Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ là một địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Cà Mau. Khu di tích này là cột mốc để tưởng niệm, ghi nhớ những chiến công vẻ vang của Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ và góp phần giáo dục văn hóa cùng đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Giới thiệu đôi nét về di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ
1.1 Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ nằm ở đâu?
Tọa lạc tại địa phận xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thuộc khu di tích quốc gia “Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục Miền Nam (giai đoạn cuối năm 1949 tới đầu năm 1955)” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận từ ngày 10/11/2010.
Với vị trí thuận lợi và những giá trị lịch sử quan trọng, di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã trở thành một trong những địa điểm tham quan tại Cà Mau nức tiếng gần xa.
1.2 Sự ra đời của Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ
Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được thành lập ở chiến khu Đồng Tháp Mười theo sắc lệnh 102/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 01/11/1947 và quyết định từ Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thời bấy giờ có nhiệm vụ chính là tổ chức in ấn giấy bạc Việt Nam tại khu vực Nam Bộ.
Từ năm 1949, nhằm đảm bảo bí mật, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã được lệnh di chuyển tới chiến khu U Minh và địa phận Xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn. Ở đây, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã cho ra đời những tờ giấy bạc với các mệnh giá lần lượt là 1, 2, 5, 10, 20, 50, 100, 200 và 500 mang hình ảnh Bác Hồ cùng biểu tượng công, nông, binh, trí.
Huyện Năm Căn cũng chính là nơi đội ngũ làm công tác in giấy bạc phát triển với lực lượng đông đảo nhất và có số lượng đồng tiền hình cụ Hồ được phát hành lớn nhất trong giai đoạn khu vực Nam Bộ đang tiến hành kháng chiến chống Pháp. Tiền in ra từ Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được lưu hành khắp nơi đã góp phần khẳng định chủ quyền đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược.
Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ là công trình lịch sử cực kỳ nổi tiếng tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Ca Mau Travel Portal
Hướng dẫn cách di chuyển đến di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ
Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng chừng 52km. Xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô cá nhân hoặc xe khách để đến thành phố Cà Mau.
Nếu đi bằng xe khách thì sau khi đến bến xe, bạn tiếp tục bắt taxi hoặc thuê xe máy ở Cà Mau để di chuyển tới khu di tích. Từ trung tâm thành phố Cà Mau, bạn chỉ cần đi dọc theo cung đường Quốc lộ 1A về hướng xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn là sẽ nhìn thấy ngay di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Nếu không thông thuộc lộ trình thì bạn hãy di chuyển theo hướng dẫn của ứng dụng Google Maps hoặc hỏi thăm người dân dọc đường đi nhé.
Khám phá di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ
3.1 Tìm hiểu hành trình của “Xưởng in tiền di động” trên đất Năm Căn
Để đảm bảo an toàn và tránh bị đánh phá, Ban ấn loát Đặc biệt Nam Bộ phải vận chuyển thiết bị, máy móc đi qua các tỉnh miền Tây và mất tầm 1 – 2 tháng mới tới được vùng U Minh. Đến căn cứ mới dù an toàn hơn nhưng công tác in ấn lại gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 1951, đồng bào hải ngoại tại Thái Lan đã bí mật chuyển về một số máy móc của Nhật Bản qua bến Sông Ông Đốc Cà Mau và nhập vào Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Từ đó, tờ giấy bạc của vùng Nam Bộ có màu sắc tươi sáng hơn hẳn và các loại tiền mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 50 đồng đến 100 đồng đều được in với số lượng lớn.
Chiến tranh càng lúc càng ác liệt, Ban Ấn Loát đặc biệt Nam Bộ phải dời sâu vào trong vùng rừng đước Năm Căn sát Đất Mũi. Vận chuyển được những cỗ máy nặng hàng tấn qua các cánh đồng lầy lội vùng U Minh Hạ đã là điều thần kỳ, thế nhưng để dựng nhà in và đặt thiết bị trên nền đất sình lầy còn vất vả trăm bề.
Trải qua nhiều khó khăn và biến cố, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã di dời được đến xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn và đây cũng chính là điểm dừng chân cuối cùng. Văn phòng được đóng gần dân nên mọi người đều sống trong tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào nơi Đất Mũi. Từ khi dời xuống xã Hàm Rồng, cơ quan Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã bị ném bom hai lần, nhưng do bom rơi không đúng vị trí nên cũng không xảy ra thiệt hại gì.
Các con kênh rạch trên đất Năm Căn, những lối mòn Bảy Háp, Bà Hính, Đồng Ông Nghệ, vạt rừng đước thăm thẳm trùng điệp và tấm lòng hồn hậu của đồng bào nơi đây dường như đều gắn liền với “Xưởng in tiền di động” Nam Bộ này.
Mặc dù thời gian tồn tại không quá dài nhưng những đồng tiền Nam Bộ và tờ giấy bạc Cụ Hồ trong năm tháng thăng trầm đã để lại một mốc son lịch sử cực kỳ quan trọng đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội không chỉ riêng miền Nam mà của toàn dân tộc.
Tranh phác họa khung cảnh in giấy bạc trong rừng đước Năm Căn của họa sĩ Phan Thái Hoàng
3.2 Chiêm ngưỡng công trình bia kỷ niệm di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ
Tác phẩm bia kỷ niệm di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ là một công trình vô cùng nổi bật và được đầu tư xây dựng rất hoành tráng. Công trình này được điêu khắc theo hình ảnh các tờ giấy bạc cuộn thành nhiều lớp, tượng trưng cho ngọn đuốc soi đường của cách mạng nhằm tái hiện lại giai đoạn lịch sử hào hùng của nước nhà. Mặt trước của ngọn đuốc là chân dung Bác Hồ vĩ đại nằm giữa ngôi sao Tổ quốc cùng với các hoa văn tinh xảo và những dòng chữ thể hiện nội dung lịch sử.
Ở sau đài bia là hình tượng cuốn thư với bố cục phù điêu cực kỳ tráng lệ, tái hiện lại các hoạt động đầy vất vả, gian nan nhưng rất đỗi tự hào về quá trình in ấn và phát hành giấy bạc Cụ Hồ của Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ – Một vũ khí sắc bén trên mặt trận kinh tế, tài chính và tiền tệ với quân địch trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Toàn bộ đài bia kỷ niệm di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ và phù điêu đều được chạm khắc trên chất liệu đá granite xám để bảo đảm tính bền vững theo thời gian.
Trong quần thể di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ còn có công trình bia tưởng niệm rất khang trang ghi danh 59 liệt sĩ. Họ là những người con xã Hàm Rồng đã anh dũng hy sinh trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Ngoài ra, những hạng mục sân vườn, hàng rào và tuyến đường nối từ Hàng Dương vào di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ cũng được nâng cấp, mở rộng kèm theo hệ thống chiếu sáng để phục vụ hoạt động tham quan, thăm viếng của bà con địa phương và mọi người từ các tỉnh thành trên cả nước.
Bia kỷ niệm di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ với hình tượng ngọn đuốc tạo thành từ các tờ giấy bạc cuộn lại
Công trình bia tưởng niệm 59 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Ngày nay, di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ là địa điểm tham quan, về nguồn của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Ảnh: Quỳnh Anh
Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ là nơi ghi dấu giai đoạn lịch sử hào hùng của “Xưởng in tiền di động” vùng Năm Căn, góp phần giáo dục văn hóa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đừng quên mang theo cẩm nang du lịch và ghé qua viếng thăm địa danh đặc sắc này nếu có dịp đến với Cà Mau bạn nhé.
Xem thêm: Quán hoa Hải Phòng, nơi rực rỡ sắc màu theo năm tháng