấn Ký Hội An là sự kết hợp khéo léo hài hòa giữa 3 nền kiến trúc Nhật Bản – Trung Hoa – Việt Nam, lưu giữ rất nhiều cổ vật quý giá mang ý nghĩa nhân sinh quan tích cực nhắc nhở con cháu đời sau những bài học quý giá về làm người, nhân – lễ – nghĩa. Chính vì vậy mà ngôi nhà cổ đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước cả đến các quan chức trong chính phủ cũng đến thưởng lãm và tham quan.
Tổng quan về nhà cổ Tấn Ký Hội An
Địa chỉ: 101 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam.
Nhà cổ Tấn Ký nằm ngay trong khu vực phố cổ Hội An. Mặt trước nhà là ngay con phố Nguyễn Thái Học buôn bán sầm uất, mặt sau nhà là con sông Thu Bồn hiền hòa chạy ngang. Không khó cho việc tìm đến tham quan ngôi nhà cổ này.
Giờ mở cửa: 08g30 – 17g45
Giá vé tham quan: 35.000 đồng/ lượt/ người
Vé chỉ có giá trị trong ngày. Miễn lệ phí thuyết minh hướng dẫn tại điểm cho nhóm khách từ 8 thành viên trở lên.
Thời lượng tham quan: khoảng 20 phút
Mặt tiền của nhà cổ Tấn Ký Hội An
Hướng dẫn đến tham quan nhà cổ Tấn Ký Hội An
Khoảng cách từ Đà Nẵng đến Hội An khoảng 35km theo hướng Nam, thời gian xe chạy tầm 60 phút. Có nhiều cách đến với phố cổ Hội An
– Các bạn có thể chạy xe máy từ thành phố Đà Nẵng theo Quốc lộ 1A về phía Nam khoảng 27Km đến đường Vĩnh Điền rồi vào trung tâm thành phố Hội An.
-Từ bến xe bus trung tâm Đà Nẵng, với giá vé 30.000đ/ lượt/ người toàn chuyến, rất rẻ. Các bạn sẽ có mặt tại Hội An sau 80 phút xe chạy
-Các bạn có thể đi taxi nếu muốn thời gian nhanh hơn nữa tầm khoảng 450.000 – 500.000đ/ lượt/ xe thì chỉ mất 55-60 phút mà thôi.
Khám phá ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi – Nhà cổ Tấn Ký Hội An
3.1 Câu chuyện về nhà cổ Tấn Ký Hội An
Nhà cổ Tấn Ký Hội An được xây dựng năm 1741 – là một ngôi nhà cổ tư nhân. Nơi đây từng chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử xảy ra qua 200 năm. Hiện giờ, gia chủ vẫn đang sống tầng trên của ngôi nhà, còn tầng trệt dành cho khách tham quan. Mặc dù đã trải qua 7 thế hệ từng sinh sống nơi đây nhưng ngôi nhà cổ Tấn Ký vẫn được giữ gần như nguyên vẹn.
Phía bên trong nhà cổ Tấn Ký Hội An với kiến trúc vô cùng độc đáo
Ông Lê Công – một thương nhân gốc Hoa, làm giàu nhờ buôn bán nông sản thời bấy giờ. Ông dùng thuyền ngược sông Thu Bồn lên miền cao lấy hàng nông sản về Hội An để buôn bán và phất lên từ đó. Đến đời con ông, ngôi nhà được đặt tên là Tấn Ký – mang ý nghĩa phát đạt trong kinh doanh
Phía trước nhà là con đường Nguyễn Thái Học sầm uất buôn bán kinh doanh, phía sau nhà là con sông Thu Bồn hiền hòa để thuận tiện cho việc nhập hàng.
Đến thế kỷ 20, sự bồi đắp phù sa của sông Thu Bồn làm cửa sông hẹp lại, các thuyền buôn lớn không vào được Hội An khiến cho thương cảng nổi tiếng một thời suy yếu dần, và việc buôn bán của gia tộc họ Lê cũng bị ảnh hưởng theo, ngày càng tàn lụi.
Nhà cổ Tấn Ký đã chứng kiến rất nhiều trận lũ lịch sử. Trong đó, đỉnh điểm là vào năm 1964, nước lũ ngập lên đến mái của tầng 1 ngôi nhà, nhưng ngôi nhà vẫn không hề hấn gì, như thách thức với sự bào mòn của thời gian.
3.2 Kiến trúc về nhà cổ Tấn Ký Hội An
Ngôi nhà cổ Tấn Ký có 2 tầng và 3 gian được xây dựng theo lối kiến trúc giao thoa giữa 03 nền văn hóa: Nhật Bản – Trung Hoa – Việt Nam.
Phong cách kiến trúc của Nhật Bản: phòng khách được xây theo phong thủy: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Mái ngói được lợp theo kiểu âm – dương hòa hợp nên tạo không khí mát mẻ thoáng đãng vào mùa hè, còn mùa đông thì ấm cúng, không lạnh.
Phong cách kiến trúc của Trung Hoa: theo kiểu hình ống đặc trưng của phố cổ Hội An, bên trong chia nhiều gian với nhiều phòng riêng biệt. Đặc biệt ngôi nhà không có cửa sổ, nhưng không vì vậy mà không gian nóng bức, ngột ngạt. Mặt tiền mở cửa hiệu buôn bán.
Cửa sau của ngôi nhà là con sông Thu Bồn hiền hòa chạy ngang thuận tiện cho việc nhập hàng hóa buôn bán. Giữa nhà là giếng trời tận dụng tối đa ánh sáng và không khí vào nhà.
Có cả khu vực giếng trời để làm ngôi nhà thông thoáng hơn
Phong cách kiến trúc của Việt Nam: được thiết kế theo nhà ba gian đúng theo kiểu thức truyền thống của người Việt, trần nhà lợp ngói âm dương. Điểm nhấn chính của ngôi nhà là những cây cột cây kèo, xuyên, trính (thanh gỗ dọc nối các cột) được chạm trổ tinh xảo với những hình ảnh đặc trưng như: “kiến trúc đầu cá đuôi rồng” , “trái bí đỏ”, “quả lựu” hoặc những kiến trúc chạm khắc “quả đào” mang biểu tượng của sự trường thọ, “con dơi” đong đầy hạnh phúc,…
Gỗ là chất liệu chủ đạo xây dựng nên ngôi nhà cổ Tấn Ký này. Kèo và sườn được làm từ gỗ Lim – là loại gỗ quý; còn các cửa thì làm từ gỗ mít – loại gỗ bền chặt theo thời gian… Bên cạnh đó, gạch lót sàn và đá trang trí ngoại thất đều được mua về từ Bát Tràng, Thanh Hóa, đá non nước, … vĩnh cửu theo thời gian.
Phòng ngủ giản dị nằm bên giếng trời nhà cổ Tấn Ký Hội An
Có một điểm thú vị của ngôi nhà cổ này là không hề sử dụng một chiếc đinh nào, các cột và kèo được dựng lên khớp với nhau bằng mộng mà vô cùng vững chắc. Đó là một trong những yếu tố đặc biệt thu hút được nhiều đài truyền hình đến quay phim và làm phóng sự.
3.3 Cổ vật có giá trị trường tồn trong Nhà cổ Tấn Ký Hội An
Bên cạnh lối kiến trúc độc đáo và cổ xưa, những cổ vật lâu đời được trưng bày trong ngôi nhà đã tạo nên sức hút kỳ lạ đối với du khách tham quan khi nghe về các giai thoại của chúng.
Những cổ vật trong nhà cổ đều là những cổ vật có giá trị tại nhà cổ Tấn Ký Hội An
Một chiếc chén có từ thời Khổng Tử, ở Việt Nam chỉ duy nhất có một cái vô cùng độc đáo. Theo lịch sử ghi chép lại khi xác định niên đại, chiếc chén “Khổng Tử” có từ 550-600 năm về trước. Cái chén này đã có mặt tại gia đình họ Lê từ 200 trăm năm trước.
Chén này có hình thù kỳ lạ, nhìn trong có vẻ rất giản đơn nhưng nó mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc là khi đựng nước chỉ đựng được 8 phần nếu rót thêm thì nước sẽ tự động chảy ra ngoài. Mục đích mà người xưa hướng đến chính là mỗi người cần kiềm chế được hành vi của mình và giữ cho tâm được thanh tịnh. Theo lời kể của gia tộc họ Lê thì cái chén cô vô giá này được cụ tổ mua từ những thương nhân giàu có từ Trung Hoa mang sang đây buôn bán.
Một chiếc chén có từ thời Khổng Tử
Hai con mắt âm dương thể hiện thần thái cũng như sự mong muốn phát đạt của chủ nhân nhà cổ Tấn Ký Hội An
Ngoài những hoài niệm cổ trong gian nhà, ban quản lý dành ra hai góc nhỏ xinh xinh để trưng bày huy hiệu và những món quà lưu niệm độc đáo để du khách có thể mua về làm quà tặng người thân và bạn bè.
Video khám phá bí ẩn những cổ vật trong nhà cổ Tấn Ký Hội An từ báo Thanh Niên
Cho dù năm tháng qua đi, dưới sự bào mòn của thời gian nhưng ngôi nhà cổ Tấn Ký 200 tuổi vẫn sừng sững đứng đó, như chứng nhân qua những thăng trầm của lịch sử.
4 Một số hình ảnh về nhà cổ Tấn Ký Hội An
Nơi đây cũng là lựa chọn của các cặp đôi khi chụp ảnh cưới tại Hội An
Một góc nhìn khác về giếng trời
Gỗ là nguyên liệu chính để xây nên ngôi nhà cổ Tấn Ký Hội An
Tuy có phai mờ theo thời gian nhưng ngôi nhà luôn được chủ nhân trau chuốt
Hình ảnh của các nguyên thủ khi đến tham quan tại nhà cổ này
Bộ bàn ghế được làm từ gỗ Gõ và Cẩm Sà Cừ vô cùng giá trị
Người đời ví von nhà cổ Tấn Ký Hội An như “ Bảo Tàng Sống “, khi tham quan ngôi nhà cổ ta như được trở về đời sống của thời xưa của người dân Hội An. Nếu có dịp đến với phố cổ Hội An, bạn hãy ghé tham quan ngôi Nhà Cổ Tấn Ký 200 năm tuổi, trải qua 07 đời thế hệ con cháu sinh sống nơi đây. Cùng tìm hiểu về lịch sử của ngôi nhà cổ đầu tiên được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia này nhé.
Xem thêm: Nhà thờ tộc Trần Hội An – Nhà thờ cổ độc đáo hàng trăm năm kiến trúc